Thế giới 'dậy sóng' trước ICBM tối tân bậc nhất của Triều Tiên

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới xuất hiện trong diễu binh 75 năm Đảng Lao động Triều Tiên tích hợp công nghệ tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng

Triều Tiên đã công bố ICBM mới được chở trên các xe mang bệ phóng tự hành (TEL) 22 bánh, so với tên lửa Hwasong-15, vốn được di chuyển bằng TEL chỉ 18 bánh trong cuộc duyệt binh ngày 10/10 tại Bình Nhưỡng.

Giáo sư Chang Young-keun tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc cho biết: “9 trục trên TEL chở ICBM Hwasong-15 được bố trí với khoảng trống ở giữa, trong khi 11 trục trên ICBM mới được chế tạo gần nhau. Thiết kế này của TEL chỉ ra rằng trọng lượng tổng thể của tên lửa đã tăng lên”. Ông cũng lưu ý rằng chiều dài và đường kính tên lửa tăng lên là do động cơ tên lửa đã được cải tiến. Theo giáo sư Chang, “ICBM mới này là một tên lửa nhiên liệu lỏng. Có hai cặp động cơ trong tầng đầu, và tầng thứ hai nhiều khả năng có các động cơ mới mà (Triều Tiên) đã thử nghiệm hai lần vào tháng 12 năm ngoái”.

Mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên được giới thiệu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 10/10/2020. (Ảnh: Yonhap)

Mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên được giới thiệu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 10/10/2020. (Ảnh: Yonhap)

Melissa Hanham, Phó Giám đốc cơ quan nghiên cứu Open Nuclear Network, bình luận: “Loại tên lửa này là một quái vật”. AFP dẫn lời Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia nhận định loại tên lửa này “lớn hơn rất nhiều và có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trong kho vũ khí của Triều Tiên”.

Theo Reuters, hệ thống ICBM mới và có quy mô lớn hơn này có thể được thiết kế để mang theo nhiều đầu đạn, hay còn được gọi là phương tiện chứa nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRVs), cho phép tấn công nhiều mục tiêu hơn và khó có thể bị đánh chặn hơn.

Bình luận về sức mạnh của loại tên lửa mới này, Michael Elleman - Giám đốc chương trình Chính sách Hạt nhân và Không phổ biến hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cho rằng ICBM này có thể “nhắm trúng bất kỳ vị trí nào trên lục địa Mỹ”, có năng lực cao hơn cả ICBM R-16 hoặc R-26 của Liên Xô vốn chưa từng được triển khai.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng lưu ý về loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới của Bình Nhưỡng cũng xuất hiện trong đoạn phim của Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng tên lửa này cũng đã được Bình Nhưỡng cải tiến thành phiên bản mới.

Thế giới nói gì về tên lửa Triều Tiên?

Trong thông điệp chúc mừng gửi tới ông Kim Jong-un nhân dịp kỉ niệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông muốn “bảo vệ, củng cố và phát triển” quan hệ với Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ bày tỏ thất vọng về cuộc diễu binh nói trên với việc phô diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại. Trong một tuyên bố, quan chức Mỹ nêu rõ: “Thật là thất vọng khi chứng kiến Triều Tiên tiếp tục ưu tiên phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân bị cấm của mình”. Washington đang kêu gọi Bình Nhưỡng “can dự vào các cuộc đối thoại thực chất và bền vững để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple ngày 10/10 cho biết Washington đang tham vấn với các đồng minh châu Á để phân tích về cuộc diễu binh quân sự mới nhất của Triều Tiên. Động thái này diễn ra vài giờ sau khi Triều Tiên ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới, vốn được cho là loại ICBM lớn nhất của Bình Nhưỡng từ trước đến nay.

Quan chức trên nói: “Chúng tôi đã biết được những báo cáo liên quan đến cuộc diễu binh. Công tác phân tích của chúng tôi đang được thực hiện và chúng tôi đang tham vấn với các đồng minh châu Á của chúng tôi trong khu vực”.

Triều Tiên muốn gì từ trình diễn tên lửa ICBM?

Ông Markus Garlauskas - cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên - nhận định rằng ICBM mới được trình diễn nói trên có thể nhằm xóa tan những nghi ngại về năng lực của Triều Tiên trong việc tiến hành một cuộc tấn công vào lục địa Mỹ, đồng thời đây cũng là một mối đe dọa ngầm rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm loại tên lửa lớn hơn này. Ông lập luận: “Nếu tên lửa Hwasong-15 có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân 'siêu lớn' nhắm đến bất kỳ địa điểm nào tại Mỹ thì câu hỏi thường tình đặt ra là loại tên lửa lớn hơn này có thể mang theo cái gì?”

Cùng nhận định trên, ông Riki Ellison, người sáng lập tổ chức tuyên truyền về vấn đề phòng thủ tên lửa phi lợi nhuận Missile Defense Advocacy Alliance, cho rằng đa phần ý kiến dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ thử loại tên lửa lớn hơn này trong vài tháng tới, phát đi thông điệp đến cả Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Bà Jenny Town, nghiên cứu viên tại Trung tâm Stimson, cũng cho rằng Triều Tiên khó có thể triển khai tên lửa này khi chưa thử nghiệm ít nhất một lần.

AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẽ vẫn thận trọng tránh không làm hủy hoại những cơ hội với Washington trước thềm cuộc bầu cử. Leif-Eric Easley, Giáo sư tại trường Đại học Ewha ở Seoul, tỏ ra thận trọng khi bàn về khả năng “hoạt động thực sự” của các hệ thống vũ khí được phô diễn trong cuộc diễu binh vừa qua. Ông nói: “Những vũ khí phô diễn tại cuộc diễu binh là lời nhắc nhở nghiêm túc rằng Triều Tiên sẽ không thể bị gạt ra khỏi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế”.

(theo Yonhap/AFP/Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-day-song-truoc-icbm-toi-tan-bac-nhat-cua-trieu-tien-125972.html