Thế giới tuần qua: Tín hiệu lạc quan

Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài; căng thẳng quan hệ Ấn Độ và Pakistan đang hạ nhiệt; Mỹ và Hàn Quốc sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

1. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sắp chấm dứt

Ngày 4-3, CNN đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau vào cuối tháng này để kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm qua giữa hai nước.

Hai bên đang “ở những giai đoạn cuối” đàm phán một thỏa thuận. Cả Mỹ và Trung Quốc đều tin tưởng rằng các cuộc đàm phán đã có nhiều bước tiến đủ để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đạt một thỏa thuận chính thức tại cuộc gặp có thể diễn ra vào ngày 27-3 tới.

 Hai bên hy vọng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương. Ảnh: news.com.au.

Hai bên hy vọng sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương. Ảnh: news.com.au.

Trước đó, với lý do Bắc Kinh và Washington đã đạt những tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hoãn việc tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có tổng trị giá hơn 200 tỷ USD vốn dự kiến được áp đặt vào ngày 1-3.

Tổng thống Donald Trump cho biết hai bên đang tiến rất gần tới một thỏa thuận và sẽ thực hiện một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida nhằm ký kết một thỏa thuận.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Trong cuộc gặp tại Argentina hồi tháng 11-2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

2. Anh kêu gọi EU phá vỡ bế tắc

Ngày 8-3, Thủ tướng Anh Theresa May hối thúc các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc đang ngăn Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tuần tới.

Bà May kêu gọi hai bên thực hiện các bước cần thiết để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh đối với thỏa thuận Brexit vào ngày 12-3 tới. Bà cảnh báo việc trì hoãn Brexit sẽ dẫn đến việc Anh rời khỏi EU không như mong đợi, EU có thể nêu thêm điều kiện và thậm chí là cuộc trưng cầu dân ý lần hai.

Ảnh minh họa. Nguồn: politico.eu.

Các nhà thương lượng của EU và Anh vẫn đang nỗ lực đàm phán kỹ thuật nhằm giúp thỏa thuận Brexit nhận được sự ủng hộ Quốc hội Anh. Phía EU đã nêu ra những ý tưởng nhằm tăng cường đảm bảo về thỏa thuận "rào chắn" giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi chính khiến thỏa thuận Brexit của bà May bị phản đối tại Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi giữa tháng 1 vừa qua.

Về mặt kỹ thuật thì các bên cần chốt một thỏa thuận vào cuối ngày 10-3 để kịp công bố ngày 11-3, một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh diễn ra. Nếu sau những nỗ lực kể trên, thỏa thuận Brexit mà chính phủ đệ trình vẫn không được thông qua, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu về các khả năng Brexit không thỏa thuận hay trì hoãn Brexit.

3. Căng thẳng Ấn Độ và Pakistan hạ nhiệt

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã xuất hiện tín hiệu hạ nhiệt sau nhiều ngày căng thẳng khi Islamabab thông báo đang nỗ lực xoa dịu tình hình và sẽ cử đại diện ngoại giao trở lại Ấn Độ.

Binh sĩ Pakistan đứng cạnh chiếc máy bay Ấn Độ bị bắn hạ ở khu vực Kashmir. Ảnh: telegraph.co.uk.

Sau khi bắn rơi một máy bay chiến đấu của Ấn Độ, Islamabab đã nhanh chóng trao trả phi công bị bắt giữ cho New Delhi. Pakistan cũng bắt đầu tiến hành chiến dịch trấn áp các nhóm phiến quân. Hai bên cũng nối lại hoạt động thương mại tại thị trấn biên giới Uri, thuộc khu vực tranh chấp Cashmir...

Những động thái hòa dịu nói trên được đánh giá là hướng đi đúng đắn và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh trong bối cảnh trước đó, căng thẳng Ấn Độ và Pakistan dâng cao sau khi hai bên thực hiện một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau.

Quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước kéo theo tình trạng bất ổn thường trực tại khu vực Nam Á. Bạo lực tại khu vực tranh chấp Kashmir tái diễn triền miên, ước tính đã khiến khoảng 70 nghìn người chết trong 30 năm qua.

4. Mỹ và Hàn Quốc sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn

Hàn Quốc và Mỹ sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên. Đây được xem là một đòn bẩy quan trọng cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều bởi Bình Nhưỡng lâu nay vẫn xem những cuộc tập trận như thế này là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có cuộc điện đàm ngày 2-3, trong đó thảo luận và nhất trí kế hoạch liên quan tới các cuộc tập trận Key Resolve (Giải pháp then chốt) và Foal Eagle (Đại bàng non).

Binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: dynamitenews.com.

Ngay sau thông báo trên, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) và Chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thống nhất hai nước sẽ tiến hành cuộc tập trận phối hợp mới mang tên Dong Maeng (Đồng minh) thay cho cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle.

Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Mỹ và Hàn Quốc đã cắt giảm quy mô hoặc tạm ngừng nhiều cuộc tập trận chung, các máy bay ném bom của Mỹ cũng không còn thấy xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc nữa.

Năm ngoái, Seoul và Washington cũng đã đình chỉ một loạt các cuộc tập trận chung lớn, trong đó có cuộc tập trận thường niên mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG).

5. Malaysia sẽ tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích MH370

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã cam kết sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm chiếc máy bay của hãng Hàng không Malaysia Airlines thực hiện chuyến bay mang số hiệu MH370 chở 239 hành khách và phi hành đoàn bị mất tích 5 năm trước.

Ảnh: themalaysiantimes.com.my.

"Chừng nào còn hy vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghĩ cách và phương pháp để biết được số phận chiếc máy bay… Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm… Mất máy bay là một chuyện, nhưng mất mạng người lại là chuyện khác”, CNN dẫn lời Thủ tướng Mahathir Mohamad.

Trước đó, ngày 3-3, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke tuyên bố Kuala Lumpur sẽ cân nhắc nối lại việc tìm kiếm nếu các công ty tham gia tìm kiếm đưa ra những đề xuất hợp lý và đáng tin cậy.

Hồi tháng 7-2018, một báo cáo chính thức dài gần 500 trang được công bố đã không đưa ra được câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân máy bay mất tích cũng như xác định ai là người chịu trách nhiệm về vụ việc.

6. Mỹ gia tăng sức ép với Iran

Mỹ hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt trở lại “các hạn chế của quốc tế mạnh hơn” đối với Iran, đồng thời cáo buộc Tehran đã tiến hành một vụ thử tên lửa và hai vụ phóng vệ tinh bất chấp các nghị quyết của LHQ.

Quyền đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen đã gửi thư lên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh các hoạt động của Iran đang gây mất ổn định khu vực Trung Đông và làm tăng nguy cơ chạy đua vũ trang.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: time.com.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Iran không e ngại đàm phán với Mỹ, nhưng trước hết Mỹ phải tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông yêu cầu Washington tuân thủ điều khoản và đền bù những thiệt hại do rút khỏi thỏa thuận trước khi có kế hoạch đàm phán song phương.

Tại Vienna, Áo, sau cuộc họp với đại diện của những nước còn lại trong JCPOA, Thứ trưởng Ngoại giao I-ran Seyyed Abbas Araghchi khẳng định, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức đã thừa nhận JCPOA chỉ có thể được cứu vãn nếu Iran có thể được hưởng lợi từ nó, đồng thời cam kết giữ thỏa thuận này có hiệu lực. Đại diện các nước đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Iran.

KHÁNH NGÂN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-tin-hieu-lac-quan-568213