Thế giới có thể thiếu lương thực vì chiến sự Ukraine

Đình trệ sản xuất và xuất khẩu, giá phân bón và dầu tăng cao do xung đột giữa Ukraine và Nga đang đưa giá lương thực lên mức kỷ lục, đẩy hàng chục triệu người đến bờ vực đói kém.

David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc, ngày 24/3 cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra "một thảm họa" và sẽ có tác động toàn cầu "vượt xa bất cứ điều gì chúng ta đã thấy kể từ Thế chiến II", theo Time.

Ông nói với Hội đồng Bảo an rằng giá thực phẩm, vốn đã cao và chưa kịp bình ổn vì Covid-19, đang tiếp tục tăng vọt do xung đột ở Ukraine. Cuộc chiến làm tăng nguy cơ nạn đói trên thế giới, ông cảnh báo. “Người dân ở các nước đang phát triển là những người đầu tiên bị ảnh hưởng”.

Những vựa lúa mì của thế giới

Một lượng lớn lúa mì, ngô và lúa mạch trên thế giới đang mắc kẹt ở Nga và Ukraine, trong khi một phần lớn hơn nữa lượng phân bón mắc kẹt ở Nga và Belarus.

Ukraine đã xuất khẩu 309.000 tấn lúa mì vào tháng 3/2022, thấp hơn 4 lần so với tháng 2, trước khi cuộc xung đột xảy ra. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết họ có thể giới hạn xuất khẩu nông phẩm trong bối cảnh nguồn cung lương thực trong nước khan hiếm và các lệnh trừng phạt chặt chẽ từ phương Tây, theo Trading Economic.

Ukraine và Nga sản xuất 30% nguồn cung lúa mì của thế giới, 20% ngô, 32% lúa mạch, và 75%-80% dầu hạt hướng dương - loại dầu nấu ăn chủ yếu ở nhiều nước.

50% ngũ cốc của Chương trình Lương thực Thế giới được mua từ Ukraine để hỗ trợ cho nhiều quốc gia và hàng chục triệu người.

 Một biển cảnh báo với dòng chữ "Nguy hiểm: Mìn" trên cánh đồng ở lối vào Nizhyn, phía đông bắc Kyiv, từng được sử dụng để trồng trọt. Ảnh: AFP.

Một biển cảnh báo với dòng chữ "Nguy hiểm: Mìn" trên cánh đồng ở lối vào Nizhyn, phía đông bắc Kyiv, từng được sử dụng để trồng trọt. Ảnh: AFP.

Liên Hợp Quốc ước tính có tới 30% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine có thể trở thành vùng chiến sự. Và với hàng triệu người Ukraine đã di tản khỏi đất nước hoặc gia nhập chiến tuyến, số người có thể làm việc trên cánh đồng còn ít hơn rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói rằng “cuộc xung đột ở Ukraine đang gây tổn hại đến an ninh lương thực toàn cầu”.

Bà cho biết ít nhất 3 tàu dân sự chở hàng từ các cảng Biển Đen đến phần còn lại của thế giới đã bị trúng bom, trong đó có một tàu dùng để vận chuyển nông sản.

“Khoảng 94 tàu chở thực phẩm cho thị trường thế giới được cho là đã bị ngăn cản đến Địa Trung Hải”, bà Sherman nói và cho biết thêm rằng nhiều công ty vận tải biển đang lưỡng lự trong việc gửi tàu vào Biển Đen, thậm chí đến các cảng của Nga.

Đại sứ Pháp Nicolas De Riviere tại Liên Hợp Quốc nói với Hội đồng Bảo an rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang “ngăn nước này xuất khẩu ngũ cốc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá lên cao, đe dọa khả năng tiếp cận nông phẩm đối với những nước dễ bị tổn thương nhất”.

Giá tăng cao nhất trong vòng 14 năm

Không dễ thay thế lúa mì của Nga và Ukraine. Theo Liên Hợp Quốc, lúa mì sẵn có ở Mỹ và Canada đang khan hiếm, trong khi Argentina đang hạn chế xuất khẩu và Australia đã hết công suất vận chuyển.

Trong năm qua, giá lúa mì đã tăng phi mã tới hơn 70%. Trong số các mặt hàng xuất khẩu lương thực chính khác của Nga và Ukraine, giá ngô tăng khoảng 36% và giá lúa mạch tăng hơn 100%, tính đến ngày 6/4, theo Tranding Economic.

Chỉ 10 ngày sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2, giá lúa mì đã tăng 35%, đạt mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Giá một số loại phân bón tăng 40%, tính đến giữa tháng 3.

Giá lúa mì đạt mức kỷ lục sau 14 năm, kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Nguồn: Trading Economics.

Giá lúa mì đạt mức kỷ lục sau 14 năm, kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Nguồn: Trading Economics.

Trên khắp thế giới, hóa đơn hàng tạp hóa vẫn đang leo dốc. Vào tháng 2, giá hàng tạp hóa ở Mỹ đã tăng 8,6% so với một năm trước, mức tăng lớn nhất trong 40 năm, theo dữ liệu của chính phủ. Các nhà kinh tế dự đoán đà tăng vẫn chưa dừng lại.

Nooruddin Zaker Ahmadi, Giám đốc Bashir Navid Complex, một công ty nhập khẩu Afghanistan, nói rằng giá đang tăng trên diện rộng. Trong tháng này, ông đã mất 5 ngày ở Nga để tìm dầu ăn. Ông đã mua các thùng 15 lít với giá 30 USD mỗi thùng và sẽ bán chúng tại thị trường Afghanistan với giá 35 USD. Trước cuộc chiến, ông bán chúng với giá 23 USD.

Cuộc chiến dự kiến sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch và sản lượng, không chỉ ở Ukraine, mà còn ở các quốc gia phụ thuộc vào phân bón của Nga, theo Friederike Greb, một nhà kinh tế WFP.

Matt Huie, một nông dân gần Corpus Christi, Texas, nói rằng giá cả tăng vọt đã buộc ông phải ngừng bón phân cho đồng cỏ dùng để chăn thả hàng trăm con bò. Bây giờ, ông lo sẽ phải giảm lượng phân bón cho vụ ngô tiếp theo, điều này sẽ làm giảm năng suất của mùa vụ.

Các trang trại Ukraine sắp bỏ lỡ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng. Nhiều nhà máy phân bón ở châu Âu đang cắt giảm đáng kể sản lượng vì giá năng lượng cao. Nông dân từ Brazil đến Texas đang cắt giảm lượng phân bón, đe dọa đến quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.

 Giá dầu lúa mì, dầu thô và phân bón bắt đầu tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/2.

Giá dầu lúa mì, dầu thô và phân bón bắt đầu tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine ngày 24/2.

Hầu hết lúa mì được tiêu thụ ở Armenia, Mông Cổ, Kazakhstan và Eritrea đều nhập khẩu từ Nga và Ukraine, nhưng đang phải tìm nguồn cung mới. Tuy nhiên, họ đang phải cạnh tranh với những nhà nhập khẩu lớn hơn, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh và Iran. Những nước này đã thu mua hơn 60% lúa mì của họ từ hai nước tham chiến.

Trung Quốc, đối mặt với vụ lúa mì tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ sau lũ lụt nghiêm trọng, đang có kế hoạch mua nhiều hơn so với những năm trước. Và Ấn Độ, quốc gia thường xuất khẩu một lượng nhỏ lúa mì, đã có lượng đặt hàng nước ngoài tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Hàng chục triệu người có thể bị đói

Lebanon, Pakistan, Libya, Tunisia, Yemen và Morocco năm trong số quốc gia đáng lo ngại. 85% lượng ngũ cốc tiêu thụ ở Ai Cập trong năm 2020 đến từ Ukraine, và con số đó của Lebanon là 81%.

Những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột kéo dài khác, bao gồm Afghanistan, Syria, Nam Sudan và Ethiopia, đang phải đối mặt với tình trạng đói nghiêm trọng mà các chuyên gia lo ngại có thể nhanh chóng trầm trọng hơn.

WFP đang hỗ trợ thực phẩm cho 125 triệu người trên khắp thế giới trước khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2, và giờ họ phải cắt giảm khẩu phần ăn của những người này, ông Beasley cho biết.

 Một xe chở bột mì của WFP ở Afghanistan vào năm 2021. Ảnh: New York Times.

Một xe chở bột mì của WFP ở Afghanistan vào năm 2021. Ảnh: New York Times.

Đơn cử tại Yemen, vốn đã bị tàn phá do xung đột kéo dài, 8 triệu người vừa bị cắt giảm 50% lượng lương thực được phân bổ, "và bây giờ chúng tôi đang xem xét việc giảm khẩu phần ăn".

Cuộc chiến ước tính sẽ làm tăng chi tiêu hàng tháng của WFP lên 71 triệu USD vì chi phí thực phẩm, nhiên liệu và vận chuyển tăng cao, ông nói. Điều này đồng nghĩa số người mà họ tiếp cận được để hỗ trợ lương thực sẽ giảm đi 4 triệu người.

“Nếu cuộc chiến không dừng lại, thế giới sẽ phải trả một cái giá đắt, và có thể chúng tôi sẽ phải giảm khẩu phần của trẻ em đói kém để chia cho trẻ em không có cái ăn”, vị quan chức WFP nói.

Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể sẽ là Afghanistan, vốn đã tổn thương nặng nề sau 4 thập kỷ xung đột.

Qais Mohammadi, một nhà kinh tế học người Afghanistan và là cựu trợ lý giáo sư tại một trường đại học tư ở Kabul, cho biết “tình hình ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn vì rất nhiều ‘biến số’, và cuộc chiến Ukraine là một biến số quan trọng”, bên cạnh các biến số khác liên quan đến sự bất ổn trong hệ thống tiền tệ, ngân hàng, môi trường chính trị, và hàng tỷ USD bị đóng băng kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước.

Bộ Y tế Công cộng của Taliban cho biết hơn 13.000 trẻ sơ sinh đã chết vì suy dinh dưỡng trong năm nay, dù con số này là không thể xác minh.

WFP đã nhiều lần cảnh báo rằng ½ dân số Afghanistan (khoảng 23 triệu người) đang “mất an ninh lương thực”, trong đó có gần 9 triệu người đang đứng trên bờ vực chết đói. Trên toàn thế giới, con số đó là 44 triệu người, bà Greb, nhà kinh tế WFP, cho biết.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-gioi-co-the-thieu-luong-thuc-vi-chien-su-ukraine-post1307757.html