Thế giới lo ngại trước bất ổn mới ở Trung Đông

Kế hoạch thôn tính những phần đất chiếm đóng của người Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan của Israel đang gây lo ngại trong dư luận quốc tế về nguy cơ châm ngòi cho những bất ổn không chỉ xảy ra tại Israel mà lan ra cả khu vực Trung Đông.

Israel sẽ thôn tính khu Bờ Tây?

Ngày 17-5, chính phủ liên minh “2 đầu” của Israel đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, với ông Benjamin Netanyahu làm Thủ tướng giai đoạn đầu trong 18 tháng. Sự hình thành chính phủ chưa có tiền lệ này cũng đã chấm dứt một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có kéo dài hơn 1 năm với 3 cuộc bầu cử liên tiếp. Lẽ ra Chính phủ Israel theo dự kiến đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14-5 nhưng phải dời lại 3 ngày là có lý do, để ông Netanyahu có thêm thời gian dàn xếp các vụ đấu đá nội bộ đảng Likud và chọn lựa người đề cử vào các vị trí bộ trưởng như ý muốn.

Một trong những vấn đề mấu chốt trong thỏa thuận liên minh cầm quyền chính là kế hoạch thôn tính các phần đất Israel chiếm đóng của người Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan và Jerusalem. Theo kế hoạch, Israel sẽ tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất Israel chiếm đóng ở khu Bờ Tây, Jerusalem và các khu định cư Do Thái, kể cả Thung lũng Jordan.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố chấm dứt hợp tác an ninh với Mỹ và Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố chấm dứt hợp tác an ninh với Mỹ và Israel.

Kế hoạch đầy tham vọng này đã được ông Netanyahu khởi xướng cùng lúc với kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nó đã trở thành chủ bài của ông Netanyahu trong các chiến dịch tranh cử vừa qua và là một trong những điểm trở ngại khiến cho tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp liên tiếp thất bại.

Kể cả khi ông Netanyahu đề xuất đàm phán liên minh với ông Benjamin (Benny) Gantz, ban đầu ông Gantz khước từ gia nhập liên minh với ông Netanyahu vì không đồng tình với kế hoạch thôn tính các vùng đất chiếm đóng của người Palestine của ông Netanyahu. Quan điểm của ông Gantz là kế hoạch hòa bình phải có sự tham gia của người Palestine, và Israel phải trực tiếp đàm phán với người Palestine để thực hiện giải pháp “2 nhà nước”.

Bởi thế cho nên khi ông Gantz thay đổi lập trường quan điểm, chấp nhận tham gia liên minh với ông Netanyahu vì đại dịch COVID-19, dư luận đã bị bất ngờ và cho rằng ông Gantz đã “hy sinh” lập trường chính trị của mình chỉ vì tham vọng quyền lực. Sự hy sinh lập trường đó đã tạo điều kiện cho ông Netanyahu xúc tiến kế hoạch thôn tính của mình.

Ngày 13-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Israel trong chuyến công du ngắn vài tiếng đồng hồ. Phát biểu với báo chí địa phương ngay khi xuống sân bay, ông Pompeo đã thông báo rằng mục đích chuyến thăm của ông là để trực tiếp cập nhật với hai ông Netanyahu và Gantz về “tầm nhìn” của Tổng thống Trump cho vấn đề hòa bình và bản kế hoạch thôn tính của Israel. Kế hoạch hòa bình của ông Trump bị dư luận thế giới đánh giá là quá thiên vị cho Israel, ngay từ đầu đã bác bỏ sự tham gia của các lãnh đạo Palestine vì họ đã từ chối đàm phán theo các điều kiện bất công mà Mỹ đặt ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Israel để ủng hộ kế hoạch thôn tính của Israel.

Kế hoạch hòa bình của Mỹ đã khuyến khích Israel mạnh dạn thúc đẩy tiến trình thâu tóm đất đai của người Palestine, chuyển những vùng đất chiếm đóng của người Palestine thành lãnh thổ chính thức của Israel. Washington đã nói rằng Israel có thể thực thi một phần kế hoạch mà "không cần sự tham gia của người Palestine".

Cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro nói rằng chuyến thăm Israel vội vàng, khẩn trương của ông Pompeo ngay trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 là nhằm phối hợp với Israel trong vấn đề thôn tính đất đai và ông Trump xem đó như một “thành tích” trong bầu cử, nếu có thể đạt được trước kỳ bầu cử tháng 11 tới càng tốt. Còn Israel cũng muốn thực hiện kế hoạch thôn tính trước ngày 1-7.

Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer cho rằng Israel cần sớm tiến hành việc thôn tính các khu đất ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan, tốt nhất là trước tháng 7, bởi khi đó còn sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu để kéo dài đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới, không biết ai sẽ giành chiến thắng, nếu người của đảng Dân chủ lên nắm quyền thì kế hoạch sẽ gặp trục trặc ngay.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Các Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) đã có kế hoạch chúc mừng chính phủ mới của Israel và đưa ra đề nghị hợp tác nhưng với việc hình thành liên minh giữa hai ông Netanyahu và Gantz, bỏ qua vấn đề thôn tính đã khiến cho khối này thay đổi quan điểm.

Sau cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 15-5, Ủy viên đối ngoại EU Josep Borrell tuyên bố EU sẽ sử dụng “tất cả các khả năng ngoại giao” để ngăn chặn việc Israel đơn phương thôn tính đất đai. Một số quốc gia EU, như Pháp, Ailen, Bỉ đã dọa sẽ áp lệnh trừng phạt về kinh tế nếu Israel vi phạm luật pháp quốc tế, đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng đất chiếm đóng của người Palestine.

Trong khi đó, tại khu vực Trung Đông, kế hoạch thôn tính của ông Netanyahu cũng đang trở thành vấn đề nóng sốt. Ngày 15-5, Vua Jordan Abdullah II đã lên tiếng cảnh báo Israel rằng sẽ có “xung đột lớn” nếu Israel xúc tiến kế hoạch thôn tính đất đai của người Palestine. Vua Abdullah cho rằng những ai chủ trương “một nhà nước” bao gồm người Israel và Palestine sẽ không hiểu được điều đó mang ý nghĩa gì, nó nguy hiểm như thế nào.

Vua Jordan Abdullah.

Ông đặt vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu chính quyền Palestine không còn nữa? Ông đưa ra viễn cảnh hỗn loạn và khủng bố sẽ bùng phát khắp khu vực. Nếu Israel thực hiện viêc thôn tính, không chỉ xảy ra xung đột vũ trang với người Palestine mà còn xảy ra xung đột lớn với Vương quốc Hashemite Jordan.

Lời cảnh báo của Vua Abdullah mang ý nghĩa như một sự cảnh cáo nghiêm trọng đối với Israel và cũng là dấu hiệu cho những xung đột căng thẳng sẽ xuất hiện. Bởi lẽ, Jordan là một đồng minh thân cận của phương Tây tại khu vực và là một trong hai quốc gia duy nhất đến nay đã ký hiệp định hòa bình với Israel. Mặc dù Vua Abdullah từ chối nói thẳng ra việc thôn tính có làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận hòa bình hay đã ký không nhưng ông để ngỏ sự lựa chọn đó và Jordan cũng không loại trừ khả năng các thỏa thuận hòa bình sẽ đổ vỡ.

“Chúng tôi đồng ý với nhiều quốc gia ở châu Âu và cộng đồng quốc tế rằng luật sức mạnh không nên áp dụng trong khu vực Trung Đông” - Vua Abdullah nói.

Tiếng nói Palestine

Ngày 20-5, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố chấm dứt sự hợp tác về an ninh với Israel và Mỹ để trả đũa kế hoạch hòa bình bất công của Mỹ và kế hoạch thôn tính của Israel. Trên thực tế, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bỏ phiếu chấm dứt hợp tác với Israel và Mỹ từ năm 2018 và giao cho Tổng thống Abbas quyết định khi nào thì sẽ thực thi việc này. Kể từ đó, Tổng thống Abbas đã vài lần dọa sẽ chấm dứt hợp tác để phản đối chính sách của Mỹ và Israel đối với người Palestine nhưng lần này là tuyên bố thật.

Dư luận đang chờ xem tuyên bố của ông Abbas sẽ được triển khai trên thực tế như thế nào. Giới quan sát cho rằng tuyên bố của ông Abbas có thể dẫn đến sự chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh của Palerstine, Israel và Mỹ. Một số thông tin báo chí Israel cho biết các quan chức an ninh Palestine đã được lệnh dừng trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp Israel. Tuy nhiên, trên thực tế giới chức an ninh Palestine vẫn buộc phải phối hợp với các đồng nghiệp Israel nhằm đảm bảo việc di chuyển, đi lại của người Palestine giữa các vùng lãnh thổ bị chia cắt bởi người Israel.

Nguy cơ xung đột được cho là đang rất nhạy cảm giữa người Palestine và Israel một khi sự hợp tác về an ninh không còn nữa, sẽ không có sự bảo đảm ngăn chặn các hành động gây hấn và xung đột, nhất là tại các khu định cư của người Do Thái trên đất của người Palerstine. Những vụ việc xung đột qua lại vẫn thường xảy ra, mới đây một người đàn ông Israel ở khu định cư Do Thái đã bị tòa án kết tội đã sát hại một người Palestine.

Như lời cảnh báo của Vua Jordan Abdullah, việc Israel thôn tính các phần đất chiếm đóng sẽ làm bùng cháy ngọn lửa căm phẫn trong cộng đồng người Palestine, kể cả cộng đồng người Arabia ở Israel.

Với cuộc chiến tại Syria

Không chỉ tạo nguy cơ xung đột quanh vấn đề thôn tính các vùng đất Palestine, Israel cũng đang tham gia vào những “đám cháy” xung đột khác, đặc biệt là cuộc chiến tại Syria mà nhiều chuyên gia cho rằng đó còn là một mặt trận trong cuộc đối đầu lâu nay giữa Israel và Iran.

Từ nhiều tuần qua, nhất là từ đầu tháng 5, máy bay chiến đấu Israel đã triển khai một đợt ném bom dữ dội nhắm vào các vị trí quân sự xung quanh thủ đô Damascus của Syria cùng hàng loạt vị trí khác khắp Syria. Các vụ ném bom của Israel đều nhắm vào các mục tiêu quân sự của Hezbollah và Iran trên đất Syria nhưng phía Iran đã không có đòn phản pháo nào, kể cả hỏa lực tên lửa phòng không S-300 của Nga đang triển khai tại Syria cũng “nằm im” không lên tiếng. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao? Không ai có thể ngăn cản Israel?

Lính Israel hành hạ một thanh niên Palestine.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Top War, chuyên gia quân sự Nga Sergey Marzhetsky cho rằng không phải không có nhưng vấn đề là “không dám”. Chuyên gia Marzhetsky phân tích rằng nếu các máy bay Israel bị bắn hạ, phi công bị bắt, ắt hẳn sẽ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Israel ngay trên lãnh thổ Syria.

Ông Marzhetsky cho rằng, thời điểm hiện tại cả Nga, Iran và Syria đều nhận thấy không cần thiết phải châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự như thế trong khi các vấn đề của cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa giải quyết xong. Dù quy mô nhỏ nhưng Israel có thực lực quân sự mạnh nhất khu vực, nếu xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp sẽ gây ra hậu quả khó lường. Nga không muốn trực tiếp đối đầu với Israel vì Moscow vẫn còn có những sách lược dành riêng cho Tel Aviv, đồng thời để tránh leo thang đối đầu với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel.

Iran đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, lại vừa mất đi vị tướng tài giỏi nhất về mặt quân sự cho nên cũng không muốn “gây chuyện” với Israel. Có vẻ như Israel biết được ưu thế đặc biệt của mình trong thời điểm hiện tại nên đã không ngại tiến hành loạt các vụ tấn công bằng máy bay quân sự vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, với việc máy bay Israel được tung sang Syria thực hiện các phi vụ ném bom ngày càng nhiều, khả năng xảy ra sự cố là không nhỏ. Nếu máy bay Israel ném bom trúng vào các mục tiêu quan trọng của Syria hay Iran, thậm chí có thể là Nga, chưa biết khi đó chuyện gì sẽ xảy ra.

Chỉ cần một quả tên lửa phòng không S-300 Nga trang bị cho quân đội Syria khai hỏa trúng mục tiêu, phi công Israel bị bắt và bị đưa lên truyền hình phỏng vấn, chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới mà quy mô của nó sẽ bao trùm hơn cả cuộc nội chiến Syria.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/the-gioi-lo-ngai-truoc-bat-on-moi-o-trung-dong-596632/