'Thế hệ Jangmadang' & cuộc cải cách kinh tế của Triều Tiên

'Jangmadang' là cách người Triều Tiên gọi về những khu chợ đen, mọc lên rất đông đảo ở nước này những năm vừa qua.

Trong thông điệp phát đi hồi cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố về việc nước này sẽ dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, một nội dung được giới phân tích quốc tế chú ý không kém là mục tiêu cải cách kinh tế.

Triều Tiên đang manh nha những động lực phát triển kinh tế mới

Cụ thể, ông Kim Jong-un nhấn mạnh con đường chiến lược mới của đảng Lao động Triều Tiên là “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” chủ nghĩa vững mạnh.

Yêu cầu sống còn

AFP cho biết cụm từ trên đã được nhắc tới 56 lần trong bản tin của hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) trong bản tinh về bài phát biểu của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, báo này nhận xét đây sẽ con đường dài đối với Triều Tiên, nước đang bị bao vây cấm vận nặng nề.

Trên thực tế, miền bắc bán đảo Triều Tiên từng có lúc giàu mạnh hơn phía nam sau giai đoạn đầu của cuộc chiến 50-53. Đó là nhờ các chính sách thuộc địa của Nhật Bản đối với Triều Tiên, vốn giàu các nguồn tài nguyên khai khoáng, điện năng. Nhưng mọi chuyện thay đổi chóng vánh sau đó do quá trình quản lý yếu kém của miền bắc với một nền kinh tế bao cấp. Tình hình càng tệ hơn khi Triều Tiên mất đi sự hỗ trợ của nước Nga Xô-viết.

Theo báo cáo mới nhất thì tại thời điểm năm 2016, thu nhập trung bình của người dân Triều Tiên chỉ còn bằng 1/20 so với các đồng bào miền nam. Mọi thứ có phần cải thiện hơn trong thời gian gần đây do việc chính quyền ông Kim Jong-un cho phép tư nhân đóng vai trò lớn hơn đối với nền kinh tế, nhưng vẫn chưa đủ. Đặc biệt hiện nay, Bình Nhưỡng đang phải chịu lệnh cấm vận rất hà khắc từ Liên Hợp Quốc do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Theo AFP, ông Kim Jong-un có thể đã có một ví dụ tốt đối với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của người láng giềng Trung Quốc. Mô hình này vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa không đe dọa tới quyền lực của đảng cầm quyền. Đặng Tiểu Bình là người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Trung Quốc, hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với cuộc “Mở cửa và cải cách” những năm 1980.

Công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-công nghệ…có thể là những lĩnh vực Triều Tiên sẽ tập trung phát triển mạnh. Trong chuyến công du Trung Quốc vừa qua, ông Kim Jong-un đã thăm một triển lãm công nghệ ở Bắc Kinh. Kết quả của nó là một chỉ đạo của ông Kim đối với đảng Lao động, về việc cần thúc đẩy giáo dục, khoa học để xây dựng một nền công nghệ mạnh mẽ.

“Thế hệ Jangmadang”

“Jangmadang” là cách người Triều Tiên gọi về những khu chợ đen, mọc lên rất đông đảo ở nước này những năm vừa qua. Tại đây, người Triều Tiên có thể trao đổi, mua bán mọi thứ cần theo nhu cầu. Hệ thống phân phối nhà nước đã không đáp ứng được đòi hỏi về cuộc sống của người Triều Tiên, và Jangmadang bù đắp cho những phần thiếu hụt.

Tổ chức Tự do Triều Tiên (LiNK) có trụ sở ở Mỹ đã làm một bộ phim tài liệu “Thế hệ Jangmadang” để nói về những người trẻ thuộc độ tuổi 9x ở Triều Tiên, với khát khao kiếm tiền, thay đổi cuộc sống. Sự ra đời của Jangmadang cho thấy nhu cầu nội tại của Triều Tiên buộc nước này phải hướng tới những cải cách về kinh tế, trong bối cảnh hệ thống quản lý kinh tế cũ tạo ra nhiều mảng tối cho tiêu cực.

Theo chuyên gia Andrei Lankov thuộc Tổ chức Rủi ro Triều Tiên (KRG), không như cha và ông mình, ông Kim Jong-un là người ủng hộ phát triển kinh tế. Ông Kim “không có cảm xúc hay ý thức hệ tư tưởng gắn chặt với mô hình xã hội cũ”, theo chuyên gia Lankov. Tuy nhiên, cuộc cải cách của Triều Tiên có thể mở tới đâu là một vấn đề khác. Không như Trung Quốc, thế hệ lãnh đạo đi sau có thể hướng tới những bước thay đổi mới, ông Kim Jong-un không thể “phủ nhận” cha và ông mình bởi điều đó không khác sự thừa nhận, họ “đã sai”.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/the-he-jangmadang-cuoc-cai-cach-kinh-te-cua-trieu-tien-post217236.html