Thế giới có gần 222 triệu ca mắc COVID-19, 198 triệu người đã hồi phục

Một điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. Ảnh: TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 7/9 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 221.951.531 ca mắc COVID-19 và 4.588.200 ca tử vong. Số ca hồi phục là 198.540.821 ca.

Tại Mỹ, tổng số ca mắc COVID-19 là 40.865.794 ca, trong đó có 666.559 ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch khi số ca mắc chiếm hơn 18% tổng số ca mắc trên toàn cầu và số ca tử vong chiếm gần 14%.

Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil và Mexico tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mới mỗi ngày. Bộ Y tế Brazil ngày 6/9 thông báo nước này có thêm 9.154 ca mới và 182 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Brazil có hơn 20 triệu ca, trong đó có 583.810 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico công bố thêm 5.127 ca mới và 330 ca tử vong, đưa tổng số lên lần lượt 3.433.511 ca và 263.470 ca.

Ngày 6/9, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 2-11 tuổi. Cuba bắt đầu chiến dịch này vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos, với loại vắc xin tự sản xuất Soberana 02.

Trước đó một ngày, đảo quốc Caribe này cũng đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-18 tuổi.Cùng ngày, Chính phủ Cuba thông báo kế hoạch mở cửa biên giới vào tháng 11 tới, sau khi hoàn thành cơ bản công tác tiêm chủng.

Theo số liệu thống kê chính thức, tới nay Cuba đã ghi nhận 696.904 ca mắc COVID-19, trong đó 653.102 lượt người đã bình phục và 5.788 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 6/9, Viện Y tế Chile (ISP) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin ngừa COVID-19 của công ty Trung Quốc Sinovac cho trẻ em từ 6-12 tuổi trong bối cảnh 86% dân số quốc gia Nam Mỹ này đã hoàn tất số mũi tiêm miễn dịch theo quy định.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Chile, Enrique Paris nhấn mạnh đây là một thông tin tuyệt vời đối với trẻ em đang độ tuổi đến trường, đối tượng chưa được xem xét trong các chương trình tiêm chủng trước đó. Theo dự kiến, cơ quan y tế sẽ triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em ngay tại các trường học.

Chile là một trong những quốc gia đi đầu ở Mỹ Latin trong việc triển khai việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đại trà cho người dân. Dù mới bắt đầu khởi động kế hoạch tiêm vắc xin từ đầu tháng 2 năm nay, song đến nay đã có hơn 13 triệu người dân Chile từ 12 tuổi trở lên hoàn tất 2 mũi tiêm theo quy định, tương đương với 86% dân số.

Ngoài ra, có khoảng 1,8 triệu người Chile tiêm đủ 2 mũi vắc xin của Sinovac đã được tiêm bổ sung thêm một mũi thứ 3 bằng vắc xin của hãng AstraZeneca. Kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ Latin hồi đầu năm 2020, đến nay Chile đã ghi nhận khoảng 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 37.108 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm mạnh trong 2 tháng trở lại đây. Theo thống kê, ngày 6/9, quốc gia Nam Mỹ này chỉ ghi nhận 435 ca bệnh mới và 18 trường hợp tử vong.

Tại Trung Đông, Bộ Y tế Israel ngày 6/9 đã ban hành cảnh báo đi lại đối với Singapore và Hungary do tình hình lây lan dịch bệnh COVID-19 tại hai quốc gia này, có hiệu lực từ ngày 14/9. Cũng từ ngày 14/9, Israel sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại tới Cộng hòa Cyprus, Áo, Uruguay và Gabon trong khi lệnh cấm di chuyển tới Brazil, Bulgaria, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hiệu lực.

Những người nhập cảnh từ tư quốc gia này vào Israel sẽ được yêu cầu tự cách ly bảy ngày tại nơi ở, kể cả những người đã được tiêm vắc xin và những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Những người từ các nước khác nhập cảnh vào Israel sẽ phải tự cách ly trong vòng 24 giờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Ấn Độ đặt mục tiêu tăng mạnh năng lực sản xuất ôxy y tế lên mức 15.000 tấn/ngày nhằm phòng ngừa nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 3, được dự báo có thể xảy ra sớm nhất là vào giữa tháng 9 này.

Theo ông Moloy Banerjee, Giám đốc công ty Linde South Asia thuộc tập đoàn Linde India, chính phủ có kế hoạch tăng 50% sản lượng ôxy y tế, từ mức 10.000 tấn/ngày hiện nay. Đây là mức đạt được trong thời gian cao điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai vào đầu năm nay.

Vào thời điểm đó, hệ thống bệnh viện tại Ấn Độ thiếu hụt ôxy y tế nghiêm trọng, buộc người nhà bệnh nhân phải tự tìm nguồn ôxy bên ngoài cơ sở nhà nước. Theo thống kê, khi đó hãng Linde India cung cấp gần 33% nhu cầu ôxy y tế của Ấn Độ.

Hiện Linde India đang đánh giá năng lực sản xuất và khả năng tăng sản lượng của các cơ sở đang hoạt động. Ngoài ra, đại diện của tập đoàn cũng đang có các cuộc trao đổi với chính quyền các bang Andhra Pradesh và Madhya Pradesh về khả năng hỗ trợ thiết lập thêm các kho dự trữ và lắp đặt thêm các cơ sở sản xuất ôxy y tế mới.

Theo thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ, kể từ khi đại dịch bùng phát, nước này đã ghi nhận 33,03 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 440.752 ca tử vong. Với số liệu này, Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, về số ca mắc COVID-19.

Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/8. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể vẫn gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế.

Ngày 6/9, Nhật Bản ghi nhận 8.234 ca mắc mới và 40 ca tử vong trên toàn quốc. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm chín ca so với một ngày trước đó xuống còn 2.198 người. Riêng thủ đô Tokyo ghi nhận 968 ca mắc mới, giảm 947 so với một tuần trước đó. Đây là ngày đầu tiên kể từ ngày 19/7, số ca mắc mới ở Tokyo giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày. Số ca mắc mới bình quân trong tuần từ 31/7 đến 6/9 ở Tokyo là 2.414 ca/ngày, giảm 34,9% so với một tuần trước đó.

Mặc dù số ca mắc mới đang có xu hướng giảm nhưng giới chức y tế Nhật Bản vẫn cảnh giác do các biến thể nguy hiểm như Delta và Lambda đã xâm nhập nước này, trong khi hệ thống y tế ở một số khu vực vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở vùng thủ đô trước khi biện pháp này hết hạn vào ngày 12/9. Hãng tin Jiji Press dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết sẽ khó dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các tỉnh khác nằm trong vùng thủ đô. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 9/9.

Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp ở 21 trong số 47 tỉnh, thành, trong đó có bốn tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô là Tokyo, Saitama, Chiba và Kanagawa.

Thái Lan đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, nửa năm sau khi những người đầu tiên được tiêm chủng. Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy đến nay 25,2 triệu người nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ hai mũi.

Phát biểu ngày 6/9, người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã hoan nghênh mốc 25 triệu người được tiêm mũi đầu tiên, cho rằng cần thêm 25 triệu người nữa được tiêm vắc xin để đạt được mục tiêu mà nước này đặt ra.

Liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Thái Lan vào ngày 28/2. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu có 50 triệu người, tức 70% của dân số 70 triệu người, được tiêm mũi vắc xin đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tỉ lệ tiêm chủng hàng ngày trên toàn quốc đã tăng nhanh trong vài tuần qua, đạt mức cao nhất là hơn 920.000 mũi hôm 3/9, do nguồn cung vắc xin dồi dào hơn.

Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha cho biết Thái Lan sẽ mua được khoảng 124 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay, trong đó có 43,3 triệu liều của AstraZeneca và 30 triệu liều của Pfizer sẽ nhận được từ nay đến tháng 12.

Ông Sathit bày tỏ tin tưởng rằng chương trình phân phối vắc xin sẽ đạt được mục tiêu, đồng thời cho biết Bộ Y tế có kế hoạch tiêm chủng cho 100% các nhóm dễ bị tổn thương vào cuối tháng 10. Bên cạnh đó, Thái Lan có kế hoạch mua ít nhất 200 triệu liều vắc xin trong năm 2022 để tiêm nhắc lại và đối phó với các biến thể của virus gây bệnh COVID-19.

Bộ Y tế Thái Lan sáng 7/9 cho biết nước này có 13.821 ca mới cùng 241 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 1.308.343 ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó 13.283 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát kể từ đầu tháng 4.

Cùng ngày 6/9, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết đến nay quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 225,4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Airlangga cho hay Indonesia đã tiếp nhận 50 lô vắc xin, trong đó lô mới nhất gồm 5 triệu liều vắc xin của Sinovac được bàn giao trong ngày 6/9. Trong tổng số 225,4 triệu liều vắc xin nói trên có 188,9 triệu liều vắc xin của Sinovac, 19,5 triệu liều vắc xin của Astrazeneca, 8 triệu liều vắc xin của Moderna, 2,75 triệu liều vắc xin của Pfizer và 8,25 triệu liều vắc xin của Sinopharm.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263651/the-gioi-co-gan-222-trieu-ca-mac-covid-19-198-trieu-nguoi-da-hoi-phuc.html