Thế giới có hơn 2 tỷ người đang khát

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến hiểm họa cho toàn nhân loại và hiện có hàng tỷ người trên toàn cầu đang đối mặt với cơn khát nước sạch. Đây là cảnh báo của Liên hợp quốc trong Ngày Nước thế giới năm nay (22/3/2020).

 Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo nguy cơ thiếu nước sạch toàn cầu.

Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo nguy cơ thiếu nước sạch toàn cầu.

Cơn “khát” đe dọa toàn cầu

Theo những con số của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố gần đây: Có tới 2,1/hơn 7 tỷ người không có thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn. Trong đó, có 4,5 tỷ người thiếu các hệ thống vệ sinh được quản lý một cách hợp lý.

Trong số 2,1 tỷ người không tiếp cận được nước sạch có tới 844 triệu người không có ngay nguồn nước sạch đảm bảo mà phải mất gần 30 phút mới có được và 268 triệu người phải mất hơn 30 phút để lấy. Ngoài ra còn có gần 160 triệu người trên toàn cầu lấy nước uống từ suối và ao hồ.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết có tới 80 quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng hoặc khó tiếp cận nguồn nước sạch. Theo số liệu mới được cập nhật trên tập bản đồ nguy cơ thiếu nước trên thế giới, các quốc gia trong tình trạng “khát nước trầm trọng nhất” nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi, trong đó Qatar là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, theo sau là Israel và Liban.

Pakistan cũng đang gặp phải cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Hàng ngày, những đứa trẻ ở đây phải lặn lội trong những chuyến đi lấy nước được cấp phát từ Chính phủ

Tại Nigeria, phụ nữ và trẻ em đang phải hứng nước uống từ các vòi công cộng. Theo Water Aid, 57 triệu người ở Nigeria không có nước sạch. Hơn 45.000 trẻ em Nigeria dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tả, do thiếu nguồn nước đảm bảo vệ sinh.

Giáo sư Peter Gleick, Hiệu trưởng danh dự của Viện Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả của cuốn sách “The World’s Water”(Nguồn nước của thế giới), nhận định nếu những nguồn nước cạn kiệt có thể dẫn tới những tình trạng nguy hiểm và có thể dẫn đến hủy diệt nhân loại.

“Tình trạng ấm lên toàn cầu nếu không cải thiện thì đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% lượng nước cần thiết”- Giáo sư Peter Gleick cảnh báo. Về góc độ kinh tế, WB cũng đưa ra dự báo: Khan hiếm nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn vì tác động của biến đổi khí hậu sẽ “làm bốc hơi” tới 6% GDP hàng năm tại một số khu vực, là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng di cư và tạo mầm mống xung đột.

Theo UNICEF, tới năm 2040, sẽ có tới 600 triệu trẻ em, nghĩa là trên thế giới cứ 4 em thì có 1 em sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Nguy cơ các “cuộc chiến nguồn nước”

Cứ 3 năm một lần, Chương trình Thế giới của LHQ lại đánh giá tài nguyên nước (WWAP) công bố Báo cáo toàn cầu, trình bày những đánh giá toàn diện nhất về tình trạng nguồn nước ngọt trên thế giới.

Báo cáo mới nhất của WWAP đưa ra các lo ngại về sự cạnh tranh nguồn nước giữa các quốc gia, giữa thành phố với nông thôn, và giữa các lĩnh vực kinh tế với nhau. Tất cả điều này trong tương lai gần sẽ biến vấn đề khan hiếm nước thành vấn đề chính trị, xung đột quân sự và vũ trang.

Trong 50 năm qua, đã có 507 cuộc xung đột vì nguồn nước đã được ghi nhận, trong đó có 21 lần đã dẫn đến hành động quân sự. LHQ đã chú ý đến các lưu vực có nguy cơ trở thành đối tượng gây tranh chấp trong những năm tới.

Cùng với những nơi thường xuyên xảy ra các mối bất hòa như hồ Chad và các con sông Brahmaputra, sông Hằng, sông Zambezi, Limpopo, sông Cửu Long, Senegal thì trong báo cáo của Liên hợp quốc còn đề cập đến các cuộc xung đột do nguồn nước của các con sông Aras, Irtysh, Kura, Ob.

Nhận định của các chuyên gia chính trị đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: Thế giới một lần nữa lại bị phân chia thành nơi có nhiều nước và nơi nguồn nước đang cạn dần. Trong khi đó, để cảnh báo các điểm nóng xung đột, một nghiên cứu của Đức cho biết: Tại 4 khu vực có chứa nguồn nước (biển Aral, sông Jordan, sông Nile, sông Tigris và sông Euphrates) các quốc gia liên quan liên tục ý định dùng vũ lực để phân chia nguồn nước.

“Hãy nhìn xem, năm 1990, Iraq đứng trên bờ vực chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này làm giảm dòng chảy của sông Euphrates. Năm 2002, Israel chút nữa đã phát động chiến tranh khi Liban dự định xây dựng các con đập ở đầu nguồn sông Jordan. Nhưng thực sự thế giới đang đối mặt với những cuộc chiến nguồn nước”- Theo Brahma Chellaney, Giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi (ấn Độ).

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/the-gioi-co-hon-2-ty-nguoi-dang-khat-tintuc462189