Thế giới đêm qua - 10/12

Nga bác cáo buộc kích động biểu tình ở Pháp. Lãnh đạo Nga, Đức thảo luận nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng. Tướng Israel tới Nga để thảo luận về chiến dịch 'Lá chắn phương Bắc'.

Cảnh sát đụng độ người biểu tình ở Paris hôm 8/12 (Ảnh: AP)

Cảnh sát đụng độ người biểu tình ở Paris hôm 8/12 (Ảnh: AP)

1. Nga bác cáo buộc kích động biểu tình ở Pháp

"Mọi cáo buộc Nga liên quan tới biểu tình đều là vu khống. Chúng tôi coi đó là vấn đề nội bộ của Pháp. Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, do chúng tôi coi trọng việc phát triển quan hệ song phương và hai quốc gia đều nỗ lực để đạt mục tiêu này", TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin hôm 10/12 cho biết.

Trang tin The Times của Anh trước đó đưa tin hàng trăm tài khoản mạng xã hội có liên quan tới Nga đang được dùng để "kích động, tăng quy mô" cuộc biểu tình tại Pháp. Giới chức Pháp đã mở cuộc điều tra, nhưng cho biết còn quá sớm để đưa ra kết luận về thông tin này.

Cuộc biểu tình lớn nhất 50 năm qua tại Pháp nổ ra từ ngày 17/11, khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế xăng dầu, điều chỉnh chính sách kinh tế và thể hiện sự phản đối Tổng thống Emmanuel Macron. Họ cho rằng ông Macron không quan tâm tới người dân bình thường mà chỉ đem lại lợi ích cho giới giàu.

2. Lãnh đạo Nga, Đức thảo luận nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng

Theo Cơ quan báo chí Điện Kremlin, ngày 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Lãnh đạo Nga và Đức đã thảo luận tình hình xung quanh vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine ngày 25/10. Lãnh đạo hai nước bày tỏ mối quan tâm ngăn chặn leo thang căng thẳng tại Biển Azov và Biển Đen cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh.

Cũng theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel còn đề cập đến chủ đề khủng hoảng tại Syria, trong đó nhấn mạnh những nhiệm vụ ưu tiên gồm thúc đẩy đối thoại toàn Syria và thành lập Ủy ban Hiến pháp. Ngoài ra, hai bên còn trao đổi ý kiến về tình hình trong lĩnh vực an ninh chiến lược do Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhất trí tiếp tục tiếp xúc ở các cấp khác nhau.

3. Tướng Israel tới Nga để thảo luận về chiến dịch "Lá chắn phương Bắc"

Nguồn tin quân đội Israel ngày 10/12 cho biết, Israel sẽ cử một phái đoàn gồm các quan chức quân sự cấp cao do Thiếu tướng Aharon Haliva dẫn đầu tới Moskva vào ngày 11/12 để cập nhật về hoạt động của chiến dịch "Lá chắn phương Bắc" của Israel triển khai dọc biên giới với Liban.

Mối quan hệ giữa Israel và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9 vừa qua. Lực lượng phòng không Syria trong khi đáp trả các đợt không kích của Israel đã bắn nhầm một máy bay trinh thám của Nga, làm toàn bộ 15 binh sỹ trên máy bay thiệt mạng. Damascus khẳng định đây là sự cố ý của phía Israel. Phía Nga sau đó đã chuyển ngay hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria, động thái chọc giận cho các nhà lãnh đạo Israel.

4. Khả năng về một cơ chế thương mại mới EU-Iran sẽ được áp dụng

Ngày 10/12, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết, một cơ chế thuận lợi cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD với Iran và tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể được áp dụng vào cuối năm nay. Bà Mogherini bày tỏ hy vọng cơ chế này sẽ được triển khai trong những tuần tới, tức là trước khi kết thúc năm 2018, nhằm bảo vệ và thúc đẩy quan hệ kinh doanh hợp pháp với Iran.

EU mong muốn cơ chế mang tên “Phương tiện vì mục đích đặc biệt” (SPV) sẽ giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế mà Iran nhận được để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của mình theo thỏa thuận được ký với các cường quốc vào năm 2015. Các nhà ngoại giao EU đã hy vọng áp dụng SPV ngay từ bây giờ nhưng đã bị chậm trễ khi các quốc gia thành viên còn e ngại do lo sợ trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt mà Mỹ đưa ra nhằm chống lại Iran.

5. Syria cho phục viên một số lính nghĩa vụ và quân dự bị

Theo truyền thông Trung Đông, quân đội Syria đã ban hành một chỉ thị ngày 10/12, cho phép chấm dứt nghĩa vụ quân sự đối với những người lính đã hoàn thành hơn 5 năm nghĩa vụ tính tới tháng 1/2019, vượt xa so với điều khoản nghĩa vụ quân sự bắt buộc ban đầu 18 tháng.

Chỉ thị này sẽ có hiệu lực kể từ tuần tới, cũng cho phép phục viên quân dự bị đã gia nhập trong năm 2013 và những người đã hoàn thành 5 năm phục vụ trong lực lượng dự bị tính tới tháng 1/2019, trong bối cảnh chiến trường Syria đang thu hẹp lại và chính phủ nước này đã giành lại phần lớn quyền kiểm soát đất nước từ tay lực lượng nổi dậy.

Trước đó, quân đội Syria đã bắt đầu cho giải ngũ một số lính nghĩa vụ đã phục vụ quân đội một thời gian dài hồi tháng 5 vừa qua, sau khi quân chính phủ giành lại Đông Ghouta, “thành trì” chủ chốt cuối cùng của quân nổi dậy gần thủ đô Damascus.

Lâm Anh (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/the-gioi-dem-qua-1012-523719.html