Thế giới thần tiên kỳ diệu của người Chăm

14 câu chuyện trong 'Truyện cổ Chăm' là 14 cánh cửa lần lượt mở ra, đưa các bạn nhỏ đến với thế giới cổ tích thần tiên và lấp lánh điều kỳ diệu.

Các câu chuyện trong Truyện cổ Chăm tựa ngọn gió tươi mát thổi bùng lên ngọn lửa tư duy và ngôn ngữ, đồng thời mở ra không gian nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Với những chuyện kể chắt lọc trong quyển sách này, bạn đọc ở mọi độ tuổi sẽ không ngừng ngạc nhiên và thích thú trước kho tàng truyện cổ đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam.

 Sách Truyện cổ Chăm tập 1 (bên trái) và tập 2 (bên phải).

Sách Truyện cổ Chăm tập 1 (bên trái) và tập 2 (bên phải).

Tiếp nối thành công của Truyện cổ Chăm tập 1, sau gần hai năm sưu tầm, tuyển chọn và dịch, Truyện cổ Chăm tập 2 của tác giả Kinh Duy Trịnh tiếp tục gửi đến bạn đọc những câu chuyện cổ đặc sắc. 14 câu chuyện trong Truyện cổ Chăm là 14 cánh cửa lần lượt mở ra, đưa các bạn nhỏ đến với thế giới cổ tích thần tiên và lấp lánh điều kỳ diệu.

Trong kho tàng di sản của văn hóa Chăm, ngoài tiếng nói và chữ viết riêng của mình, những ngôi tháp Chăm-pa cổ kính được xây dựng bằng đất nung, điệu múa đặc sắc như múa chàm rông… thì lĩnh vực văn học dân gian, đặc biệt tuyển tập các truyện cổ chứa đựng sắc thái đời sống, truyền thống tốt đẹp và giá trị nhân văn của con người nơi đây.

Tác giả Kinh Duy Trịnh trước khi về hưu dành toàn bộ thời gian cho công việc sưu tầm, dịch các văn bản Chăm cổ, ông từng là thầy giáo làm công tác biên soạn, giảng dạy ngôn ngữ của mình, là tiếng Chăm. Với mong muốn giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm, dù gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với các văn bản cổ, ông vẫn miệt mài, liên tục mang đến bạn đọc những câu chuyện của người Chăm xưa.

Hổ và thỏ, Lời dặn của bác nông dân, Người con trai và mụ quỷ già… là những câu chuyện thổi vào tâm hồn bạn đọc nhỏ tuổi các bài học về đạo đức, tình người, luân lý qua cách ứng xử giữa những nhân vật trong chuyện với nhau. Ở hiền gặp lành, cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Chính vì vậy, Truyện cổ Chăm sẽ mang đến cho các em bài học đầu đời vô cùng đặc sắc.

Đồng hành cùng các em trong chuyến du hành đến vùng đất của những điều huyền diệu là các vị thần đầy phép thuật, các cô gái xinh đẹp, các chàng trai tài ba và các con vật biết nói tiếng người.

Bạn đọc sẽ bắt gặp chàng trai Sá Sế biết yêu thương con người và loài vật, để trải qua các kiếp nạn giành lại báu vật cho gia đình, nhiều lần lâm vào hiểm nguy, Sá Sế vẫn được những người bạn như Khỉ, Hổ, Kiến và Rắn cứu sống và trở về an toàn cùng báu vật trên tay.

Một người nông dân người trần mắt thịt như ông Tằm Trừng có thể chiến thắng sự phá phách, lươn lẹo của bầy thú bằng sức mạnh duy nhất là đức tính lương thiện.

Cho đến bây giờ, cứ tới đêm rằm, bà con Chăm khi nhìn lên mặt trăng vẫn thấy hình ảnh cậu Lười và con chó ngồi dưới gốc cây, bóng hình in giữa vầng trăng sáng. Sự tích này sẽ được kể trong câu chuyện Cậu Lười và cây thuốc quý.

Sách được minh họa bởi họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm.

Nhà thơ Hồ Việt Khuê, bạn thân của tác giả cho biết: Nhà giáo Kinh Duy Trịnh dành nhiều thời gian cho công việc sưu tầm, dịch thuật các văn bản chữ Chăm cổ. Đó là những trang sách ghi trên lá buông, những bản chép tay từ người xưa truyền lại. Dù những trang sách chép tay này mực đã phai màu, đôi chỗ bị mối mọt gặm nhấm, nhưng tất cả luôn được nhà giáo Kinh Duy Trịnh nâng niu, quý trọng và vì đó là một phần linh hồn của dân tộc Chăm mà ông muốn giữ gìn.

Còn tác giả chia sẻ: “Tôi nghĩ, các em thiếu nhi như tờ giấy trắng. Nếu được khắc vào khối óc thơ ngây và hồn nhiên của các em những mẩu chuyện tốt thì sau này các em sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Với Truyện cổ Chăm, hy vọng các em không chỉ nhận những bài học tốt đẹp, mà còn bước vào thế giới cổ tích lấp lánh điều kì diệu, nuôi dưỡng trái tim nhân hậu, giàu thương yêu”.

Bên cạnh việc chăm chút, gọt giũa về ngôn từ, câu chữ, Truyện cổ Chăm tập 2 còn được chú trọng về mỹ thuật và công nghệ in ấn. Sách được in khổ lớn, minh họa sinh động bởi họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm, phù hợp với nét văn hóa và sinh hoạt của người Chăm.

Ngoài bầu sữa của mẹ, trẻ nhỏ còn được nuôi bằng bầu sữa tinh thần. Truyện cổ Chăm là bầu sữa tinh thần to lớn giúp các em có thể chắp cánh cho tương lai, biết thương những người bất hạnh, nghèo khổ, biết yêu con chim, yêu cây lá cỏ hoa và không thể làm điều ác.

Ái Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/the-gioi-than-tien-ky-dieu-cua-nguoi-cham-post1036246.html