Thế giới đang có ít nhất 250 triệu người đang sử dụng ma túy

Theo số liệu thống kê mới nhất của Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), có ít nhất khoảng 250 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới đang sử dụng ma túy. Khu vực Đông và Đông-Nam Á hiện có hơn ba triệu người sử dụng heroin và hơn năm triệu người sử dụng ma túy tổng hợp.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Công an, Cơ quan Thường trực phòng chống ma túy Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 về vấn đề ma túy. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Đã chủ trì Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN…

Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 6 cho biết, thế giới và khu vực đang đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép và lạm dụng chất ma túy. Khu vực Tam giác vàng tiếp tục là “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện và đang nổi lên là trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất của thế giới.

Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh Chu Lương)

Nhận thức sâu sắc được vấn đề này, các nước ASEAN đã thiết lập và thể chế hóa cơ chế Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy để nâng tầm các hoạt động hợp tác và thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm trong việc tăng cường các nỗ lực phòng, chống ma túy trong khu vực.

Với mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và an toàn trước tệ nạn ma túy, ASEAN đã thể hiện quan điểm không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma túy.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Các, cũng như các nước thành viên khác trong ASEAN, Việt Nam chịu tác động sâu sắc bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới. Trên cả nước hiện có khoảng 800 - 900 nghìn người liên quan đến hành vi sử dụng ma túy, trong đó có gần 225.000 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Việt Nam đang đối mặt với xu hướng người nghiện chuyển từ sử dụng các loại ma túy truyền thống dạng thuốc phiện sang các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới, phát hiện ngày càng nhiều người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy, gây khó khăn cho công tác chữa trị, cai nghiện và phục hồi sau cai. Đáng báo động là sự bùng phát của việc gia tăng sản xuất ma túy tổng hợp tại Tam giác vàng khiến cho lượng ma túy tổng hợp từ khu vực này thẩm lậu vào Việt Nam gia tăng đột biến…

Ngoài tác động của tình hình ma túy tại Tam giác vàng, Việt Nam cũng đang gặp phải tình trạng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh, gửi hàng qua bưu điện, qua đường hàng không, đường biển để vận chuyển ma túy trái phép từ bên ngoài khu vực vào Việt Nam và đi nước thứ 3, trong đó có các nước trong ASEAN. Những vấn đề này đặt ra thách thức lớn cho không chỉ Việt Nam mà còn là thách thức chung cho tất cả các nước trong ASEAN.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác của ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, coi đó là một trong những giải pháp phòng ngừa ma túy từ xa, giúp giảm áp lực cho công tác phòng, chống ma túy ở trong nước. Đồng thời tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của các nước đối tác, các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy khu vực.

Tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, đánh dấu chặng đường trên 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế trong phòng, chống ma túy. Hợp tác Chính trị - An ninh trong ASEAN luôn là một trụ cột, ưu tiên chiến lược trong chính sách hợp tác phòng, chống ma túy của Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về phòng, chống ma túy trong khuôn khổ Hội nghị.

Nhận thức rõ ma túy là một trong những vấn đề xuyên suốt cần có chủ trương thực hiện lâu dài, Chính phủ Việt Nam luôn dành nhiều ưu tiên cho công tác phòng, chống ma túy bằng nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại ma túy; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn các cơ quan phòng, chống ma túy; quyết liệt, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các tội phạm về ma túy; tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước trong khối ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, nhất là với các nước láng giềng, đồng thời luôn coi trọng hợp tác tiểu vùng trong phòng, chống ma túy.

Trong nội khối, ASEAN cần tiếp tục tăng cường sự gắn kết của các nước thành viên trong đấu tranh phòng, chống ma túy thông qua việc củng cố hợp tác song phương và đa phương, phối hợp lẫn nhau . “Đặc biệt, các nước thành viên cần khẳng định sự nhất trí lập trường chung của ASEAN về chính sách kiểm soát ma túy quốc tế, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong trong ứng phó, giải quyết vấn nạn ma túy toàn cầu.

CHU LƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/the-gioi-dang-co-it-nhat--250-trieu-nguoi-dang-su-dung-ma-tuy-d83473.html