Thế giới quyết liệt trong cuộc đua 5G

'Cuộc đua 5G' đang diễn ra quyết liệt trong bối cảnh không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau.

Không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau trong "cuộc đua 5G".

Không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau trong "cuộc đua 5G".

5G là thế hệ mới nhất của công nghệ mạng di động và dự kiến sẽ triển khai ở cấp độ thương mại rộng khắp vào năm 2020, Công nghệ 5G được xem là trụ cột và cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, là “chìa khóa” của phát triển, bởi vậy “cuộc đua 5G” đang diễn ra quyết liệt trong bối cảnh không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau.

5G là tên viết tắt của The Fifth Generation (Công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm) được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 vào năm 2015. 5G được khẳng định là sẽ không chỉ thay thế cho mạng thông tin di động 4G LTE mà chắc chắn còn là thế hệ mạng không dây của tương lai.

5G là trụ cột của Cách mạng công nghiệp 4.0

Dựa trên những ưu điểm vượt trội như tăng tốc độ dữ liệu lớn hơn, giảm độ trễ, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, nâng cao dung lượng hệ thống và tạo khả năng kết nối đa thiết bị, 5G được xem là mạng trụ cột cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ được tung ra vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng.

Dự báo của IHS Economics & IHS Technology đăng tải trong nghiên cứu số tháng 1/2017 Kinh tế 5G: Công nghệ 5G sẽ đóng góp như thế nào cho kinh tế toàn cầu cho thấy, tới năm 2035, tiềm năng kinh tế toàn cầu từ các ngành công nghiệp được ứng dụng 5G đạt mức 12.300 tỷ USD, chiếm 4,6% tổng sản lượng thực toàn cầu. Chuỗi giá trị 5G toàn cầu sẽ mang tới 3.500 tỷ USD và tạo ra 22 triệu việc làm, cùng với đó cũng sẽ bổ sung một khoản đầu tư trung bình hàng năm ở mức 200 tỷ USD để tiếp tục mở rộng và đổi mới công nghệ mạng lưới và hạ tầng ứng dụng kinh doanh.

5G được xem là trụ cột và cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số bởi đã vươn tầm ảnh hưởng ra khỏi các thiết bị thông minh để ứng dụng ngày một rộng rãi hơn trong nhiều ngành kinh tế như Internet vạn vật (IoT), đô thị thông minh, y tế thông minh… Phát triển 5G dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng toàn diện cho cơ sở hạ tầng các quốc gia, giúp nền kinh tế thế giới có thêm hàng tỷ USD mỗi năm, tạo thêm nhiều việc làm mới cũng như tạo ra làn sóng hợp tác công - tư mạnh mẽ. Theo dự báo của GSMA công bố trong báo cáo Kinh tế di động năm 2019 (The Mobile Economy 2019), đến năm 2034, 5G sẽ đóng góp 2,2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu (chiếm 5,3% tăng trưởng GDP) và các ngành, lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là ngành sản xuất và cung cấp tiện ích cũng như dịch vụ nghề nghiệp và tài chính.

5G sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các thiết bị IoT đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

5G cũng được xem là công nghệ có khả năng cách mạng hóa cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong các ngành như năng lượng, sản xuất công nghiệp nặng, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giao thông vận tải, logistics, dịch vụ thông tin di động, thành phố thông minh,... 5G giúp tương tác thực tế ảo, tự động hóa cao độ các bước của quy trình sản xuất dẫn tới những thay đổi vượt bậc về năng suất, đồng thời cũng giúp kết nối các chuỗi cung ứng tốt hơn, tạo cơ hội mở rộng thị trường cũng như giảm chi phí kinh doanh. Trên hết, 5G được ví như một công cụ chiến lược cho việc hình thành các mô hình kinh doanh hoặc những ngành kinh doanh mới.

Ngoài ra, 5G cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới trong nền kinh tế 4.0 trong đó có thực tế ảo, IoT, trí tuệ nhân tạo (Al)… mà nhờ đó người dùng sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ chưa từng có trong các lĩnh vực giao thông, sản xuất, nhà thông minh, thành phố thông minh… góp phần cải thiện và nâng cao mức sống người dân.

Theo các chuyên gia, 5G sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các thiết bị IoT đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Theo ước tính của Asian Insights Office thuộc DBS Group Research trong nghiên cứu chuyên đề Internet vạn vật: Trụ cột của Trí tuệ nhân tạo (Internet of Things: The Pillar of Artificial Inteligence) số tháng 6/2018, tính đến năm 2030, sẽ có khoảng 125 tỷ thiết bị được kết nối với internet (so sánh với 11,19 tỷ thiết bị vào năm 2018).

Nhiều chuyên gia quân sự còn cho rằng, 5G sẽ là nền tảng của công nghệ quốc phòng trong tương lai bởi sẽ giúp mở rộng, đánh giá và phân tích sâu hơn các tình huống trên chiến trường, tăng cường khả năng liên lạc vô tuyến và mở rộng khả năng tác chiến của lực lượng đặc biệt không quân…

Cuộc đua công nghệ 5G của các cường quốc

Tính đến tháng 8/2019, có 296 nhà khai thác đến từ 100 quốc gia đã cung ứng ở mức độ hạn chế, triển khai, trình diễn, đang thử nghiệm, đã được cấp giấy phép để thử nghiệm thực địa mạng di động 5G hoặc FWA 5G. Trong số đó, có 56 nhà khai thác tại 32 quốc gia đã tuyên bố triển khai mạng 5G và 39 nhà khai thác đã công bố ra mắt dịch vụ 3GPP 5G ở mức độ giới hạn, theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) công bố tại trang web của hội.

Tuy nhiên, triển khai ở quy mô thương mại, theo Idate DigiWorld, hiện mới chỉ có nhà mạng Ooredoo[1] (Qatar) và Elisa[2] (Phần Lan và Estonia) là đạt tiêu chuẩn, trong khi ITRE Committee của Nghị viện Châu Âu thì lại coi Veriozon[3] (Mỹ) và nhóm ba nhà mạng gồm KT, SKTelecom và LG UPlus[4] (Hàn Quốc) là các nhà triển khai đi tiên phong trong việc thương mại hóa 5G. Với tiến độ triển khai ráo riết như vậy, Analysys Mason dự báo, tới năm 2020, sẽ có khoảng 80 nhà khai thác ở hơn 40 quốc gia toàn cầu sẽ cung ứng mạng 5G cho người sử dụng.

Tình hình triển khai 5G của một số quốc gia trên thế giới trong năm 2019

Nguồn: GMSA, Kinh tế di động năm 2019

Để đánh giá và xếp loại các quốc gia công nghệ “sẵn sàng” (readiness) cho cuộc đua 5G, Analysys Mason trong báo cáo “Cuộc đua 5G toàn cầu - Kế hoạch và Các ưu tiên về Phổ tần và Hạ tầng” (Global Race to 5G - Spectrum and Infrastructure Plans and Priorities) (công bố tháng 4/2018) đã phân loại thành ba nhóm nước dẫn đầu cuộc đua, trong đó nhóm quán quân gồm: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; nhóm thứ hai gồm: Đức, Anh, Pháp và nhóm thứ ba gồm: Canada, Nga, Singapore.

Trong top quán quân, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu, tiếp theo là Hàn Quốc, sau đó mới tới Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất “Cuộc đua 5G toàn cầu - Bản cập nhật” (Global Race to 5G - Update) (ấn bản tháng 4/2019) cũng của cơ quan này thì Mỹ đã leo lên cùng vị trí dẫn đầu cùng với Trung Quốc trong top quán quân.

Những thay đổi về vị trí xếp hạng của các nước trong cuộc chạy đua 5G năm 2019 so với năm 2018

Nguồn: Analysys Mason, Cuộc đua 5G toàn cầu - Bản cập nhật, tháng 4/2019
Chú giải: Các màu sắc đánh dấu thể hiện sự thay đổi về vị trí xếp hạng của các nước kể từ năm 2018.

Theo CTIA công bố trong báo cáo “Chiến lược phổ tần quốc gia dẫn đầu về 5G” (A National Spectrum Strategy to Lead in 5G), từ đầu năm 2017, các nhà khai thác viễn thông của Mỹ đã chuẩn bị khoảng 275 tỷ USD để đầu tư phát triển 5G trong vòng bảy nămvới kỳ vọng có thể tạo ra tối đa 3 triệu việc làm mới và thúc đẩy GDP tăng thêm 500 tỷ USD, theo nghiên cứu “5G biến đô thị thành thành phố thông minh” (2017).

Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, đã có nhiều đợt triển khai 5G quy mô lớn đầu tiên nhờ cam kết và nỗ lực của chính quyền, Quốc hội và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Các hãng viễn thông lớn của Mỹ như AT&T Corp, Verizon Communications, T-Mobile và SprintCorp đều tham gia vào việc cung ứng dịch vụ mạng 5G. Đặc biệt, Mỹ cũng đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển ứng dụng 5G cho quân sự.

Để hiện thực hóa mục tiêu “phải chiến thắng” và “sẽ chiến thắng” mà Tổng thống Trump đề ra cho nước Mỹ trong cuộc đua triển khai 5G cũng như để tăng tốc và khuyến khích đầu tư cho dịch vụ này, Chính phủ Mỹ và FCC đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ và táo bạo bằng việc nới lỏng phổ tần số di động, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như gỡ bỏ các rào cản đối với các dự án xây dựng mạng lưới viễn thông. FCC thông báo sẽ chính thức khởi động vòng đấu giá băng tần số di động mới nhất vào tháng 12/2019, đồng thời đang lên kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ trị giá 5 tỷ USD để mở rộng băng thông tốc độ cao cho 4 triệu gia đình và doanh nghiệp ở vùng nông thôn Mỹ.

Tuy nhiên, có một thực tế là, tại Trung Quốc, nếu như hai “ông lớn” là ZTE và Huawei hoàn toàn có thể tự chủ được các thiết bị để phát triển mạng 5G thì ngược lại, tại Mỹ, các nhà mạng nếu muốn triển khai 5G sẽ buộc phải hợp tác với Samsung Electronics, Nokia và Ericsson thì mới có được các thiết bị 5G. Đây được xem là một bất lợi đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh mang tầm quy mô toàn cầu này. Phát triển mạng 5G đã nằm trong tính toán chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và được coi là một trong các ưu tiên chiến lược cả nước (được nêu trong Kế hoạch năm năm lần thứ 13 2015-2020 và Sáng kiến “Made in China 2025” công bố năm 2013).

Trung Quốc đang vượt qua Mỹ để giành vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua 5G

Các khoản đầu tư vào 5G đã được Trung Quốc triển khai ở cấp độ quốc gia kể từ năm 2015 thông qua ba nhà khai thác mạng viễn thông là China Mobile, China Unicom và China Telecom. Ba công ty này cùng với công ty truyền hình cáp China Broacasting Network, sau khi được cấp giấy phép thử nghiệm vào cuối năm 2018, đã được cấp giấp phép thương mại 5G để triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển công nghệ xe tự hành, xây dựng thành phố thông minh và các ứng dụng tiên tiến khác. Đây được xem như một thách thức của Trung Quốc với Mỹ trong bối cảnh Huawei đang bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu.

Dù chưa thể vượt qua Hàn Quốc trong việc phát triển 5G nhưng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang vượt qua Mỹ để giành vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua 5G nhờ sự kết hợp của động lực ngành và sự hỗ trợ của Chính phủ. Trung Quốc có nhiều lợi thế để phát triển 5G bởi các công ty của Trung Quốc sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G nhất thế giới với tổng cộng 3.514 bằng sáng chế (chiếm 1/3 tổng số), trong đó riêng Huawei nắm giữ 1.554 sáng chế, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thống trị công nghệ 5G theo số liệu thống kê của IPlytics trong báo cáo “Ai đang dẫn đầu cuộc đua bằng sáng chế 5G” (Who is leading the 5G patent race), số tháng 4/2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc có lợi thế đáng kể về cơ sở hạ tầng để phát triển mạng 5G với khoảng 1,9 triệu điểm di động không dây so với 200.000 điểm được phát triển tại Mỹ theo số liệu đánh giá của CTIA trong Báo cáo “Chiến lược phổ tần quốc gia dẫn đầu về 5G”.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu và tư vấn Forrester Research, với 5G, Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh nhất vào viễn thông (chiếm khoảng 57% chi tiêu công nghệ trong năm 2019) và đã vượt Mỹ 24 tỷ USD kể từ năm 2015. Bắc Kinh hiện đang ở vị trí tốt nhất để chiến thắng trong cuộc đua 5G toàn cầu.

Chú thích:

[1]Tháng 5/2018, Ooredoo của Qatar đã tiến hành triển khai mạng 5G Supernet.

[2] Tháng 6/2018, Elisa công bố đã thực hiện một cuộc gọi video 5G giữa Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan với người đồng cấp ở Estonia.

[3]Tháng 10/2008, Verizon của Mỹ đã cung ứng dịch vụ 5G Home cho người sử dụng.

[4] Tháng 12/2018, SK Telecom, KT và LG Uplus cùngtiến hành triển khai dịch vụ mạng 5G tại Seoul và 6 thành phố lớn khác.

ThS. Phạm Trúc Hoa Quỳnh

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch đầu tư

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/the-gioi-quyet-liet-trong-cuoc-dua-5g-65275.htm