Thế giới sẽ sớm có vaccine phòng Covid-19

Những bước tiến trong việc chế tạo vaccine phòng Covid-19 liên tục được phát đi, mang tới hi vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt.

Nga sẽ về đích sớm nhất?

Mới đây, ngày 15/7, Bộ Quốc phòng Nga nói rõ, đã phát triển được một loại vắcxin "an toàn" ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm tình nguyện viên.

Nga bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Ảnh: TASS

Nga bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Ảnh: TASS

Thông báo cho biết, 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ 18/6. 28 ngày sau khi tiêm vắcxin, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tất cả đều không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào."

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh các kết quả thử nghiệm "cho phép chúng tôi tự tin thông báo về tính an toàn và chất lượng khá tốt của vắcxin."

Nhà nghiên cứu Svetlana Volchikhina tham gia quá trình thử nghiệm cho biết sức đề kháng của các tình nguyện viên hiện rất tốt, các kháng thể vẫn tiếp tục được tạo ra và họ đã được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nhóm tình nguyện viên thứ hai tiếp nhận vắcxin hôm 23/6 đang được cách ly và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.

Bộ Quốc phòng Nga dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Bảy này.

Trước đó không lâu, một nhóm các nhà khoa học của Đại học Sechenovskiy cũng đã thông báo hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19. Người đứng đầu và là nghiên cứu viên chính tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng về thuốc tại Đại học Sechenovskiy - Elena Smolyarchuk cho biết, các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã hoàn thành tại Đại học Sechenovskiy.

TASS dẫn lời nhà nghiên cứu Smolyarchuk: “Nghiên cứu đã chứng minh vaccine là an toàn. Các tình nguyện viên tham gia quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ được xuất viện vào ngày 15/7 và 20/7”.

Ông Vadim Tarasov, Giám đốc Viện Y học chuyển dịch và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Sechenovskiy nói thêm, những người tham gia quá trình thử nghiệm sẽ tiếp tục chịu giám sát y tế trên cơ sở bệnh nhân ngoại trú sau khi xuất viện.

Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamalei của Nga bày tỏ hy vọng, vaccine sẽ bắt đầu được sử dụng từ ngày 12-14/8. Theo vị này, nhiều khả năng, các công ty tư nhân sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vaccine này trong tháng 9/2020.

Vaccine phòng Covid-19 của Đại học Sechenovskiy là vaccine đầu tiên trên thế giới cho tới thời điểm này vượt qua thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người thành công.

Trước thông tin trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá cao những bước tiến mới trong sản xuất vaccine của Nga, cũng như những nỗ lực đang được thực hiện trên thế giới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn lưu ý, sản xuất vaccine là một quá trình lâu dài và phức tạp, bao gồm nhiều năm thử nghiệm để đảm bảo mũi tiêm an toàn và hiệu quả cho mọi người trước khi sản xuất đại trà. Vì thế, mọi bước đi phải rất thận trọng, không thể vội vàng, chủ quan.

“Thử nghiệm trên người là một bước tiếp theo sau khi vaccine đã được thử nghiệm trên động vật. Đây cũng có thể xem là một bước tiến, chứ chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ thành công. Vì thế, chúng ta vẫn cần chờ đợi thêm thời gian”, ông Phu nói.

Thể hiện quan điểm lạc quan hơn, Nhà giáo ưu tú, BSCKII Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Đại học Y Thái Bình bày tỏ kỳ vọng thế giới sẽ sớm có được vaccine phòng ngừa Covid-19 được sản xuất đại trà.

Thái Lan cũng đang là quốc gia được mong đợi sẽ đóng góp vai trò dẫn đầu giúp khu vực Đông Nam Á vượt qua đại dịch hiện nay. Hiện, nhóm nghiên cứu các nhà khoa học Thái Lan đã tiêm thử nghiệm CU-Cov19, một loại vaccine mRNA, trên 13 cá thể khỉ và một số cá thể đã phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2 có nồng độ cao, ở mức 5.120. Đây là kết quả đáng khích lệ trước khi Thái Lan tiến hành thử nghiệm trên người vào tháng 11 tới, mở ra hy vọng sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong quý III/2021. Thái Lan còn dự kiến, nếu thành công, sẽ tiến hành sản xuất hàng triệu liều vaccine vào cuối năm tới.

Ở Anh, hiện có hai ứng viên vaccine, trong đó một nghiên cứu thuộc Imperial College London có khả năng sẽ đưa vào sử dụng nửa đầu năm 2021.

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cũng đã hoàn tất đăng ký thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine mRNA-1273.

Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc CanSino Biologics, đơn vị khởi động thử nghiệm đầu tiên trên cơ thể người đối với vaccine Ad5-nCoV cũng đã thông báo tiến hành thảo luận với Nga, Brazil, Chile và Saudi Arabia để bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.

“Đó là những tín hiệu rất tích cực mang tới những hi vọng sớm chấm dứt đại dịch và thế giới sẽ có vaccine đại trà”, BS Nguyễn Văn Sái chia sẻ.

Việt Nam vượt tiến độ dự kiến

Không đứng ngoài cuộc chạy đua sản xuất vaccine Covid-19, tại Việt Nam, những nghiên cứu về vaccine phòng Covid-19 cũng được đánh giá đã vượt tiến độ dự kiến.

ThS Mạc Văn Trọng, Công ty TNHH vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế cho hay, dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 của ông và các đồng sự “đã có kết quả. Vaccine dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao”.

Kết quả trên được đánh giá là mang tính “sống còn” để khẳng định việc nghiên cứu của các nhà nghiên cứu có đi đúng hướng.

“Dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine chúng tôi theo đuổi đang đi đúng hướng và đã cho kết quả bước đầu. 4 tháng quên ăn quên ngủ của chúng tôi đã được đền đáp”, nhà nghiên cứu của Vabiotech chia sẻ.

Trước đó, ngày 15/5 và 29/5, hai lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vaccine-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW) để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện VSDTTW xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.

“Đây là cơ sở để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện VSDTTW nhận định.

Với kết quả này, dự án nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Đặt trong bối cảnh phải chạy đua tiến độ để sản xuất vaccine, các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ không đặt mục tiêu dẫn đầu trong sản xuất vaccine, nhưng sẽ đón đầu nhờ kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2.

“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vaccine bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vaccine đã là một thành tựu rất đáng kể”, ThS Mạc Văn Trọng chia sẻ.

Ông Trọng nhấn mạnh, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vaccine mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vaccine cho Việt Nam, nhất là các vaccine đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là sẽ cho ra đời loại vaccine mới rất nhanh.

“Khi một nước nào đó có vaccine thương mại họ sẽ ưu tiên bảo vệ người dân của họ trước. Như đợt đại dịch cúm A/H1N, mua 1 liều vaccine đã khó chưa nói gì đến mua cả triệu liều. Vì thế, tính chủ động vaccine của một quốc gia là rất quan trọng”, ThS Mạc Văn Trọng lý giải.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/the-gioi-se-som-co-vaccine-phong-covid-19-3413596/