Thế giới nỗ lực chế tạo vắc xin ngừa Covid-19

Kể từ khi xuất hiện và bùng phát tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12-2019, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19), đã lan rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy kể từ sau dịch SARS gây hội chứng suy hô hấp cấp cách đây 17 năm.

Ảnh minh họa.

Những diễn biến ngày một phức tạp của Covid-19 buộc chính phủ nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, từ hạn chế đi lại, siết chặt kiểm soát biên giới, cấm tụ tập đông người, ngừng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và giải trí, cho đến việc phong tỏa toàn bộ những thành phố và khu vực xuất hiện ổ dịch.

Cùng với các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19, nhiều trung tâm nghiên cứu và các công ty dược trên thế giới đang chạy đua với thời gian để chế tạo vắc xin có khả năng ngăn ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Ngày 11-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ kỳ vọng vắc xin phòng Covid-19 sẽ sẵn sàng trong 18 tháng. Tại buổi họp báo cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc phát triển vắc xin và các phương pháp điều trị là một trong những trọng tâm của quá trình nghiên cứu.

Trước đó, Giáo sư Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) nhận định, việc thử nghiệm vắc xin đầu tiên có thể sẽ được tiến hành vào tháng 4 năm nay. Trong khi đó, bà Kathy Stover, Giám đốc chi nhánh của NIAID cũng khẳng định, vắc xin phòng ngừa Covid-19 đang trong quá trình phát triển.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm Remdesivir, một loại thuốc kháng vi rút của hãng dược phẩm Gilead Sciences (Mỹ) được đánh giá là biện pháp tiềm năng nhất trong điều trị Covid-19 vì đã cho thấy hiệu quả đối với các thử nghiệm trên những tế bào nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm và cả trên động vật.

Hãng Gilead Sciences đang phối hợp với NIH và giới chức y tế Trung Quốc đẩy nhanh thử nghiệm đối với hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh. Hai thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành tại Trung Quốc hồi đầu tháng 2 vừa qua, trong khi một thử nghiệm khác đang được áp dụng tại Mỹ.

Trong tháng 3 này, châu Á và những quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm Remdesivir với kết quả dự kiến sẽ được công bố vào tháng 5 tới.

Trong khi chờ kết quả từ những thử nghiệm này, các bác sĩ tại Mỹ, Trung Quốc và Italia đã bắt đầu sử dụng Remdesivir để điều trị cho số ít trường hợp có những triệu chứng nặng của Covid-19. Trong đó, một bệnh nhân người Mỹ đến từ hạt Snohomish thuộc bang Washington đã bình phục.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm vẫn cần được đánh giá về mức độ làm suy giảm các triệu chứng nghiêm trọng và đặc biệt là tỷ lệ tử vong.

Trong nỗ lực điều chế vắc xin ngừa Covid-19, Viện Pasteur tại Paris (Pháp) đang gấp rút thử nghiệm một loại vắc xin dựa trên vắc xin chống bệnh sởi. Giáo sư Christiane Gerke, người đứng đầu những chương trình nghiên cứu vắc xin tại viện này cho biết, các thử nghiệm đạt kết quả khả quan và vắc xin có thể tăng khả năng miễn dịch.

Glaxosmithkline, hãng dược đa quốc gia có trụ sở ở London (Anh) thông báo, trường Đại học Queensland có thể tiếp cận những công nghệ hỗ trợ chế tạo vắc xin của các hãng dược Anh. Hãng này cũng cho biết đã phối hợp với Công ty Công nghệ Sinh học Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc trong nghiên cứu chế tạo vắc xin.

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học Canada đến từ Viện Nghiên cứu Sunnybrook, các trường Đại học Toronto và McMaster đã thành công trong việc cô lập và nuôi cấy các phiên bản của Covid-19 lấy từ mẫu bệnh phẩm của hai người bệnh, động thái giúp thế giới tiến gần thêm một bước đến việc phát triển vắc xin. Dựa trên những phiên bản này, các nhà khoa học có thể nghiên cứu mầm bệnh và đặc điểm sinh học để đưa ra những biện pháp chẩn đoán, điều trị và chế tạo vắc xin hiệu quả hơn.

Mới đây nhất, Mỹ thông báo, kể từ ngày 16-3 sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin ngừa Covid-19 do Công ty Công nghệ sinh học Moderna và NIH phối hợp phát triển.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Viện Y tế Kaiser Permanente ở Seattle thuộc bang Washington với sự tham gia của 45 tình nguyện viên trẻ tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ không đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh do vắc xin không có vi rút Covid-19 trong thành phần điều chế.

Mục đích của việc thử nghiệm nhằm xác định loại vắc xin này không gây ra tác dụng phụ đáng lo ngại, từ đó mở đường cho các cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn ngay trong năm nay.

Giới chức y tế Mỹ nhận định sẽ cần từ 1 năm đến 18 tháng để có thể đưa ra những đánh giá đầy đủ về các loại vắc xin có tiềm năng ngừa Covid-19.

Có thể thấy, nỗ lực chạy đua với thời gian của các nhà khoa học, công ty dược và tổ chức nghiên cứu trong việc ngăn chặn Covid-19 lây lan đang dần xuất hiện những dấu hiệu tích cực. Bằng quyết tâm và sự đồng lòng, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa chế tạo thành công vắc xin có khả năng ngăn ngừa và loại bỏ hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm chết người này.

Thương Nguyệt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/961339/the-gioi-no-luc-che-tao-vac-xin-ngua-covid-19