Thế giới học được gì từ giáo dục Singapore được đánh giá tốt nhất thế giới?

Bằng cách nào Singapore có thể trở thành một trong những cường quốc về thương mại và tài chính thế giới, đầu tư vào con người chính là yếu tố quan trọng nhất.

Ảnh: Economist

Khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore có rất ít quan hệ ngoại giao và thậm chí tài nguyên thiên nhiên cũng vô cùng nghèo nàn. Vậy bằng cách nào Singapore có thể trở thành một trong những cường quốc về thương mại và tài chính thế giới? Chiến lược này, theo giải thích của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, chính là việc phát triển nguồn tài nguyên duy nhất mà Singapore có: Con người.

Giờ đây, hệ thống giáo dục của Singapore được đánh giá tốt nhất thế giới. Singapore thường xuyên đứng đầu trong bảng xếp hạng đánh giá học sinh (PISA) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Bài kiểm tra này đo lường trình độ của học sinh 15 tuổi tại nhiều nước trong ba lĩnh vực chính bao gồm toán, đọc hiểu và khoa học.

Học sinh Singapore thường đi trước học sinh Mỹ đến 3 năm về trình độ toán học. Học sinh Singapore cũng thường vượt trội trong các bài thi dành cho lứa tuổi nhỏ hơn. Học sinh tốt nghiệp trung học tại Singapore thường vào được nhiều trường đại học tốt nhất thế giới.

Quốc đảo này có quá nhiều thứ để dạy thế giới. Thế nhưng nhiều nước khác không nhiệt tình học hỏi. Một lý do quan trọng là bởi Singapore thích cách dạy truyền thống theo kiểu giáo viên sẽ làm chủ lớp học. Cách tiếp cận dậy học này trái ngược hoàn toàn với cách dạy của nhiều người theo tư tưởng cải cách, trong đó, cách dậy có phần thoải mái hơn, và hướng nhiều đến việc học sinh tự học.

Dù các nghiên cứu quốc tế cho thấy cách truyền đạt kiến thức trực tiếp thực ra có thể coi là cách tốt, nhiều người trong giới chuyên gia giáo dục chỉ trích chương trình học của Singapore quá nặng nề. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng con họ đang phải học căng thẳng quá mức.

Tuy nhiên, những gì diễn ra ở Singapore trong khi đó lại cho thấy rằng sự thành công trong học vấn không nhất thiết đồng nghĩa với hy sinh các kỹ năng cá nhân. Năm 2015, học sinh Singapore đồng thời đứng đầu trong khảo sát của PISA về kỹ năng giải quyết vấn đề, thậm chí kết quả khảo sát kỹ năng này còn tốt hơn cả kỹ năng đọc hiểu và khoa học.

Bản thân học sinh Singapore cũng cho biết rằng họ hạnh phúc hơn nếu so với học sinh Phần Lan - đất nước mà nhiều nhà giáo dục coi như hình mẫu lý tưởng cho cách dậy mềm mỏng hơn.

Tuy nhiên, vẫn không hài lòng với thành công đã có, Singapore giờ đây đang tiếp tục đưa ra các biện pháp giáo dục giúp tăng tính sáng tạo và giảm căng thẳng. Điều này không phải là dấu hiệu của sự thất bại mà đó là cách tiếp cận cải cách giáo dục có trình tự, dựa trên cơ sở thực tế - đây là một trong ba bài học mà Singapore có thể mang đến cho thế giới.

Dù chính phủ một số nước khác thường áp dụng các biện pháp cải tổ manh mún và thiếu sự liền mạch, chính phủ Singapore thường cố gắng xem xét đến cả hệ thống. Singapore đầu tư mạnh vào nghiên cứu giáo dục. Tất cả các chính sách cải cách đều được thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi được triển khai.

Chính phủ quan tâm sát sao đến việc các ý tưởng và kết quả mới có thể được áp dụng vào trường học như thế nào. Sách giáo khoa được nghiên cứu và viết cẩn thận.

Thế giới cũng có thể học được từ người Singapore cách tiếp cận trong hoạt động dạy học, đặc biệt môn toán, người Mỹ và Anh thực ra đang học theo người Singapore ở mức độ nào đó. Singapore có một chương trình học toán với quy mô nhỏ hơn nhưng học kỹ càng hơn, và các giáo viên Singapore luôn cố gắng để cả lớp đều có thể hoàn tất được chương trình.

Các học sinh học chậm hơn được học chương trình học thêm bắt buộc để giúp các em tiến bộ, chính vì vậy, ngay cả những em học kém hơn cũng có thể theo được lớp. Một nghiên cứu tại Anh năm 2016 cho thấy cách dậy học tại Singapore giúp tăng cao kết quả học tập.

Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm đến đào tạo giáo viên. Tại Singapore, mỗi giáo viên được đào tạo 100 giờ mỗi năm để có thể theo kịp công nghệ mới nhất. Chính phủ Singapore cũng trả lương cao cho giáo viên.

Singapore đồng thời chấp nhận quy mô lớp học lớn hơn, trung bình mỗi lớp học ở Singapore có 36 học sinh trong khi đó quy mô lớp học trung bình của các nước thuộc OECD chỉ 24 học sinh.

Như vậy theo quan điểm của người Singapore, lớp học quy mô lớn với giáo viên giỏi tốt hơn lớp học quy mô nhỏ hơn được quản lý bởi những giáo viên bình thường. Những giáo viên giỏi nhất có thể được vào làm tại Bộ Giáo dục Singapore với mức thưởng cao.

Nhìn chung, mức lương của giáo viên tương đương với những người đang đi làm tại doanh nghiệp. Giáo viên tuy nhiên phải trải qua những đợt kiểm tra năng lực định kỳ hàng năm rất gắt gao.

Tất nhiên, không hệ thống nào không có khiếm khuyết. Nhà quản lý giáo dục nhiều nước khác hẳn cũng muốn tránh việc phân loại học sinh vào nhóm giỏi và nhóm kém từ năm 12 tuổi. Cho đến nay, lợi ích của việc làm này chưa được chứng minh trên thực tế mà nó chỉ khiến cho căng thẳng thi cử ngày một tồi tệ hơn.

Quy mô hệ thống giáo dục của Singapore, tuy nhiên cho phép sự tập trung cao độ. Quản lý Bộ Giáo dục cho biết ông thuộc tên của hơn 80% giáo viên cấp độ quản lý, chính vì vậy cũng rất dễ để biết điều gì đang diễn ra.

Tại phần lớn các nước, giáo viên và phụ huynh thường phản đối các lớp học quy mô lớn, tuy nhiên nhìn vào những gì Singapore đang làm được, có thể thấy Singapore có thể coi như mô hình đáng học tập.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/the-gioi-hoc-duoc-gi-tu-giao-duc-singapore-duoc-danh-gia-tot-nhat-the-gioi-3467576.html