Thế giới tuần qua: Đại diện Hàn Quốc trở thành tân Chủ tịch Interpol

Thế giới tuần qua xoay tiêu điểm là việc ứng viên Kim Jong Yang, Hàn Quốc đã được bầu giữ chức Chủ tịch Interpol, thay cho cựu Chủ tịch Mạnh Hồng Vĩ; Tòa án Tối cao Anh bác bỏ nỗ lực liên quan Brexit của chính phủ hay sự kiện Mỹ kêu gọi đồng minh tẩy chay Huawei...

Ảnh minh họa.

Nghị sĩ Mỹ kiện Tổng thống Trump vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp

Trong đơn kiện gửi lên một tòa án liên bang ở Washington, bên nguyên cho rằng Tổng thống Trump đã vi phạm Hiến pháp khi chỉ định ông Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp mà không qua Thượng viện phê chuẩn.

Theo các thượng nghị sĩ này, Thượng viện Mỹ thậm chí còn chưa chấp nhận để ông Whitaker phục vụ tại bất kỳ văn phòng chính quyền liên bang nào.

Nhóm nghị sĩ lập luận theo Hiến pháp, việc chỉ định các quan chức cấp liên bang phải được thực hiện dưới sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện và đây là một công cụ giám sát quan trọng đối với quyền lực của một tổng thống Mỹ. (Xem tiếp)

Interpol chính thức có tân Chủ tịch

Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa thông báo, ứng viên Kim Jong Yang, người Hàn Quốc, đã được bầu giữ chức Chủ tịch Interpol, thay cho cựu Chủ tịch Mạnh Hồng Vĩ đang bị giam giữ tại Trung Quốc vì cáo buộc nhận hối lộ hồi tháng 9/2018.

Thông báo này được đưa ra sau phiên họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) diễn ra hôm nay 21/11.

Trước đó Mỹ và Anh đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng viên Kim Jong Yang, trong khi phản đối việc bầu chọn ứng viên Alexander Prokopchuk của Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc lựa chọn ông Prokopchuk sẽ chỉ phục vụ cho các lợi ích của Nga. Nga đã phản đối tuyên bố trên và cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào tiến trình bầu cử của Interpol. (Xem tiếp)

Tòa án Tối cao Anh bác bỏ nỗ lực liên quan Brexit của chính phủ

Các chính trị gia Scotland phản đối Brexit đang yêu cầu Tòa Công lý châu Âu (ECJ) làm rõ liệu London có thể rút lại thông báo rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không cần sự cho phép của các nước thành viên khác hay không.

London đã đề nghị Tòa án Tối cao tổ chức một phiên phúc thẩm để ngăn cản chuyển vụ này lên ECJ. Dự kiến, ECJ sẽ thụ lý vụ này vào ngày 27/11.

Liên quan đến vấn đề Brexit, Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May để cố gắng khiến bà May thay đổi thỏa thuận rút khỏi EU của bà. Đây là tuyên bố của người phát ngôn về Brexit của đảng này Sammy Wilson ngày 20/11. (Xem tiếp)

Chính phủ các nước giàu nhất thế giới đồng loạt tăng thuế nhập khẩu hàng hóa

Số lượng các biện pháp thuế quan mà chính phủ các nước thuộc G20 áp thêm đã tăng lên mức cao kỷ lục, hiện tại, khoảng 481 tỷ USD hàng hóa giao dịch trong hệ thống thương mại thế giới phải chịu thuế cao hơn, theo tin từ Bloomberg.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh G-20 và cuộc đối thoại Mỹ - Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra bên lề, chính phủ các các nước thành viên đã bổ sung thêm 40 biện pháp hạn chế thương mại kể từ tháng 5/2018, 6 tháng trước đó, chính phủ các nước này đã áp 39 biện pháp hạn chế thương mại, theo công bố của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây.

Tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, nói trong tuyên bố của mình: “Các biện pháp leo thang căng thẳng hơn thực sự là mối lo ngại. Nếu chúng ta tiếp tục với xu thế hiện tại, rủi ro kinh tế sẽ tăng lên tiềm ẩn nhiều tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc làm và chỉ số giá tiêu dùng trên khắp thế giới”. (Xem tiếp)

Mỹ kêu gọi đồng minh tẩy chay sản phẩm của “đại gia” viễn thông Trung Quốc

Chính phủ Mỹ đã chính thức khởi động chiến dịch quy mô lớn kêu gọi sự hỗ trợ của các nước đồng minh, chính phủ Mỹ muốn thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại những nước này cố gắng tránh sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn Huawei – Trung Quốc, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc được báo Nikkei trích đăng.

Giới chức Mỹ đã chia sẻ những lo ngại từ phía Mỹ với chính phủ nhiều nước đồng minh cũng như nhà điều hành doanh nghiệp viễn thông tại các nước mà thiết bị của Huawei đang được sử dụng rộng rãi như Đức, Italy, Nhật về những điều mà họ coi như rủi ro an ninh mạng.

Mỹ đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cả một số gói hỗ trợ tài chính cho những doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng chấp nhận bỏ các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc. (Xem tiếp)

PHƯƠNG VY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-dai-dien-han-quoc-tro-thanh-tan-chu-tich-interpol-3481407.html