Thế giới trước mối lo 'khủng hoảng hạt nhân'

Thế giới đang bước vào một thời kỳ mới và nguy hiểm, trong đó xung đột hạt nhân hoặc thậm chí cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN) một lần nữa có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu. Điều khó khăn hơn là liệu lãnh đạo các nước có sẵn sàng đối phó với thách thức mới nổi này hay không.

Thế giới đang bước vào một thời kỳ mới và nguy hiểm, trong đó xung đột hạt nhân hoặc thậm chí cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN) một lần nữa có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu. Điều khó khăn hơn là liệu lãnh đạo các nước có sẵn sàng đối phó với thách thức mới nổi này hay không.

Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa trong những tháng qua. Ảnh: AFP

Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa trong những tháng qua. Ảnh: AFP

“BÓNG MA” VŨ KHÍ HẠT NHÂN QUAY TRỞ LẠI…

Cho đến vài năm trước, có vẻ như không mấy ai lo ngại đến những xung đột từ VKHN. Các kho dự trữ hạt nhân của Mỹ và Nga đã giảm đáng kể so với thời Chiến tranh Lạnh, và có nhiều thỏa thuận kiểm soát VKHN nhằm hạn chế cả các hệ thống tầm trung và tầm xa.

Những tiến triển trong việc giải giáp VKHN không chỉ giới hạn ở Mỹ và Nga. Libya đã bị thuyết phục từ bỏ tham vọng hạt nhân, Israel cản trở sự phát triển hạt nhân của Iraq và Syria, và Nam Phi đã từ bỏ kho VKHN nhỏ của mình. Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các nước P5+1 hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Gần đây nhất, HĐBA LHQ đã áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình VKHN, dọn đường cho các cuộc đàm phán cấp cao Triều Tiên và Mỹ. Và, tất nhiên, không có VKHN nào được sử dụng trong chiến đấu trong 3/4 thế kỷ, kể từ khi Mỹ thả hai quả bom hạt nhân xuống Nhật Bản để chấm dứt Thế chiến II.

Nhưng tất cả điều này hiện đang dần thay đổi. Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng do hai nhà lãnh đạo Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký năm 1987 sau khi cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản INF. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 trừ khi được gia hạn, và điều không rõ ràng hiện nay là: cả hai nước đều có nguồn lực đáng kể để hiện đại hóa kho vũ khí hiện có của mình. Mỹ cũng đã rút khỏi JCPOA, động thái khiến Iran đáp trả bằng cách tăng cường làm giàu uranium.

Hiện tại, Iran đã bắt đầu một quá trình chậm chạp nhưng đều đặn để thoát ra khỏi những giới hạn của JCPOA. Tehran có thể đang làm điều này để thuyết phục Mỹ và Châu Âu giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế. Giới phân tích còn cho rằng, các bước đi này của Iran là nhằm giảm đáng kể thời gian cần thiết để sản xuất VKHN mà không bị tấn công.

… ĐE DỌA THẾ GIỚI

Nhưng ít nhất là, có khả năng các hành động của Iran sẽ khiến Mỹ, hoặc có thể là Israel, thực hiện cuộc tấn công phòng ngừa để phá hủy một phần quan trọng của chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến một số cường quốc khu vực khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập, phát triển hoặc có được VKHN của riêng họ. Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng xa cách với nhiều đồng minh trong NATO, đã gợi ý rằng họ có thể chọn phát triển VKHN bất kể Iran làm gì.

Triều Tiên đang vượt xa Iran. Họ đã có hàng tá VKHN và tên lửa, và đã thử tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ và đang phát triển VKHN phóng từ tàu ngầm. Khả năng Bình Nhưỡng sẽ đồng ý từ bỏ VKHN của mình và phi hạt nhân hóa là chưa hiện hữu. Một rủi ro là việc Triều Tiên sở hữu một kho VKHN quy mô hơn sẽ gây ra mối đe dọa có ý nghĩa đối với Mỹ. Một điều nữa là các nước láng giềng của Triều Tiên, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ xác định rằng họ cũng cần VKHN trước mối đe dọa của Bình Nhưỡng và cần giảm bớt sự phụ thuộc về đảm bảo an ninh của Mỹ.

Mối nguy hiểm ở cả hai khu vực là một cuộc đua VKHN có thể gây ra một cuộc chiến phòng ngừa. Ngay cả khi tránh được một cuộc chiến như vậy, sự hiện diện của nhiều kho VKHN sẽ khiến các nước “thèm muốn”. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia thường xuyên xung đột, đều là các cường quốc hạt nhân. Thật quá dễ dàng để tưởng tượng cuộc tấn công khủng bố do Pakistan hỗ trợ dẫn đến sự trả đũa của Ấn Độ, điều này có thể khiến Islamabad đe dọa sử dụng VKHN, bởi vì các lực lượng quân sự thông thường của nước này không thể cạnh tranh với New Delhi. Cũng có nguy cơ VKHN rơi vào tay những kẻ khủng bố.

Đã gần 60 năm kể từ khi ứng viên tổng thống trẻ tuổi John F. Kennedy dự đoán rằng có tới 20 quốc gia có thể đạt được khả năng sở hữu VKHN vào cuối năm 1964. May mắn thay, thực tế chứng minh suy đoán này là sai và số quốc gia có VKHN hiện nay là 9. Nhưng với công nghệ hạt nhân ngày càng có sẵn, kiểm soát VKHN trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực lớn mới, các liên minh suy yếu khi Mỹ rút lui khỏi các tổ chức thế giới, và ký ức về Hiroshima và Nagasaki mờ dần, chúng ta đang bước vào thời kỳ mới và nguy hiểm.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_216312_the-gioi-truoc-moi-lo-khung-hoang-hat-nhan-.aspx