Thế hệ học trò xưa xúc động nhìn lại những trang SGK cũ

Sau khi Bộ GD-ĐT chuyển sang dùng bộ SGK tiểu học mới, hình ảnh về những cuốn sách cũ có lẽ chỉ còn lại trong ký ức của những thế hệ 8x, 9x đời đầu.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh về những bài học trong các cuốn sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt tiểu học cũ.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết cùng hình ảnh đã nhận được hơn 47.000 lượt thích, 66.000 lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận.

Hình ảnh minh họa trong SGK cũ.

Hình ảnh minh họa trong SGK cũ.

Hình ảnh minh họa trong bài "Hòn đá to" của tác giả Hồ Chí Minh trong SGK Tiếng Việt cũ lớp 2, tập 2, NXB Giáo dục.

Đã gần 16 năm kể từ khi Bộ GD-ĐT chuyển sang dùng bộ SGK tiểu học mới, những cuốn sách cũ dần vắng bóng trong những nhà sách, thi thoảng còn gặp lại trong những tiệm sách cũ, thậm chí trở thành món đồ đồng nát. Thế nhưng, khi hình ảnh về những cuốn sách cũ nhuốm màu thời gian được lan truyền trên mạng, cả một tuổi thơ “vang bóng một thời” của biết bao thế hệ học trò bỗng ùa về, chân thực và nguyên sơ.

“Trường em ngói mới đỏ hồng

Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh

Gió về đồng lúa reo quanh

Vẫy chào những bước chân nhanh tới trường”.

Đọc lại bài thơ, độc giả Trần Nghĩa chia sẻ: “Nhìn mà nhớ ngôi trường cấp 1 mái ngói, nhỏ, những ngày mưa vẫn dột, nhưng để lại trong tôi biết bao kỷ niệm, những bài học và cả những cảm xúc không thể nào quên. Giờ trở lại, ngôi trường xưa đã được xây mới khang trang 3 tầng, hiện đại, nhưng sao vẫn muốn tìm lại một góc tuổi thơ. Tuổi thơ luôn là quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi người”.

Hình ảnh minh họa trong bài thơ "Làm anh".

Hình ảnh trong bài văn xuôi “Quyển Sách mới” “Hôm nay cô giáo phát cho Quỳnh một quyển sách mới: sách tập đọc chứ không phải sách học văn.

Ra khỏi lớp, Quỳnh chạy một mạch về nhà. Quỳnh khoe với bà, với chị rồi giở sách ra xem. Ồ sách mới tinh, mùi giấy thơm phức, nhiều tranh vẽ đẹp. Quỳnh cất tiếng đọc vang khắp nhà”

Đọc lại đoạn văn, cùng bức tranh minh họa tái hiện cảnh gia đình nông thôn, chị ngồi dần gạo bên cót thóc, hàng cây, hình ảnh bà hiền từ thân thuộc, độc giả Hường Nguyễn hoài niệm: “Hồi ấy làm gì có sách mới, toàn sách cũ, mà ai cũng quý. Mỗi lần có sách mới, về nhà bà hay mẹ lại dùng vải nhựa, giấy bao xi măng để bọc lại cho bền đẹp”.

Độc giả Nguyễn Hiền tâm sự: “Nhớ thời xưa, nhà có 4 chị em, cứ người học trước thì được mua sách mới, rồi bọc giấy báo, giấy lịch cho cẩn thận, học xong để lại cho em học. Trên cuốn sách, đôi khi còn thấy cả những dòng tin nhắn viết nhỏ dưới góc sách học sinh truyền cho nhau trong giờ học”.

Bao năm trôi qua, những thế hệ cuối cùng sinh năm 1995 còn dùng những cuốn SGK cũ nay cũng đã bắt đầu đi làm, bươn chải cuộc sống, hoặc còn đang học năm cuối đại học. Thời gian trôi qua, ai rồi cũng sẽ lớn, những bộn bề cuộc sống, khiến cái tôi trẻ con, hồn nhiên trong mỗi người bị giấu kín để lo nghĩ về những cơm áo, gạo tiền. Nhưng rồi, khi những hình ảnh xưa xuất hiện, những thứ rất đơn giản và bình dị của một thời để nhớ lại chợt ùa về trong chốc lát, khiến ta như trẻ lại, được trở về những năm tháng ấu thơ êm đềm.

Với độc giả Hà Thảo, hình ảnh về người thầy năm xưa lại hiện hữu: “Mình vẫn nhớ cô giáo Hòa năm lớp 1. Đã gần 20 năm, không được gặp lại cô, vì cô chuyển trường đi nơi khác. Những gì còn nhớ về cô là dáng cô hao gầy, hay đi chiếc xe đạp mini màu đỏ. Trông cô hơi nghiêm khắc nhưng lại rất hiền. Ngày nhỏ, mình gầy nhom, lại hay ốm, bố mẹ đi làm, tới tối mới về, cũng không có điện thoại để gọi như bây giờ. Có lần, bị sốt, cô phải nhờ cô giáo khác trông lớp giúp rồi bế mình sang trạm xá ngay cạnh trường học. Năm ấy nóng, cái nắng hè oi ả, cô ngồi quạt cho mình, thi thoảng tay lại lau vội giọt mồ hôi trên trán. Đến trưa cô cũng chỉ mua cho học sinh bát cháo, còn cô thì nhịn. Những hình ảnh ấy vẫn mãi theo mình những năm tháng sau này”.

Nhưng rồi, khi so sánh với nền giáo dục hiện tại, bạn đọc Hà Thảo lại bùi ngùi: “Đấy là cô giáo của mình thời xưa. Xưa đi học, đến trường thấy vui lắm, bài học cứ thế đi tuột vào đầu, không gượng ép, không áp lực. Giờ nhìn con mình đi học mà thấy tội, đủ thứ bài vở. Vẫn có những thầy cô giáo tâm huyết với nghề, vẫn có phụ huynh kính trọng thầy. Thế nhưng ngày càng nhiều những vụ giáo viên đánh học sinh, phụ huynh, học sinh đánh giáo viên theo kiểu trả ăn miếng trả miếng mà thấy buồn”.

Độc giả Nguyễn Quỳnh Phương chia sẻ: “Sao ngày xưa những câu hỏi dưới mỗi bài đều thấy dễ hiểu, hỏi thẳng vào vấn đề, còn như hiện giờ, mỗi tối phải hướng dẫn con học lớp 4 môn tiếng Việt tôi đều thấy nhọc vô cùng. Câu hỏi cứ thấy lắt léo!”.

Anh Dương Quốc Khánh cho rằng: “Xưa kia, SGK thực sự quý biết mấy, học trò ai cũng ước mơ lớn lên làm thầy giáo, cô giáo, nền giáo dục thời ấy rất chú trọng đến học lễ rồi mới học văn”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng sách giáo khoa cũ có nội dung gần gũi với cuộc sống, đơn giản nhưng dễ học, hướng đến các giá trị nhân văn./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/the-he-hoc-tro-xua-xuc-dong-nhin-lai-nhung-trang-sgk-cu-746141.vov