Thế giới sau ngày 3-11

Cuộc bầu cử Mỹ lần này được đánh giá là có thể định hình thế giới theo cách chưa từng có.

Cuộc bầu cử Mỹ lần này được đánh giá là có thể định hình thế giới theo cách chưa từng có.

Vào ngày 3-11 tới, gần 7,5 tỷ người bên ngoài nước Mỹ sẽ được chứng kiến một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trên sân khấu chính trị thế giới - mà không có bất kỳ tiếng nói nào về kết quả của nó. Mỗi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đều có tác động đến các vấn đề quốc tế khi người chiến thắng sau cùng trở thành lãnh đạo của cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Chính vì vậy, cả thế giới vẫn đang hồi hộp chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ năm nay.

Tổng thống Trump tổ chức vận động tại bang chiến địa Pennsylvania trong ngày 26-10. Đối thủ Joe Biden cũng đã bất ngờ xuất hiện tại đây.

Tổng thống Trump tổ chức vận động tại bang chiến địa Pennsylvania trong ngày 26-10. Đối thủ Joe Biden cũng đã bất ngờ xuất hiện tại đây.

Ông Trump sẽ tái đắc cử?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đi đến giai đoạn nước rút đầy kịch tính và hấp dẫn. Trên thực tế, theo các chuyên gia, với việc Tổng thống Donald Trump quyết định tái cử cùng với “cơn bão” Covid-19 bất ngờ ập tới đã khiến mọi việc bị đảo lộn theo hướng kịch tính hơn rất nhiều.

Ông Trump không được lòng Châu Âu và một số khu vực của Nam Mỹ, Trung Đông và nhiều nước ở Châu Á. Nhưng theo những người ủng hộ, việc tập trung vào vấn đề thế giới thích Tổng thống Trump đến mức nào sẽ không quan trọng. Họ nói rằng, vấn đề cần quan tâm là ông đã bảo vệ lợi ích của Mỹ như thế nào, hơn là chăm chăm xoa dịu các chính phủ nước ngoài như những người tiền nhiệm đã làm. “Ông Trump sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong một cuộc thi về độ nổi tiếng nào đó, nhưng mục tiêu của Mỹ không phải là nhằm giúp các quốc gia khác có cảm giác dễ chịu”, chuyên gia Salvatore Baodas tại Đại học Sydney nhận định. Chuyên gia Babone không tự nhận mình là người ủng hộ ông Trump nhưng tin rằng, nhà lãnh đạo này đã đạt những thành tựu quan trọng ở nước ngoài: giám sát việc Israel bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Arab, kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, “đòi lại công bằng” trong cán cân thương mại với Trung Quốc và tránh can dự thêm vào Syria. “Mọi người có thể không thích điều đó, nhưng Tổng thống Trump giống như một ông chủ khó tính”, chuyên gia Babone nhận định và nói thêm rằng, “ông chủ đó thường sẽ không được yêu thích - nhưng họ lại mang đến cho bạn lợi ích”.

Sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, giới chuyên gia cho rằng, ông là vị tổng thống không giống bất kỳ người tiền nhiệm nào của đảng Cộng hòa trong lịch sử Mỹ. Nếu ông tái đắc cử, chính trường Mỹ sẽ tiếp tục có nhiều biến động, ảnh hưởng không chỉ trong 4 năm kế tiếp mà còn khả năng kéo dài trong thời gian sau đó nữa. Trong đó, có thể kể đến các chính sách về nhập cư, môi trường, mối quan hệ với Triều Tiên và Trung Quốc...

Định hình thế giới ra sao?

NBC cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đi theo con đường khác với bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đây. Và cuộc bầu cử Mỹ lần này được đánh giá là có thể định hình thế giới theo cách chưa từng có trước đây.

Nếu tái đắc cử, ông Trump có vẻ sẽ tiếp tục thiết lập lại các hoạt động đối ngoại của Washington theo hình ảnh của chính mình. Cho đến nay, điều đó có nghĩa là tập trung vào các giao dịch thay vì liên minh và theo đuổi thương hiệu “Nước Mỹ trên hết” mang nặng chủ nghĩa dân tộc. Nếu chiến thắng, ông Biden cũng sẽ không thể quay ngược đồng hồ về những ngày làm phó tổng thống. Nhưng ông sẽ tìm kiếm một mô hình chính sách đối ngoại truyền thống hơn của Mỹ, một mô hình sẽ có tác động hoàn toàn khác đối với các đồng minh và kẻ thù truyền thống của nước này. Thành công của học thuyết đó trong bối cảnh địa chính trị đã thay đổi ngày nay sẽ vẫn còn có thể hữu ích.

Với những người chỉ trích Tổng thống Trump, việc ông tái đắc cử có nghĩa là một thảm họa không chỉ đối với vị thế của Washington trên thế giới mà còn khả năng tác động tích cực đến lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Chuyên gia Karin von Hippel, cựu cố vấn cấp cao tại Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết, cuộc bầu cử này là quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Đối với bà, việc ông Trump tái cử sẽ đồng nghĩa với việc phải chứng kiến Washington đi trên con đường ngày càng bị cô lập, cuối cùng bị các đồng minh lâu năm mệt mỏi bỏ rơi và nhường chỗ cho các đối thủ lợi dụng. Trong khi đó, theo chuyên gia Von Hippel: “Ngay cả khi ông Biden thắng, Mỹ sẽ không bao giờ được tin tưởng như trước nữa”.

Có lẽ hậu quả rõ ràng nhất của cuộc bầu cử này sẽ là về hai vấn đề cấp bách nhất của thế giới: biến đổi khí hậu và Covid-19. Ông Trump từ lâu đã luôn phủ nhận những nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và nếu thắng, ông sẽ thực hiện việc rút hoàn toàn khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - quốc gia duy nhất làm như vậy trong khi Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris chính thức có hiệu lực vào ngày 4-11, đúng 1 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Ứng viên Biden đã cam kết sẽ tham gia lại hiệp ước này nếu thắng cử. Các chuyên gia quốc tế cũng đã chế nhạo phản ứng và các đối phó đối với đại dịch Covid-19 của ông Trump. Và trong nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống đã cảnh báo sẽ không tham gia hợp tác vaccine quốc tế cũng như sẽ hoàn tất việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Trump vượt ông Biden về tỷ lệ ủng hộ tại Texas

Ngày 26-10, theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất từ báo New York Times và Đại học Siena College, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo cách biệt 4% so với ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden về tỷ lệ ủng hộ của cử tri tại bang Texas.

Kết quả cuộc thăm dò cho biết ông Trump nhận được 47% số phiếu từ những cử tri được hỏi, so với 43% dành cho ông Biden. Đáng chú ý, với tỷ lệ 38% ủng hộ đối với ông Biden từ cử tri da trắng có trình độ đại học tại Texas, dù thấp hơn 54% của ông Trump, song lại cao hơn so với những gì cựu ứng viên đảng Dân chủ năm 2016 là bà Hillary Clinton giành được, với chỉ 31%. Và dù giành được tỷ lệ ủng hộ cao hơn ông Trump từ nhóm cử tri gốc Mỹ Latinh (57% so với 34%), nhưng tỷ lệ ủng hộ trên của ông Biden vẫn thấp hơn một chút so với bà Clinton vào năm 2016.

Twitter mạnh tay với nạn tin giả trong bầu cử Mỹ

Ngày 27-10, mạng xã hội Twitter cho biết sẽ chủ động gửi cảnh báo tới người dùng về khả năng xuất hiện những thông tin sai lệch có thể “tạo tiền đề” cho những phát ngôn chưa được kiểm chứng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11 tới.

Trong thông báo, Twitter nêu rõ trang mạng này sẽ gắn các thông báo ở đầu trang chủ hiển thị của người dùng để cảnh báo khả năng có sự chậm trễ trong công bố kết quả bầu cử cuối cùng, cũng như việc người dùng có thể sẽ thấy những thông tin sai lệch về vấn đề bỏ phiếu qua bưu điện. Twitter đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm ngăn chặn những phát ngôn vô căn cứ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước khi sự kiện quan trọng này diễn ra. Đây là động thái mới nhất của Twitter nhằm kiểm soát những tuyên bố chưa được kiểm chứng có thể xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

T.N

Thế giới nhìn nước Mỹ như thế nào?

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố Mỹ là “quốc gia vĩ đại nhất thế giới”. Nhưng theo một cuộc thăm dò 13 quốc gia gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, ông không làm được gì nhiều cho hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài.

Ở nhiều nước Châu Âu, tỷ lệ người dân có cái nhìn tích cực về Mỹ đang ở mức thấp nhất trong gần 20 năm. Ở Anh, 41% có ý kiến ủng hộ, Pháp 31%, thấp nhất kể từ năm 2003, ở Đức chỉ 26%. Phản ứng của Mỹ đối với đại dịch Covid-19 là một yếu tố chính - chỉ 15% số người được hỏi cảm thấy Mỹ đã xử lý tốt vấn đề. Việc ông tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận quan trọng như: thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... cũng khiến hình ảnh của nhà lãnh đạo Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc ông tuyên bố đóng cửa biên giới sau khi lên nhậm chức cũng khiến nhiều quốc gia đứng ngồi không yên. Trên thực tế, Tổng thống Trump đặt ra kế hoạch về vấn đề nhập cư chỉ 1 tuần sau khi nhậm chức, đóng cửa biên giới đối với du khách từ 7 quốc gia đa số theo đạo Hồi. Hiện tại 13 quốc gia đang bị hạn chế ngặt nghèo. Số người nước ngoài sống ở Mỹ năm 2019 cao hơn khoảng 3% so với năm 2016, năm cuối cùng Tổng thống Obama tại vị. Nhưng điều này đã thay đổi.

“Cuộc chiến” căng thẳng với Trung Quốc cũng là một vấn đề khiến các nước có cái nhìn khác hơn về Tổng thống Trump. Ông Trump đã khiến Bắc Kinh khó chịu bằng cách tuyên bố rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông là bất hợp pháp, áp thuế hàng hóa lên hàng hóa của Trung Quốc, cấm tải xuống các ứng dụng phổ biến TikTok và WeChat, và đưa Huawei vào danh sách đen - mà Mỹ cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Rõ ràng, với nhiều chính sách và quyết định chưa từng có, giới phân tích cho rằng, trong “cuộc chiến” lần này, dù thắng hay thua, ông Trump thật sự đã thay đổi thế giới.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_233700_the-gioi-sau-ngay-3-11.aspx