Thế giới đêm qua - 13/3

Hơn 750 gia đình dính líu tới bê bối tuyển sinh đại học tại Mỹ. Quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối Brexit không thỏa thuận. Nga lên án các biện pháp trừng phạt và đe dọa mới của Mỹ.

Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khuôn viên trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Hơn 750 gia đình dính líu tới bê bối tuyển sinh đại học tại Mỹ

Hãng tin NBC News ngày 13/3 dẫn lời của William Singer, đối tượng cầm đầu đường dây chạy suất vào đại học trị giá 25 triệu USD, cho biết đã "giúp" 761 gia đình ở Mỹ trong các đợt tuyển sinh đại học thông qua "cửa phụ."

Các nhà điều tra cho biết các bậc cha mẹ đã trả cho William Singer từ 200.000 đến 6,5 triệu USD, tùy từng trường hợp và từng trường đại học học mà các gia đình này nhắm đến, để tăng cơ hội cho con cái họ vào các trường như đại học Yale, đại học Stanford và đại học Georgetown thông qua việc trả tiền cho người làm bài kiểm tra hộ, mua chuộc các quản trị viên kiểm tra và các huấn luyện viên của một số trường đại học này.

Theo Washington Post cùng ngày, trong số 50 nghi phạm trong đường dây chạy suất vào các trường đại học danh giá vừa bị phanh phui còn có nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết đường dây này đã hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan đến 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ.

2. Quốc hội Anh bỏ phiếu phản đối Brexit không thỏa thuận

Đêm 13/3 theo giờ Việt Nam, với 312 phiếu chống và 308 phiếu thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu loại phương án Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận. Động thái này đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ phải đứng trước lựa chọn lùi thời hạn Brexit. Ngoài ra, các nghị sỹ Anh cũng bỏ phiếu phản đối điều khoản sửa đổi cho phép Chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi kịch bản Brexit không thỏa thuận vào ngày 22/5.

Phát biểu tại Quốc hội sau phiên bỏ phiếu thứ hai liên tiếp chỉ trong 2 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với việc trì hoãn Brexit dài ngày nếu như các nghị sỹ vẫn không ủng hộ thỏa thuận của bà.

Theo lộ trình vạch sẵn, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, trừ phi Chính phủ của Thủ tướng May đạt được một kế hoạch khác với EU. Tuy nhiên, trước khi điều này có thể xảy ra thì bà May cần được Quốc hội Anh phê chuẩn lùi thời hạn Brexit trong cuộc bỏ phiếu đã được lên kế hoạch vào 14/3.

3. Nga lên án các biện pháp trừng phạt và đe dọa mới của Mỹ

Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/3 lên án các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt đối với Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank, có trụ sở ở Nga và do Venezuela sở hữu một phần, cũng như việc Mỹ đe dọa trừng phạt tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga vì hợp tác với Venezuela.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank, với cáo buộc "âm mưu phá vỡ các trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela".

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt không nằm trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bị coi là phi pháp. Theo Bộ trên, các trừng phạt trên cấm Ngân hàng Evrofinance Mosnarbank trao cho Chính phủ Venezuela "cơ hội làm việc bình thường với các đối tác nước ngoài."

Tuyên bố của Bộ trên cũng nêu rõ rằng với việc cấm các giao dịch bằng đồng USD của ngân hàng này, Washington đang hủy hoại lòng tin vào đồng bạc xanh của Mỹ như một công cụ thanh toán quốc tế, và "ngày càng thuyết phục cộng đồng thế giới về sự không đáng tin của đồng USD và buộc phải từ bỏ việc sử dụng đồng tiền này".

4. Nổ lớn tại nhà máy xử lý dầu thô nặng của Venezuela

Ngày 13/3, hai bồn chứa nhiên liệu của nhà máy xử lý dầu thô nặng Petro San Felix ở miền Đông Venezuela đã bất ngờ phát nổ. Các nhân chứng cho biết sau những tiếng nổ lớn là những cột lửa và khói bốc lên nghi ngút. Lực lượng cứu hỏa và cứu thương ngay lập tức có mặt tại hiện trường để ngăn chặn đám cháy lan rộng. Hiện vẫn chưa có thông báo về số lượng thương vong, cũng như nguyên nhân của vụ nổ.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đã phải trải qua 6 ngày mất điện liên tiếp do sự cố tại nhà máy thủy điện Guri mà chính phủ tố cáo là nạn nhân của một vụ “tấn công mạng và điện từ” quy mô lớn. Đợt mất điện kéo dài nhiều ngày qua đã buộc Venezuela phải tạm dừng xuất khẩu dầu, gây thiệt hại cho quốc gia Nam Mỹ này hàng triệu USD mỗi ngày.

5. Nổ lớn tại khu chợ sầm uất của Somalia, hàng chục người thương vong

Đã có ít nhất 8 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương sau vụ nổ kinh hoàng xảy ra đêm 13/3 rạng sáng 14/3 (giờ Việt Nam) tại một khu chợ sầm uất ở quận Goof Gadud Burey, thuộc khu vực Vịnh ở miền Nam Somalia.

Một quả bom gài bên lề đường đã phát nổ khi người dân địa phương đang tập trung tại một khu chợ buôn bán gia súc sầm uất nhất trong khu vực. Những người bị thương đã nhanh chóng được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất. Hiện chưa có lực lượng nào nhận thực hiện vụ tấn công.

Đây là vụ tấn công mới nhất trong loạt vụ đánh bom xe và xả súng tại nhiều địa phương của Somalia thời gian gần đây, mà chủ yếu là do phiến quân Al-Shabaab thực hiện. Trong vụ đánh bom xe ở thủ đô Mogadishu ngày 28/2 vừa qua, đã có gần 30 người thiệt mạng và 80 người bị thương.

Lâm Anh (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/the-gioi-dem-qua-133-529901.html