Thế giới cần một cuộc Cách mạng Xanh mới

Gần một tỷ người ở châu Phi và châu Á lâm vào tình trạng thiếu đói, do khan hiếm lương thực, giá cả tăng phi mã... Thế giới cần một cuộc Cách mạng Xanh mới, lần này trọng tâm là sản phẩm biến đổi gien.

tg102 Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), năm nay và các năm tới, nguồn cung của hầu hết các loại lương thực đều thấp hơn so với những năm vừa qua, trong khi nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và sản xuất đều tăng. Do sản lượng lương thực của năm nay chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nên dự trữ lương thực thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ đầu vụ, đạt 72 triệu tấn (tương đương 17% nhu cầu tiêu dùng cả năm). Cuộc Cách mạng Xanh lần nhất vào những năm 1960 – 1970 đã giúp gia tăng gấp đôi sản lượng lương thực thế giới bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học trong nông nghiệp, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, chính những sản phẩm này lại là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo. Sự biến đổi khí hậu đang đe dọa tất cả các nguồn tài nguyên cơ bản của thế giới. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường được coi là trọng tâm của Cách mạng Xanh lần thứ hai. Trong điều kiện nguồn tài nguyên đất và nước ngày càng giới hạn ở nhiều khu vực trên thế giới, môi trường toàn cầu ngày càng bị đe dọa bởi những biến đổi khí hậu phức tạp do trái đất đang nóng lên, giá các yếu tố đầu vào liên tục gia tăng, khiến chúng ta khó lòng đạt được mục tiêu trồng thêm một tỉ tấn ngũ cốc mỗi năm trước năm 2050 nếu không tiến hành một cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai. Cuộc cách mạng Xanh mới sẽ ít chú trọng đến việc giới thiệu các giống lúa cao sản mới, mà quan tâm nhiều hơn đến việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách thông minh và hiệu quả hơn, hoặc áp dụng công nghệ mới như công nghệ biến đổi gien (GM) trong nông nghiệp. Liên minh châu Âu có thể không thích, nhưng họ không thể phủ nhận việc áp dụng công nghệ GM đã mang đến bộ mặt mới cho nông nghiệp thế giới. 10 năm trở lại đây, châu Âu đã nhiều lần khước từ nỗ lực của các công ty công nghệ sinh học Mỹ như Monsanto áp dụng công nghệ biến đổi gien vào công tác trồng trọt. Mặc dù đã có bảo đảm về mặt khoa học rằng, sinh vật biến đổi gien (GMOs) an toàn cho con người, nhưng một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn cấm nhập khẩu các sản phẩm GMOs. Điều này có thể xung đột với một số quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mới đây, Iain Ferguson, Chủ tịch tập đoàn kinh doanh đồ ăn của Anh Tate & Lyle, thừa nhận, một số người châu Âu đã tiếp cận, thậm chí ăn thử các sản phẩm có áp dụng công nghệ GM. Ông cho rằng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi:“Chúng tôi đã lạc hậu khi công nghệ biến đổi gien, đó là một sự thật của cuộc sống”. Ông Ferguson, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội thức ăn và đồ uống của Anh, lập luận: vì rất nhiều nhà xuất khẩu nông sản lớn có sản phẩm chủ đạo là GMOs, nên thật khó đứng ngoài cuộc. Copa-Cogeca, một nhà vận động hành lang cho nông dân, cảnh báo: Giá thức ăn cho vật nuôi tăng có thể sẽ xóa sổ ngành công nghiệp này của châu Âu, trừ phi họ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu GMOS. Trong khi đó, mới đây, các Bộ trưởng Nông nghiệp châu Âu không đạt được thỏa thuận cho phép nhập khẩu khoai tây và ngô biến đổi gien. Vì vậy, “quả bóng” được đá đến sân Ủy ban châu Âu (EC). Nếu EC đồng ý cho nhập khẩu, đây sẽ là chiến thắng lớn của Monsanto, góp thêm vào những thắng lợi về mặt kinh doanh của công ty này. Ba năm liền, doanh thu và lợi nhuận của Monsanto liên tục tăng. Ngày 12/2 vừa qua, Monsanto công bố báo cáo tài chính, theo đó, doanh thu tám tháng đầu năm 2007 của công ty là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận đạt 993 triệu USD. Tuy giá lương thực liên tục tăng trong thời gian qua, nhưng Brett Begemann, một lãnh đạo của Monsanto, cam kết rằng công nghệ GM sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2012, lợi nhuận của công ty tăng gấp đôi. Công việc làm ăn của Monsanto rất thuận lợi ở những khu vực ngoài châu Âu từ 12 năm nay. Tổng diện tích nông trang áp dụng công nghệ GM hiện khoảng 114 triệu hecta, mức tăng trưởng của khu vực này năm ngoái là 12%. Mỹ đứng đầu danh sách, còn Argentina, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang có bước phát triển vượt bậc. Thomas West, chuyên gia của Pioneer Hi-Bred, một chi nhánh của DuPont, cho rằng, đã đến lúc châu Âu nên “lên boong” bởi “đoàn tàu sắp rời cảng”. Theo đánh giá của Cropnosis, một đơn vị tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp, thị trường của các nông sản có công nghệ GM đã tăng mạnh từ 3 tỷ USD năm 2001 lên trên 6 tỷ USD vào năm 2006 và hy vọng sẽ đạt con số 8,4 tỷ USD trước năm 2011, đến năm 2025 sẽ là 50 tỷ USD.. Nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc đang bùng nổ, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, thế giới cần nhiều thức ăn hơn nữa, trong khi đó, nguồn đất, nước và năng lượng ngày càng cạn kiệt và trở nên đắt đỏ, GM sẽ là một giải pháp tối ưu. Hơn nữa, đời thứ hai của GMOs sẽ xuất hiện trong một vài năm nữa với những ưu điểm như chống chịu tốt lũ lụt, hạn hán, năng suất cao… GMOs sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân và cả người tiêu dùng. Với tất cả những ưu điểm trên, hy vọng ngày GMOs có mặt ở châu Âu không còn xa và cuộc khủng hoảng lương thực sẽ được giải quyết.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29690-the-gioi-can-mot-cuoc-cach-mang-xanh-moi