Thế giới đã sẵn sàng khi Trung Quốc mở cửa trở lại?

Thị trường quốc tế đang cân nhắc những tác động khi Trung Quốc tái mở cửa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Việc Trung Quốc dần dần nới lỏng chiến lược phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt mang tên "Zero COVID" vừa tạo ra tâm lý lạc quan nhưng cũng đi kèm lo lắng. Các thị trường quốc tế đang cân nhắc những tác động khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tái mở cửa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái do giá hàng hóa tăng và lạm phát cao dai dẳng trong suốt năm 2022.

Theo Thời báo Hoàn cầu, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo từ ngày 25/12 sẽ dừng cập nhật thông tin về số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày. Trước đó, NHC đã liên tục cập nhật số liệu này trong suốt ba năm qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã điều chỉnh đáng kể chính sách phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ dần, thời gian cách ly được rút ngắn và nhiều hạn chế đi lại được nới lỏng.

Các biện pháp mới được đánh giá là sự kết thúc của các biện pháp cách ly và phòng dịch nghiêm ngặt kéo dài suốt 3 năm qua, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm và làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy chính sách "Zero COVID" có thể đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 384 tỷ USD và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP 2,2 điểm phần trăm.

Việc nới lỏng các hạn chế sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Trung Quốc nhanh chóng thúc đẩy hoạt động sản xuất và bắt kịp tốc độ phần còn lại của thế giới khi nước này tìm cách quay trở lại mức năng suất trước đại dịch. Theo tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế EIU thuộc tập đoàn The Economist (Anh), hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2023 sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm tới.

Các nhà kinh tế và doanh nghiệp trong ngành nhìn chung kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao kéo dài. Nhu cầu về hàng hóa và linh kiện cần thiết cho các sản phẩm phổ biến thường được lắp ráp tại Trung Quốc Đại lục sẽ tăng mạnh.

Nhưng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với một mặt hàng khác mà cả thế giới đều đang muốn sở hữu - đó là năng lượng.

Trước khi áp dụng các biện pháp phong tỏa kéo dài do COVID-19, Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhu cầu nhiên liệu lớn nhất thế giới để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp đang phát triển của nước này. Mặt hàng được mua nhiều nhất là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đây cũng là nguồn năng lượng chính mà các quốc gia Tây Âu phụ thuộc vào, từ ngành công nghiệp năng lượng đến hoạt động sưởi ấm trong mùa Đông.

Với giá năng lượng trong nước của châu Âu đang duy trì ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với khí đốt của Nga, nhu cầu từ Trung Quốc "hồi sinh" có thể sẽ gây thêm áp lực tăng giá đối với mặt hàng thiết yếu này.

Theo nhận định của EIB, giống như các quốc gia khác mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19, trong giai đoạn đầu mới mở cửa, Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến số ca nhiễm mới tăng đột biến trong sáu tháng đầu năm 2023. Điều này có thể gây ra áp lực lớn đối với chuỗi cung ứng và tiêu dùng.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đưa tin, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Trung Quốc được cho là đã lên tới hàng triệu dựa trên số liệu do chính quyền khu vực công bố, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh chóng kể từ khi chính phủ nước này nới lỏng đáng kể các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt từ đầu tháng 12. Tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, ngày 25/12 thông báo số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở địa phương này đã lên tới 1 triệu và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quanh thời điểm bước sang năm mới 2023.

Trước đó, ngày 23/12, hãng Bloomberg trích dẫn biên bản cuộc họp nội bộ của NHC hôm 22/12 cho hay khoảng 248 triệu người, chiếm gần 18% dân số Trung Quốc, có khả năng đã mắc COVID-19 trong 20 ngày đầu của tháng 12/2022.

Các ca lây nhiễm gia tăng ở Trung Quốc cũng dẫn đến một số lo ngại ở các nước láng giềng có ngành công nghiệp mũi nhọn là du lịch. Lĩnh vực du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, đặc biệt là khu vực châu Á. Khách du lịch Trung Quốc luôn đứng đầu về số lượng cũng như mức chi tiêu tại các điểm đến du lịch phổ biến ở Đông Nam Á trước năm 2020. Theo số liệu từ Cổng dữ liệu thống kê ASEAN, khoảng 32,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đến thăm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2019. Con số đó đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4 triệu lượt du khách Trung Quốc vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát và Trung Quốc đóng cửa biên giới với thế giới.

Triển vọng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại các thành phố ở Đông Nam Á sẽ đem lại thu nhập cho doanh nghiệp ngành du lịch, khách sạn, hàng không và dịch vụ trong khu vực. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với rủi ro. Khi hàng triệu khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại các địa điểm nghỉ dưỡng trên khắp thế giới, câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia và chính phủ của họ đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ gia tăng các ca nhiễm COVID-19 hay không, và họ có đủ khả năng áp dụng các biện pháp quyết liệt nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hay không./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-gioi-da-san-sang-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai/273247.html