Thế giới gồng mình đối phó các 'quái vật' siêu bão

Không khỏi bất thường khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải cùng căng mình đối phó với 9 cơn bão nhiệt đới xuất hiện cùng lúc trên hành tinh, trong đó có những siêu bão với sức tàn phá khủng khiếp.

Cảnh tan hoang ở Philippines sau khi siêu bão Mangkhut quét qua

Các chuyên gia khí tượng thủy văn trên thế giới đã phải lên tiếng cảnh báo về điều mà tất cả cùng cho rằng hết sức bất thường khi có tới 9 cơn bão nhiệt đới mạnh cùng hoành hành vào một thời điểm trên Trái đất. Trong đó, đặc biệt có hai siêu bão là Mangkhut tàn phá nặng nề cho nhiều khu vực ở châu Á nằm ở bờ Tây Thái Bình Dương và siêu bão Florence từ Đại Tây Dương “tấn công” vào nước Mỹ.

Siêu bão Mangkhut (có nghĩa là “quả măng cụt” theo tiếng Thái) với sức gió giật mạnh nhất tới trên cấp 17 (khoảng 240 km/h) đã gây ra những thiệt nặng nề cho những nơi mà cơn bão mạnh nhất trong năm xuất hiện ở bờ Tây Thái Bình Dương như Philippines, Trung Quốc. Theo thống kê ban đầu, siêu bão Mangkhut đã tàn phá nặng nề Philippines, “điểm đến” đầu tiên của siêu bão này trên hành trình “chết chóc”, làm ít nhất 59 người chết và mất tích, khoảng 5 triệu người phải đi lánh nạn cùng thiệt hại vật chất rất lớn.

Cùng nằm trên đường đi của siêu bão Mangkhut, trong khi Hồng Kông (Trung Quốc) phải ban hành cảnh báo bão ở mức cao nhất thì “vương quốc sòng bạc” Macau (Trung Quốc) cũng phải lần đầu tiên đóng cửa tất cả 42 sòng bạc giữa khi siêu bão này tràn tới ngày 16-9. Dù vậy, bão Mangkhut vẫn gây ra những thiệt hại nặng cho cả Hồng Kông và Macau với sức gió giật cực mạnh “đánh” vỡ cả cửa kính các tòa nhà cao tầng.

Hàng triệu người ở Đông Nam Trung Quốc thuộc 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây đã phải đi sơ tán tránh siêu bão Mangkhut. Điều mà giới chức Trung Quốc quan ngại nhất, phải gồng minh đối phó là phòng ngừa tình huống xấu cũng như rủi ro với 2 nhà máy điện hạt nhân ở TP Dương Giang và Đài Sơn (tỉnh Quảng Đông) khi siêu bão Mangkhut ập tới.

Bên kia bờ Thái Bình Dương, châu Mỹ cũng phải chống chọi với 3 cơn bão mạnh từ Đại Tây Dương nối đuôi nhau đổ bộ vào. Trong đó, dù suy yếu từ cấp 4 xuống cấp 1 sau khi vào đất liền, song cơn bão Florence vẫn gây thiệt hại nặng nề khi đổ bộ vào các bang Bắc Carolina và Nam Carolina ở Đông Nam nước Mỹ ngày 15-9, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.

Việc cùng lúc xuất hiện 9 cơn bão nhiệt đới trên khắp thế giới là một hiện tượng hiếm và rất bất thường, song theo các chuyên gia khí tượng, đó là hậu quả từ tình trạng nóng lên của Trái đất, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lũ, siêu bão… với tần xuất ngày càng thường xuyên hơn trên khắp thế giới.

Trong khi Cơ quan Khí tượng Hồng Kông cho biết, các siêu bão ở cấp độ mạnh nhất hiện đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn so với giai đoạn từ năm 1961-2010, các nhà khoa học môi trường tại Đại học California (Mỹ) đã lý giải nhiệt độ ấm lên của mặt nước biển khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên tàn khốc hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu tạo ra những cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh và thường xuyên hơn. Cơ quan Khí tượng Hồng Kông nhận định, các cơn bão nhiệt đới sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong những năm tới bởi khí hậu ấm lên về lý thuyết sẽ làm tăng cường độ của các cơn bão trong tương lai.

Cơ quan này cũng cảnh báo, cùng với sự gia tăng của mực nước biển, mối đe dọa từ những cơn bão nhiệt đới đối với những thành phố ven biển sẽ ngày càng tăng. Vì thế, thế giới sẽ còn phải ứng phó với nhiều siêu bão “quái vật” như Haiyan hay Mangkhut trong tương lai.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/the-gioi-gong-minh-doi-pho-cac-quai-vat-sieu-bao/782253.antd