Thế giới chống chọi hạn hán chưa từng thấy

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải gồng mình chống chọi đợt hạn hán được đánh giá là 'khủng khiếp nhất trong nhiều năm qua' với những thiệt hại có quy mô 'tương đương đại dịch Covid-19'.

Khắp thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đợt hạn hán và nắng nóng hiếm thấy

Khắp thế giới đang phải gồng mình chống chọi với đợt hạn hán và nắng nóng hiếm thấy

Mùa hè nóng kinh hoàng và khô hạn kỷ lục

Hạn hán hiếm thấy đã hoành hành trên khắp thế giới từ đầu năm tới nay. Trong đó, khu vực bị hạn hán nặng nề nhất là châu Âu khi châu lục này đã phải đối mặt với mùa hè nóng kinh hoàng và khô hạn kỷ lục, mà theo đánh giá của giới chuyên gia, có thể là nghiêm trọng nhất trong 500 năm qua.

Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa mới công bố số liệu thống kê cho biết, khoảng 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán. Số liệu này được đưa ra dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7-2022 cho thấy, 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), hạn hán kỷ lục kết hợp với những đợt nắng nóng kéo dài đang gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng cho châu Âu. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của EC cho biết, có đến 46% lãnh thổ của EU đang ở mức “cảnh báo”, tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức “báo động”. Các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Italia, Hy Lạp và Bán đảo Iberia.

Cũng theo các chuyên gia, đợt hạn hán này, bắt đầu từ đầu năm và có liên quan đến việc lượng mưa giảm mạnh tại khu vực châu Âu. Cụ thể là từ tháng 9-2021 đến tháng 4-2022, lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình ở các vùng lãnh thổ ở mức “cảnh báo” và 22% ở các vùng lãnh thổ trong tình trạng “báo động”. Tình trạng hạn hán trở nên trầm trọng thêm do các đợt nắng nóng mạnh đặc biệt đến sớm ở lục địa này vào mùa hè năm nay.

Theo số liệu của chính phủ Mỹ, tính đến ngày 16-8, có tới 42 bang đang phải đối mặt với hạn hán trên khu vực chiếm hơn 41% diện tích nước này khiến nông dân phải phá bỏ cây trồng và bán gia súc vì thiếu nước canh tác. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền trung, nam và trung nam, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất mặt, ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, cây cối và mùa màng.

Châu Phi hiện đang là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán do lượng mưa thấp liên tục trong 4 năm qua. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, vùng Sừng châu Phi - khu vực ở cực đông châu lục, đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua sau nhiều năm thiếu mưa.

Chính phủ Trung Quốc ngày 18-8 đã phải cảnh báo hạn hán cấp độ 2 trên thang đo 4 cấp độ và đây là lần đầu tiên sau 9 năm nước này ra cảnh báo hạn hán trên toàn quốc. Cảnh báo được đưa ra trong lúc các khu vực từ tỉnh Tứ Xuyên đến thành phố Thượng Hải trải qua nhiều tuần nắng nóng khắc nghiệt, khiến mực nước trên sông Dương Tử thấp hơn ít nhất 4,85m so với bình thường. Lượng mưa giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021 khiến tình trạng khô hạn càng nghiêm trọng. Cùng với Trùng Khánh, nhiều khu vực lân cận như tỉnh Tứ Xuyên, Thượng Hải và các tỉnh thành khác dọc sông Dương Tử cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều giải pháp ứng phó hạn hán

Hạn hán nghiêm trọng và trải dài tại nhiều khu vực trên thế giới là minh chứng rõ nét cho thấy, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh đến cuộc sống của con người. Một báo cáo mới của Liên hợp quốc cho thấy, tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2000. Biến đổi khí hậu được cho là thủ phạm góp phần gây ra tình trạng này, trong đó có đợt hạn hán nghiêm trọng trải dài hầu khắp thế giới hiện nay.

Theo Giám đốc điều hành WFP David Beasley, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến toàn thể thế giới, trong đó khu vực vùng sừng châu Phi đã 4 năm liên tiếp hầu như không có mưa. Nhìn nhận về đợt hạn hán chưa từng thấy trong 500 năm qua ở châu Âu, Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết, có hai nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này là lượng mưa thiếu hụt trong 3 năm qua và sự gia tăng nhiệt độ. “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu” - ông Mario Draghi khẳng định.

Giữa những căng thẳng địa chính trị gây ra khủng hoảng năng lượng và lương thực, khắp thế giới còn phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước trầm trọng, đe dọa ngành nông nghiệp cũng như an ninh lương thực nhiều quốc gia với những hậu quả nặng nề không kém đại dịch Covid-19. Không ít quốc gia đang, chậm phát triển thậm chí còn bị nạn đói đe dọa.

Việc thiếu hụt lượng mưa làm hàng loạt con sông khô cạn vào mùa hè năm nay và khiến các tuyến vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn, làm các hệ thống tưới tiêu không thể hoạt động dẫn đến thiệt hại mùa màng và làm giảm sản lượng của các nhà máy thủy điện.

Sản lượng nông sản khắp châu Âu cũng đang bị sụt giảm nghiêm trọng do thiếu nước. Trung tâm Nghiên cứu chung thuộc EU cho biết, nắng nóng và hạn hán có thể khiến sản lượng ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở châu Âu giảm từ 8 đến 9%. Báo The Guardian đưa tin, nguồn cung dầu ô liu và gạo Italia đang bị đe dọa, khiến giá thành có thể tăng đến 50%. Sản lượng ngũ cốc của Romania cũng được dự đoán sẽ giảm 30 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, sản lượng ngô dự kiến thấp hơn gần 20% so với năm 2021. Chủ tịch Hội Nông dân Đức cảnh báo sản lượng thu hoạch của nước này có thể giảm đến 40% nếu mưa không đến sớm.

Tại Mỹ, do gần 94,5 triệu ha diện tích trồng trọt ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi hạn hán nên nhiều nông dân phải nhổ bỏ cây trồng và bán đàn gia súc dù chưa đạt trọng lượng cần thiết. Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 17-8 cho biết, hạn hán làm thiệt hại khoảng 820.000 ha diện tích canh tác trên lưu vực sông Dương Tử, ảnh hưởng đến 830.000 người và 160.000 gia súc.

Tuy nhiên, châu Phi mới là nơi chịu tác động nặng nề nhất, hạn hán diễn biến nghiêm trọng đẩy hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói. Theo một báo cáo của WFP, hơn 9 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia đang bị cuốn vào vòng xoáy của bất ổn an ninh lương thực, 22 triệu người đang có nguy cơ chết đói ở vùng Sừng châu Phi vì hạn hán.

Giải pháp căn cơ để ứng phó với hạn hán là chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, điều này đòi hỏi phải thời gian dài và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thế giới. Vì thế, để đối phó với tình trạng hạn hán khắp thế giới hiện nay, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp chính là tăng cường tập trung vào phục hồi đất như kết hợp nông lâm nghiệp và hệ thống tưới tiêu hiệu quả hơn.

Con người cần trồng nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và ít nước hơn, đồng thời phải thay nguồn thực phẩm, chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật và hạn chế việc tiêu thụ động vật. Cùng với đó, khôi phục đất ở những vùng sa mạc hóa cũng là một trong những giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng hạn hán hiện nay.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-chong-choi-han-han-chua-tung-thay-post514558.antd