Thế giới của sáng tạo

Người nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng có một quyền lực vô biên về sáng tạo. Họ có thể tạo ra bất cứ cái gì họ muốn và không có bất cứ một ranh giới nào có thể ràng buộc. Đó chính là sự hấp dẫn và bất ngờ của văn học nghệ thuật.

Có một chuyện kể rằng Thomas Mann, nhà văn lừng danh của nước Đức với bộ tiểu thuyết “Gia đình Buddenbrook”, “Núi thần”… đã tặng nhà bác học vĩ đại nhất lúc đó và cũng là người đồng hương của mình là Albert Einstein một quyển sách. Thomas Mann tặng Einstein sách tối hôm trước thì sáng hôm sau nhà bác học đem trả lại. Einstein nói rằng đầu óc con người không thể phức tạp như thế, ông đã đầu hàng.

Đây là một câu nói rất khiêm tốn của Einstein nhưng cũng rất đỗi tự hào về văn học. Một trong những bộ óc vĩ đại nhất về khoa học đã chịu thua một cuốn tiểu thuyết hư cấu. Sự sáng tạo của người viết là vô biên, vô cùng phức tạp mà ngay cả những người có đầu óc sáng suốt nhất cũng khuất phục.

Lần theo hành trình sáng tạo, ngay buổi sơ khai của văn minh loài người, các nghệ sĩ dân gian, những người kể chuyện đường phố đã sáng tạo ra bao câu chuyện kì thú về thế giới và xã hội. Những thần thoại Hy Lạp, La Mã là biểu hiện của trí tưởng tượng vô song về các vị thần, các chiến công kì vĩ. Các truyện cổ tích, truyền thuyết của nước Việt cũng chứng tỏ dân tộc Việt có những sáng tạo không hề thua kém. Những truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn như “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, “Thạch Sanh”, “Cóc kiện trời”, “Tấm Cám”… đã được dân gian tô vẽ rất nhiều màu sắc và ấn tượng kì thú. Sự tưởng tượng là không có giới hạn.

Truyện cổ tích Thạch Sanh.

Truyện cổ tích Thạch Sanh.

Một chú cóc xấu xí có thể lên tận trời cao kiện cáo vì trời cho thiếu mưa, một quả thị nhỏ xinh có thể ẩn giấu một cô gái xinh đẹp và những hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, bão gió chẳng qua là sự tức giận của một chàng trai không lấy được người mình yêu… Không có sự tưởng tượng và sáng tạo lớn lao sẽ không có những sản phẩm như thế.

Tiếp nối các nghệ sĩ dân gian, sự sáng tạo của các nhà văn hiện đại càng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn bao giờ hết. Nhà văn Karel Capek người Séc nổi tiếng với các tiểu thuyết “Khi loài vật lên ngôi”, “Nhà máy chế tạo siêu nhiên” và vở kịch “Các Robot toàn năng của Rossum (R.U.R)” đã từng miêu tả một thế giới một ngày nào đó sẽ có bị những người máy (robot) thay thế và thậm chí chế ngự.

Chính Capek là người đầu tiên đưa ra từ robot và ngày nay nó đã được dùng rộng rãi. Sự tưởng tượng của nhà văn rõ ràng là tiến xa hơn rất nhiều với khoa học ở cùng thời điểm và mãi sau này, những tiên đoán của Capek đã trở thành hiện thực.

Nhưng không cần đến một sự viễn tưởng của một thế giới xa xôi, gần như bất cứ sự viết hư cấu nào cũng mang sẵn trong mình một sự sáng tạo và tưởng tượng. Nếu chỉ sao chép nguyên xi sự thật của cuộc sống, nó mới tạo được những khung sườn chính, để cho tác phẩm thăng hoa, có giá trị văn học thực sự, nó cần những hư cấu nhất định hoặc rất nhiều.

Nhiều nhà văn may mắn gặp những hiện thực hấp dẫn, anh ta chỉ cần chép lại, gia giảm ít nhiều và đã thành công. Những trường hợp đó không nhiều và thường rơi vào những người có nhiều trải nghiệm và cuộc sống phong phú hoặc bản thân rơi vào những hoàn cảnh, biến cố đặc biệt. Còn với đa số những người khác, sự tưởng tượng và hư cấu chiếm phần lớn sự viết, những tác phẩm được dựng lên gần như từ hư không.

Chính cái từ “hư không” này gợi nhớ cho tôi một câu chuyện mà tôi cho rằng có ít nhiều ý nghĩa ở đây. Một nhà văn nổi tiếng đã từng phát biểu rằng, nhà văn có vị trí khác với nhà phê bình vì anh ta sáng tạo từ hư vô còn nhà phê bình dù sao cũng được làm việc với ít nhiều cái sẵn có. Tất nhiên lời phát biểu này chưa thật chính xác và có thể làm mếch lòng những nhà phê bình vì ai cũng biết rằng bất cứ sự hư cấu hay sáng tạo nào đều phải dựa trên một thứ sẵn nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ liên tưởng xa xôi, gần gũi hoặc gợi mở nào đó. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh ở đây rằng, sự sáng tạo của người viết có thể khám phá ra những thứ rất mơ hồ, vi tế mà kể cả những bộ máy hiện đại, phức tạp nhất chưa chắc đã làm nổi.

Ta ví dụ thế này, một nhà văn miêu tả tâm lí một người phụ nữ, anh ta là đàn ông nhưng rành tâm lí phụ nữ. Anh ta biết từng ý nghĩ nhỏ nhất xuất hiện trong đầu cô gái, từ những xúc cảm nhỏ, biến chuyển của yêu ghét, giận hờn hoặc những niềm vui tuyệt đỉnh. Nhà văn không có thứ máy móc hoặc công cụ nào hỗ trợ như các bác sĩ, kĩ sư, tất cả hoàn toàn do trí tưởng tượng và óc phán đoán của anh ta. Nhà văn như khơi mở một con đường riêng trong đầu óc của nhân vật và tường tận mọi suy nghĩ của người ấy, từ những xung động thần kinh nhỏ nhất cũng như những hành động lớn vô song. Những bậc thầy về miêu tả tâm lý nhân vật vì thế luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả, thách thức sự phân tích của những bộ máy phức tạp vì những góc kín và khuất trong tâm hồn con người bao giờ cũng là những thứ khó nắm bắt, dò biết nhất.

Liệu sự tưởng tượng và sáng tạo có cần một giới hạn nào không? Theo cá nhân tôi thì không, người viết có thể sáng tạo mọi thứ mình muốn nhưng nếu có những điểm cần cân nhắc thì có thể do đạo đức, ý thức, cách suy nghĩ và quan điểm của mỗi người. Tôi đã từng viết một truyện ngắn về vua Trần Nhân Tông khi ông lên núi Yên Tử tu hành.

Vở kịch R.U.R của Karel Capek.

Chuyện dân gian cho rằng, khi ấy đã có một trăm cung nữ đi theo và ngăn cản ông. Nhà vua đã nhất quyết không chịu bị thuyết phục, các cung nữ tuyệt vọng trẫm mình xuống suối. Câu chuyện dân gian như thế nhưng tôi không thỏa mãn với điều này. Nếu chỉ có thế thì câu chuyện còn khá giản đơn và ít hấp dẫn. Tôi sẽ hư cấu ra tình tiết một cung nữ trẻ đã không chịu chấp nhận điều ấy, cô cầu xin nhà vua ban cho một đứa con rồi nhà vua làm gì thì tùy! Ý nghĩ đó lóe lên trong đầu nhưng tôi vẫn có chút sợ hãi. Mình dám cho một nhà vua và một cung nữ “mây mưa” trước khi ngài lên núi đi tu ư? Khi đó tôi còn khá trẻ và mới tập tành việc viết. Và tôi đã vào chùa Yên Tử và khấn Phật hoàng Trần Nhân Tông rằng: “Con là người viết và nghề này đòi hỏi một sự hư cấu nhất định. Nếu sự hư cấu của con có quá tay thì mong ngài hết sức lượng thứ”. Tất nhiên trong tác phẩm của mình tôi vẫn dàn dựng cảnh kia nhưng rút cục vua Trần Nhân Tông đã từ chối lời cầu xin của cô cung nữ. Cô trầm mình xuống suối tự vẫn và đích thân nhà vua đã nhảy xuống dòng nước xiết cứu cô.

Câu chuyện của tôi chỉ là một ví dụ rất nhỏ mà người viết sẽ gặp phải khi xây dựng tác phẩm của mình. Sự hư cấu, tưởng tượng đến đâu là đủ? Nó có vấp phải rào cản của tôn giáo, đạo đức và những sự thực lịch sử? Ví dụ Thiên Chúa giáo cho rằng thánh thần đã tạo ra loài người thì nhà văn có dám để cho một thế lực khác tạo ra loài người không? Bất chấp sự thực là loài người tiến hóa từ loài vượn người.

Những hư cấu liên quan tới tôn giáo và lịch sử luôn “đáng sợ” nhất. Có nhà văn đã từng phải trả giá về những hư cấu của mình. Salman Rushdi đã từng phải chịu án tử khi viết tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Satan” khi nội dung của nó liên quan đến đạo Hồi. Còn Michel Houellebecq, một nhà văn đương đại nổi tiếng của nước Pháp cũng chịu không ít rắc rối khi nhiều người cho rằng những hư cấu của ông đã châm ngòi cho sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Và rất nhiều những nhà văn khác, ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ.. tác phẩm của họ đã rơi vào vòng tranh cãi kịch liệt khi họ có những hư cấu, cái nhìn khác về lịch sử theo quan điểm của riêng mình. Nhưng nếu viết về lịch sử mà không hư cấu thì còn gì là hấp dẫn của thể loại nữa, độc giả thà đọc một quyển sử còn hơn. Nhà văn lựa chọn đề tài và thể loại thì đã phải chấp nhận sự mong manh của đúng sai, phán xét của độc giả cũng như cần cân nhắc liều lượng hư cấu của mình. Đó vừa là điểm dễ và cũng rất khó của nghề viết.

Nghề nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo, vì nếu không có sáng tạo chúng ta sẽ lặp lại mình và những người xung quanh. Với nghề viết sự đòi hỏi này càng mãnh liệt và nghặt nghèo. Chúng ta rất ít khi gặp những cái mới một phần hoặc hoàn toàn mới vì tạo ra cái mới là vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi tài năng, trí tưởng tượng, sự suy ngẫm, tầm nhìn và cả lòng dũng cảm nữa. Những tác phẩm đạt được những tiêu chí trên thường là những những tác phẩm tiên phong, sẽ có nhiều người đi theo con đường của nó và đến lúc nào đó, sự đòi hỏi một cái mới khác lại càng quyết liệt. Loài người luôn sáng tạo và làm mới mình, nhờ thế cuộc sống ngày càng văn minh và hiện đại hơn. Sáng tạo là thuộc tính căn bản của văn học, nó vừa là thách thức vừa là động lực hấp dẫn vô biên với những người viết.

Uông Triều

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/the-gioi-cua-sang-tao-566105/