Thế giới tuần qua: Căng thẳng song phương

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó, một số mối quan hệ song phương cũng đang trong giai đoạn 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt'.

1. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 13-6 (giờ Việt Nam), trên thế giới có hơn 7,7 triệu ca mắc bệnh Covid-19 với gần 428.000 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số ca phục hồi đang là 3,9 triệu ca.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của thế giới, với hơn 2,1 triệu ca mắc bệnh và gần 117.000 bệnh nhân tử vong. Mỗi ngày, Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc mới và có rất ít dấu hiệu sớm “hạ nhiệt”.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN.

Sau Mỹ là Brazil, với 829.902 ca mắc Covid-19 và 41.901 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Mỹ Latinh - tâm điểm mới của dịch Covid-19 trên thế giới. Trong khi đó, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 8.987 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca tại đây lên 511.423 người, đứng thứ 3 trên thế giới về số ca nhiễm.

Cùng ngày, Ấn Độ đã vượt Anh trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 4 do dịch Covid-19 sau khi phát hiện thêm hơn 11.000 ca nhiễm và 389 ca tử vong trong ngày 12-6. Đây là ngày Ấn Độ có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày ở nước này ở mức trên 10.000 người. Tính đến nay, Ấn Độ có tổng cộng 309.603 ca mắc Covid-19, trong đó có 8.890 ca tử vong.

Một số quốc gia khác ở khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Trung Mỹ…cũng tiếp tục chứng kiến dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, với số ca nhiễm mới trong ngày vẫn ở mức 4 con số.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã giảm được 80% số ca mắc Covid-19 so với thời điểm đỉnh của đại dịch. Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100/100.000 dân.

2. Căng thẳng Australia-Trung Quốc leo thang

Căng thẳng ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc liên tục leo thang kể từ khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona.

Hội đồng Y tế Thế giới tháng trước đã bỏ phiếu ủng hộ một cuộc đánh giá độc lập về đại dịch Covid-19, sau khi Australia và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu vận động hành lang để thông qua quyết sách này.

Ảnh minh hoa. Nguồn: Tân Hoa Xã.

Trung Quốc trong những tuần gần đây đã cấm nhập khẩu thịt bò Australia và áp thuế đối với lúa mạch của xứ sở chuột túi.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng các sinh viên nên xem xét lại việc chọn du học, qua đó đe dọa ngành thu ngoại tệ lớn thứ tư của Australia là giáo dục quốc tế trị giá 26 tỷ USD mỗi năm. Một cảnh báo tương tự từ Bắc Kinh cũng dành cho khách du lịch Trung Quốc.

Về phần mình, Australia đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra, liên quan đến cảnh báo người Trung Quốc không đi du lịch và du học Úc.

Những căng thẳng như hiện nay, theo các chuyên gia, đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch thương mại hai chiều trị giá khoảng 162 tỷ đô USD mỗi năm.

3. Triều Tiên tuyên bố tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân

Ngày 12-6, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ thúc đẩy việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong bối cảnh đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân với Mỹ vẫn đang rơi vào bế tắc.

Thông qua hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Ngoại trưởng Ri Son-gwon ra tuyên bố có tựa đề “Thông điệp của chúng tôi chuyển tới Mỹ là rõ ràng” nhân kỷ niệm 2 năm ngày diễn ra cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Singapore.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon. Nguồn: Yonhap.

Ông Ri cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố tại một cuộc họp quân sự của Đảng Lao động hồi tháng 5 rằng, Triều Tiên sẽ tăng cường hơn nữa “khả năng răn đe hạt nhân quốc gia”.

Sau cuộc gặp tại Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã có các cuộc gặp khác tại Việt Nam và khu phi quân sự liên Triều. Tuy nhiên cho tới nay, các cuộc đàm phán nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc.

Ở một diễn biến khác, KCNA ngày 9-6 cho biết, nước này đã cắt 3 đường liên lạc với Hàn Quốc, gồm hệ thống đường dây liên lạc trên biển giữa quân đội 2 nước, đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều và đường dây nóng giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên với Phủ Tổng thống Hàn Quốc.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2018, Triều Tiên cắt đứt liên lạc với Hàn Quốc. Động thái mới nhất này của Bình Nhưỡng đang thể hiện thái độ thất vọng trước sự bế tắc trong quan hệ liên Triều, nhất là khi các tiến trình đàm phán với Hàn Quốc cũng như với Mỹ vẫn tiếp tục trì trệ, chưa có bất kỳ tín hiệu triển vọng tích cực nào.

4. Ấn Độ và Pakistan đấu súng tại Kashmir

Trong tuần qua, các binh sĩ Ấn Độ và Pakistan thường xuyên giao tranh dữ dội nhằm vào các vị trí của nhau dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) chia tách khu vực Kashmir có tranh chấp.

Ấn Độ cáo buộc phía Pakistan nã súng cối và tên lửa dẫn đường vào nhiều ngôi làng dọc LoC. Các lực lượng Ấn Độ đã đáp trả dẫn đến những cuộc chạm súng ác liệt.

Lực lượng biên phòng Ấn Độ tuần tra dọc biên giới Ấn Độ-Pakistan ở Akhnoor, gần Jammu, bang Jammu-Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times

Một binh sĩ Ấn Độ được thông báo là đã thiệt mạng và một người dân bị thương. Tuy nhiên, phía Pakistan chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về hành động bạo lực này.

Vùng Kashmir trên dãy Himalaya từ lâu đã là điểm nóng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Hiện khu vực này chia thành hai phần thuộc kiểm soát của Ấn Độ và Pakistan, song cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.

Trước đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một số nghị quyết về tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan đối với Kashmir, trong đó có nghị quyết nêu rõ phải tổ chức trưng cầu ý dân trước khi quyết định tương lai của vùng lãnh thổ này. Một nghị quyết khác kêu gọi hai bên tránh đưa ra các tuyên bố hay hành động có thể khiến gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

5. Mỹ cam kết giảm quân số ở Iraq

Ngày 11-6, Mỹ cam kết sẽ cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở Iraq trong vài tháng tới sau các cuộc đàm phán với Baghdad, trong bối cảnh các nghị sĩ Iraq hối thúc rút các binh sĩ Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông này.

Đây là cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ qua giữa Washington và Baghdad, vài tháng sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu tất cả binh sĩ nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Iraq sau vụ không kích của máy bay không người lái Mỹ ở Baghdad khiến một chỉ huy quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng.

Binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: Al Jazeera

Trong một tuyên bố chung, hai bên ghi nhận đã có những tiến bộ đáng kể tiến tới xóa bỏ mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo đó trong những tháng tới Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm lực lượng đồn trú ở Iraq. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu con số cụ thể.

Mỹ khẳng định lại rằng, nước này không tìm kiếm hay yêu cầu việc đặt các căn cứ hoặc có sự hiện diện quân sự lâu dài tại Iraq. Trong khi đó, Iraq cam kết bảo vệ những căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú, sau hàng loạt vụ nã rocket được cho là do các nhóm bán quân sự ủng hộ Iran thực hiện.

Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, 8 năm sau khi dẫn đầu cuộc xâm lược Iraq lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Sau đó, Iraq rơi vào xung đột giáo phái nghiêm trọng. Năm 2014, Mỹ triển khai hàng nghìn binh sĩ trở lại Iraq dưới hình thức liên minh chống IS.

6. LHQ xác nhận vũ khí tấn công Saudi Arabia “có xuất xứ Iran”

Ngày 11-6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) rằng, các loại vũ khí được dùng để tấn công Saudi Arabia trong năm 2019 và các lô vũ khí mà Mỹ thu giữ trên biển Arab cùng “có xuất xứ Iran”.

Trong năm 2019, nhiều vị trí ở Saudi Arabia đã bị tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái, bao gồm một cơ sở lọc dầu tại TP Afif (tháng 5), sân bay quốc tế Abha (tháng 6) và các cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq của tập đoàn Aramco (tháng 9).

Khói bốc lên tại cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco tại Abqaiq ngày 14-9-2019. Ảnh: Reuters

Ông Guterres cho biết, LHQ đã kiểm tra mảnh vỡ vũ khí thu được sau các vụ tấn công này và Ban thư ký LHQ đánh giá các tên lửa hành trình và/hoặc các bộ phận của tên lửa được dùng trong bốn đợt tấn công trên là sản phẩm có xuất xứ Iran.

Tổng thư ký LHQ nhận định, những vũ khí này có thể đã được chuyển giao cho các lực lượng thân Tehran trái với quy định tại nghị quyết năm 2015 của HĐBA về vấn đề Iran - cấm các hoạt động được coi là có khả năng phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.

Mỹ đang đề xuất một nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí chống Iran, song Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phủ quyết dự thảo này. Nếu nỗ lực của Mỹ thất bại, lệnh cấm vận trên sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới.

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-cang-thang-song-phuong-622907