Thế giới Thế giới toàn cảnh Nghị viện châu Âu bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn chủ tịch EP

Vào ngày 3/7, Nghị viện châu Âu chính thức bắt đầu vòng bỏ phiếu để lựa chọn Chủ tịch nghị viện châu Âu (EP).

Nghị viên châu Âu bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn chủ tịch EP. Ảnh: Dw

Vị trí được quan tâm

Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau một thỏa thuận đạt được một cách khó khăn bởi 28 lãnh đạo của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc đề cử và bầu chọn một chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và các vị trí chủ chốt khác. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã được chọn làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tiếp theo.

Theo quy định, các nghị sĩ châu Âu (MEPs) mới được bầu chọn trước đó sẽ phải bỏ phiếu bí mật trong phiên bầu chọn hôm nay để chọn ra lãnh đạo của Nghị viện cho nhiệm kỳ mới kéo dài 2 năm rưỡi.

Được biết vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã đưa ra ý kiến tham mưu Nghị viện “phân phối” chiếc ghế chủ tịch EP cho hai nhóm, bao gồm lựa chọn một ứng cử viên từ Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) cho nhiệm kỳ 2 năm rưỡi đầu tiên, theo sau đó là một ứng cử viên khác đến từ Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đảm nhận nhiệm kỳ sau. Song hiện kết quả và lựa chọn từ Nghị viện vẫn chưa được xác định.

Theo thông tin đăng tải trên trang Dw News, hiện Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) chiếm số lượng ghế lớn nhất trong Nghị viện, theo sau đó là Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D). Tuy nhiên, cả hai đảng đều không dành được nhiều sự ủng hộ trong kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.

Bốn ứng cử viên chạy đua

Tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 4 ứng cử viên đang chạy đua cho chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Trong số đó, Nhà lập pháp người Ý David Sassoli thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) hiện đang là người nắm nhiều ưu thế. Như vậy, ứng cử viên David-Maria Sasoli sẽ đối mặt với thành viên Ska Keller của Đảng Xanh – người đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong phiên bầu cử hồi tháng 5. Ngoài ra, hai ứng cử viên còn lại là, Sira Rego – đại diện cho khối European United Left–Nordic Green Left (GUE/NGL) ở Nghị viện châu Âu và nhà lập pháp Jan Zahradil của nhóm Bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR).

Để được chọn, tân chủ tịch phải đảm bảo giành được đa số phiếu bầu. Dự kiến tiến trình bầu cử và lựa chọn chủ tịch Nghị viện châu Âu này sẽ kéo dài trong vài vòng. Tuy nhiên, nếu sau ba vòng bầu cử vẫn không tìm được tân chủ tịch, vòng bầu cử thứ tư sẽ bắt đầu với sự tham gia của hai ứng cử viên cuối cùng, tức hai người có số phiếu bầu cao nhất từ đợt bầu chọn thứ ba.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Dw News & AFP)

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nghi-vien-chau-au-bat-dau-bo-phieu-bau-chon-chu-tich-ep-a74217.html