Thế giới tuần qua: Tương mai mờ mịt

Nhiều nỗ lực nhằm cứu vãn tình thế đã được các bên thực hiện nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Sự mất kiên nhẫn của các bên đang khiến tranh chấp, đối đầu ngày càng bị đẩy lên cao. Thế giới lại một lần nữa thấy được giá trị của hòa bình và ổn định

1. Thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ, Tehran ra tối hậu thư về việc thực thi thỏa thuận

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 có nguy cơ đổ vỡ khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 8-5 đã tuyên bố, sau 60 ngày, nước này sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ông Rouhani cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

 Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rohani. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Iran Rohani. Ảnh: CNN

Đây được coi là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng.

Đề cập đến khả năng thương lượng, Tổng thống Rouhani cho rằng Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ, nhưng trước hết Mỹ phải thể hiện sự "hối hận" về những hành động của họ, cũng như phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Hàng nghìn người ở thủ đô Tehran của Iran đã xuống đường tuần hành để bày tỏ ủng hộ quyết định mới đây của chính phủ.

Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục tỏ ra cứng rắn. Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với hai ngành mỏ và kim loại, nguồn thu lớn nhất của Iran sau dầu mỏ. Nhà Trắng cảnh báo Tehran sẽ phải “hứng chịu nhiều hành động hơn nữa” trừ khi thay đổi hành vi của mình. Ngày 9-5, Không quân Mỹ đăng tải hình ảnh cho thấy các máy bay ném bom B-52, được triển khai đến Vịnh Persian để đối phó "mối đe dọa không xác định từ Iran", đã tới căn cứ không quân của Mỹ ở Qatar.

Theo Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tháng 5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Liên minh châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận song chưa mang lại hiệu quả gì đáng kể và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn.

2. Bạo lực tái bùng phát dữ dội ở dải Gaza

Xung đột tại dải Gaza lại leo thang khi ngày 4-5 hàng loạt rocket từ Dải Gaza bắn vào một số khu vực ở miền Nam Israel, sau khi 4 người Palestine tại Gaza, gồm 2 người biểu tình và 2 tay súng, thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với phía Israel.

Một quả rocket phụt khói lao đi từ dải Gaza (Palestine) hướng về lãnh thổ Israel. Ảnh: Reuters

Phía Israel đã có hành động đáp trả. Theo thông báo của phía Israel, khoảng 450 quả rocket hoặc đạn cối từ Dải Gaza đã bắn sang lãnh thổ Israel từ ngày 4-5 và lực lượng phòng không của Israel đã đánh chặn hơn 1/3 trong số đó. Xe tăng và các máy bay chiến đấu của Israel đã bắn trúng khoảng 200 mục tiêu thuộc phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza và nhóm Hồi giáo Jihad tại vùng lãnh thổ này.

Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin y tế tại Gaza cho biết ít nhất 12 người Palestine đã thiệt mạng và gần 50 người bị thương do các cuộc không kích của Israel từ tối 4-5. Trong khi đó, phía Israel cho biết các vụ nã rocket từ phía Palestine đã làm 3 người Israel thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Mặc dù ngày 6-5, phía Palestine thông báo các bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, song nguy cơ xung đột bùng phát luôn hiện hữu tại điểm nóng Gaza khi mâu thuẫn giữa các bên không được tháo gỡ, tiếp tục đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt chưa có đường thoát.

3. Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bị "dội gáo nước lạnh"

Cuộc đàm phán về tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang tiến hành tại Washington đã bị “dội gáo nước lạnh”, khi ngày 10-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông "hoàn toàn không vội" để hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cũng thông báo chính thức tăng mức thuế mới từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa của nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Post

Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã kết thúc mà chưa có thông tin gì được tiết lộ và liệu các cuộc đàm phán có tiếp tục được tiến hành trong ngày nữa hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra trên tinh thần xây dựng

Trước khi diễn ra vòng đàm phán lần thứ 11 này, Washington cáo buộc Trung Quốc quay lưng với những cam kết cốt lõi trong thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn bác bỏ điều này, đồng thời thể hiện mong muốn hai bên sẽ giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại, thay vì Mỹ có những bước đi đơn phương.

Trả lời báo giới khi tới Washington DC, ông Lưu Hạc khẳng định Trung Quốc tin rằng tăng mức thuế quan không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề và điều này sẽ có hại không chỉ đối với Trung Quốc, Mỹ mà với toàn thế giới. Ông cho rằng đoàn Trung Quốc tới Mỹ lần này thể hiện sự chân thành và mong muốn giải quyết các khác biệt giữa hai bên một cách chân thành, tin cậy và hợp lý.

Những điểm khúc mắc chính trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn bao gồm mở cửa thị trường Trung Quốc, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, tấn công mạng, trợ cấp, thao túng tiền tệ, cơ chế thực thi thỏa thuận và thuế quan.

4. Tưng bừng kỷ niệm chiến thắng phát xít tại các nước và vùng lãnh thổ Liên Xô cũ

Ngày 9-5, 74 năm sau ngày chủ nghĩa phát xít bị Hồng quân Liên Xô và các nước đồng minh đánh bại hoàn toàn, chấm dứt 4 năm Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, lễ kỷ niệm chiến thắng lịch sử này được tổ chức trang trọng tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ.

Đông đảo người dân Moscow tham gia tuần hành “Trung đoàn bất tử”. Ảnh: qdnd.vn

Tại Liên bang Nga, lễ diễu binh diễn ra tại tất cả các thành phố mang danh hiệu Thành phố anh hùng, cũng như tại các thành phố có cơ quan chỉ huy quân đội LB Nga đồn trú. Tham gia Lễ duyệt binh năm nay trên Quảng trường Đỏ có hơn 13.000 quân nhân, 132 đơn vị xe máy quân sự các loại, 74 máy bay và trực thăng trước sự chứng kiến của các cựu chiến binh, lãnh đạo nhà nước, các vị khách quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Lễ Duyệt binh và phát biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới những người đã bảo vệ Tổ quốc và đánh thắng chủ nghĩa quốc xã. Ông Putin đã khẳng định giá trị của Chiến thắng ngày 9-5, đồng thời chỉ ra rằng, nghĩa vụ của mỗi con người trung thực là bảo vệ các anh hùng đích thực, cho dù họ đang sống tại đất nước nào, song chiến công của họ sẽ luôn được nhân dân Nga kính trọng và tôn vinh.

Hoạt động kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít cũng diễn ra long trọng tại Belarus, Ukraine, Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Moldova … Như mọi năm, cuộc tuần hành theo phong trào “Trung đoàn Bất tử” đã diễn ra tại các nước Liên Xô cũ, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bao trùm lên hơn 60 nước trên thế giới, song Liên Xô chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Có khoảng 27 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong những năm Chiến tranh Vệ quốc và Chiến tranh thế giới thứ hai.

5. Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu

Ngày 6-5, theo chu kỳ Mặt Trăng, khoảng 1,7 tỷ tín đồ Hồi giáo tại khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu Tháng lễ Ramadan truyền thống.

Các tín đồ Hồi giáo Indonesia cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở thủ đô Jakarta. Nguồn: THX

Trong tháng Ramadan, từ 4 giờ sáng (trước khi mặt trời mọc) đến 6 giờ tối (giờ mặt trời lặn), các tín đồ Hồi giáo (trừ một số người có lý do chính đáng, chủ yếu liên quan đến sức khỏe, tuổi tác) sẽ không được phép ăn, uống, hút thuốc và quan hệ tình dục để làm "sạch" suy nghĩ của bản thân và bày tỏ lòng sùng kính đối với thánh thần. Việc ăn chay không áp dụng đối với trẻ em, người già, người ốm yếu, phụ nữ đang mang thai, y tá hay người hành hương.

Hầu hết tại các nước có đông tín đồ Hồi giáo vào tháng lễ Ramadan, các cửa hiệu và khách sạn sẽ hạn chế việc bán đồ uống có cồn, thông thường các nhà hàng sẽ đóng cửa vào ban ngày.

Tháng lễ ăn chay Ramadan bắt đầu với bữa ăn trước khi Mặt Trời mọc, gọi là "Suhoor" để chuẩn bị cho việc nhịn ăn trong suốt ban ngày sau đó. Một bữa ăn Suhoor" thông thường bao gồm bánh mỳ, rau, hoa quả, sữa chua lên men, trà, cũng như đậu lăng và đỗ. Vào lúc Mặt Trời lặn, đánh dấu kết thúc thời gian ban ngày, các gia đình và bạn bè tụ tập ăn bữa tối, được gọi là "iftar".

THANH SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/the-gioi-tuan-qua-tuong-mai-mo-mit-573821