Thế giới tuần qua: Tâm điểm virus corona

Dư luận đang đổ dồn sự quan tâm về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tiếp tục lan rộng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, việc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông cũng là thông tin quốc tế đáng chú ý.

1. Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV lan rộng

Tính đến 7 giờ 00 ngày 1-2 (giờ Việt Nam), đã có 11.308 người được ghi nhận là mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số này, 258 trường hợp tử vong và đều là công dân Trung Quốc.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV ngày càng trầm trọng hơn dự tính ban đầu. Số lượng người nhiễm virus nCoV ở Trung Quốc đại lục đã là 11.165 người, vượt qua số người mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003. Dịch SARS, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, đã khiến 800 người thiệt mạng và hơn 5.000 người nhiễm.

 Màn hình hiển thị máy quét thân nhiệt đối với hành khách đến sân bay Incheon ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Màn hình hiển thị máy quét thân nhiệt đối với hành khách đến sân bay Incheon ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Hơn 1 tuần sau khi Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị phong tỏa, thành phố với 11 triệu dân này đang chạy đua với thời gian để chống lại dịch bệnh. Chỉ riêng tại tỉnh này, hơn 170.000 nhân viên y tế địa phương, 6.097 nhân viên y tế đến từ 29 tỉnh khác và quân đội đang cùng tham gia trong cuộc chiến chống virus nCoV.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã siết chặt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh như tăng cường năng lực y tế, tạm ngưng cấp thị thực nhập cảnh với công dân Trung Quốc, sơ tán công dân khỏi Trung Quốc, kiểm tra nhiệt của hành khách tại cửa khẩu, sân bay, bến cảng…

Ở một diễn biến liên quan, trong cuộc họp báo sáng 31-1 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố sự bùng phát virus nCoV từ Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) sau nhiều lần trì hoãn.

2. Anh chính thức rời Liên minh châu Âu

Đúng 23 giờ đêm 31-1 (6 giờ 00 sáng 1-2 theo giờ Việt Nam), nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 47 năm là thành viên.

Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự.”

Quốc kỳ Anh được đưa đi khỏi khu vực cắm cờ các nước thành viên Hội đồng châu Âu. Ảnh: Vox

Như vậy, việc Anh chính thức rời khỏi EU đã khép lại hơn 3 năm đàm phán với nhiều sóng gió trên chính trường kể từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2016. Lễ kỷ niệm sự kiện không diễn ra rầm rộ để thể hiện sự tôn trọng đối với một nửa dân số nước Anh muốn ở lại EU và những người vẫn lo ngại về tương lai phía trước.

Thỏa thuận ''ly hôn'' đã giải quyết vấn đề nợ của London, quyền của người EU tại nước này, tình trạng biên giới của khu vực Bắc Ireland và giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng ông Johnson chỉ cho mình 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận quan hệ đối tác mới với EU, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại đến hợp tác an ninh và tình báo, tiêu chuẩn hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá...

Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU để nước này có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại khác trên toàn thế giới. Nhưng chính xác quá trình này sẽ diễn ra như thế nào và việc các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh với EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao vẫn chưa rõ ràng.

3. Kế hoạch hòa bình Trung Đông

Ngày 28-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine.

Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Cụ thể hơn, tổng thống Mỹ đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô “không thể tách rời của Israel”.

Dư luận quốc tế cũng phản ứng trái chiều về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Ảnh: Yahoo News.

Theo Washington, những điều kiện nói trên bao gồm nhà nước Palestine trong tương lai phải “phi quân sự hóa”, đồng thời công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Ông Trump vẽ ra một tương lai mà ông gọi là “bình minh mới”, với một khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD sẽ xóa bỏ sự khốn khổ của người Palestine và người Israel sẽ không làm tổn hại đến an ninh của họ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi đề xuất của tổng thống Mỹ là “kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình”. Trong khi đó, người Palestine, đứng đầu là Tổng thống Mahmud Abbas, kiên quyết bác bỏ kế hoạch của ông Trump và chỉ trích tổng thống Mỹ thiên vị Israel.

Dư luận quốc tế cũng phản ứng trái chiều và thận trọng xung quanh đề xuất của ông Trump. Trong khi châu Âu và Liên hợp quốc hoan nghênh kế hoạch của ông Trump thì các quốc gia Hồi giáo phản đối dữ dội. Trong khi đó, một số nước khác kêu gọi cách tiếp cận cân bằng và đối thoại mở.

4. Mỹ chính thức ký Hiệp định thương mại USMCA

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-1 đã chính thức ký ban hành thành luật Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) thay thế cho Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Ông Trump trong lễ ký ban hành thành luật Hiệp định thương mại USMCA. Ảnh: Reuters.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ có một thỏa thuận thương mại công bằng thực sự giúp tạo công ăn việc làm, thịnh vượng và tăng trưởng ngay tại nước Mỹ.

USMCA quy định tăng tỷ lệ nội địa ngành công nghiệp ô tô sản xuất ở khu vực Bắc Mỹ từ 62,5% trước đây lên 75%, tức sẽ giúp lao động Mỹ cạnh tranh hơn trước trong lĩnh vực sản xuất ô tô. USMCA cũng buộc Canada và Mexico mở cửa nhiều hơn cho hàng nông sản Mỹ.

Lâu nay, ông Trump luôn chỉ trích NAFTA vì cho rằng hiệp định này khiến việc làm ở Mỹ bị chuyển dịch ra nước ngoài. Ông đã biến việc theo đuổi và đạt được các thỏa thuận thương mại mới trở thành các chiến tích trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đây cũng là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Hiện cả Mỹ và Mexico đã thông qua Hiệp định USMCA. Canada được kỳ vọng cũng sẽ sớm ký kết. Sau đó, USMCA chính thức có hiệu lực.

5. Quan hệ Colombia, Venezuela vẫn căng thẳng

Ngày 30-1, Colombia đã từ chối lời đề nghị nối lại quan hệ ngoại giao với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Một ngày trước đó, ông Maduro đã đề nghị nối lại quan hệ lãnh sự giữa hai quốc gia láng giềng khi Colombia tìm cách dẫn độ cựu nữ nghị sĩ Aida Merlano về nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: PLO.

Cựu nữ nghị sĩ này đã bị chính phủ Colombia bắt giữ với cáo buộc mua phiếu bầu năm 2018. Tuy nhiên, bà này đã trốn thoát tới Venezuela. Tổng thống Maduro cho hay bà Merlano đã tường thuật lại toàn bộ các vấn đề tham nhũng trong chính trường Colombia và để ngỏ khả năng sẽ công bố chúng.

Hồi tháng 2-2019, Tổng thống Venezuela Maduro đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia sau khi người đồng cấp Ivan Duque giúp các phe đối lập Venezuela nhận viện trợ nhân đạo từ các nước cho nước này.

Cùng với một số quốc gia phương Tây, Colombia vẫn công nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là “lãnh đạo hợp pháp” của Venezuela.

6. Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran

Bộ Tài chính Mỹ ngày 30-1 đã công bố lệnh trừng phạt người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) - ông Ali Akbar Salehi và chính tổ chức này.

Theo đó, các tài khoản của ông Salehi và tổ chức AEOI ở Mỹ đều sẽ bị đóng băng. Ngoài ra, tất cả các giao dịch họ với bên thứ ba đều bị áp lệnh trừng phạt thứ cấp.

Ông Salehi (trái) báo cáo với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran ngày 9-4-2019. Ảnh: TTXVN.

Quyết định trừng phạt Iran của Mỹ như một phần của chiến dịch gây áp lực tối đa chống lại Tehran. Các lệnh trừng phạt được cho là sẽ cố gắng để làm thay đổi quyết định đưa ra bởi Iran.

Về phần mình, phát ngôn viên của tổ chức AEOI Beh Behz Kamalvandi cho rằng, những lệnh trừng phạt này không có giá trị và sẽ không có tác động gì đối với công việc hạt nhân dân sự của Iran.

Trước đó, ngày 5/1, Chính phủ Iran đã tuyên bố sẽ chấm dứt mọi cam kết theo Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Thiếu Tướng Qasem Soleimani bị Mỹ không kích sát hại bên ngoài sân bay quốc tế tại Baghdad (Iraq).

NGÂN ANH (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-tam-diem-virus-corona-608941