Thế hệ Lockdown ở châu Á

Phải đánh đổi cơ hội học tập và việc làm, chịu cú sốc tâm lý nặng nề là điểm chung của 'thế hệ Lockdown' - những người trẻ trưởng thành trong Covid-19.

Trước khi nhập học tại một trường cao đẳng mỹ thuật ở Tokyo (Nhật Bản), Maki (tên do nhân vật yêu cầu) - một nữ sinh 18 tuổi - đã mơ về quãng đời sinh viên với nhiều trải nghiệm lý thú. Tiếc thay, đại dịch Covid-19 buộc cô phải ở nhà suốt nhiều tháng, ngày ngày đối mặt với máy tính để học online.

Ngay cả khi nhiều doanh nghiệp, trường tiểu học và trung học đã hoạt động trở lại, hầu hết cơ sở giáo dục bậc cao, bao gồm trường cao đẳng của Maki, vẫn đóng cửa để "đề phòng dịch bệnh lây lan".

"Tất nhiên, sinh viên chúng tôi cảm thấy như bị bỏ lại phía sau trong tình huống này", nữ sinh nói.

 "Bóng ma" Covid-19 vẫn còn ám ảnh các giảng đường đại học ở Nhật Bản. Ảnh: Takaki Kashiwabara.

"Bóng ma" Covid-19 vẫn còn ám ảnh các giảng đường đại học ở Nhật Bản. Ảnh: Takaki Kashiwabara.

Để bày tỏ nỗi niềm của mình, Maki đã biến trải nghiệm cách ly xã hội thành truyện tranh, đăng tải lên Twitter cá nhân và thu hút 417.000 lượt thích từ cộng đồng mạng.

Các bài đăng của cô đề cập đến những bất cập khi học trực tuyến, cảm giác chán nản khi chưa được trở lại trường dù dịch bệnh đã tạm lắng xuống và nỗi lo khi không được giảm học phí dù "lên lớp" online.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, tính đến ngày 1/7, 24% trong số 1.021 trường đại học ở nước này đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Điều này khiến hơn 100.000 sinh viên rơi vào cảnh ngộ như Maki - phải khóa mình trong nhà, "mất kết nối" với thế giới bên ngoài.

Không chỉ tước đi trải nghiệm học tập trong môi trường học đường của người trẻ, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tăng gánh nặng tài chính và giảm cơ hội tìm kiếm việc làm của họ.

Phải đánh đổi cơ hội học tập và việc làm, chịu cú sốc tâm lý nặng nề... đã trở thành đặc điểm chung của "thế hệ Lockdown" - những người trẻ trưởng thành với nỗi ám ảnh mang tên Covid-19.

"Thế hệ Lockdown"

Sau khi hoàn thành khóa học về sân khấu ở Anh, Muslihah Mujtaba trở về quê hương Singapore và mau chóng được nhận vào một công ty nghệ thuật. Đầu tháng 2, cô quyết định trở thành một freelancer để tìm kiếm cơ hội giảng dạy trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, kế hoạch của Mujtaba buộc phải tạm dừng khi hầu hết rạp hát đóng cửa, hàng loạt buổi diễn bị hủy bỏ vì ảnh hưởng của Covid-19.

Không thể tiếp tục đam mê, cô gái trẻ chuyển sang làm nhân viên giao đồ ăn trước khi tìm được công việc phù hợp hơn - quay chụp và chỉnh sửa các video biểu diễn của trường học.

"Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Tôi vừa mới ra trường, ấp ủ biết bao hoài bão nhưng tất cả đều không diễn ra như mong đợi", cô chia sẻ.

Thị trường việc làm hạn hẹp sau đại dịch khiến hành trình tìm việc ngày càng trở nên khó khăn hơn cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kai Fujii.

Muslihah Mujtaba không phải trường hợp duy nhất. Thực tế, đại dịch đã "giáng đòn đau" lên thị trường việc làm toàn cầu, khiến hàng triệu người trẻ phải gác lại dự định của mình.

Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho biết chỉ trong tháng 4, khoảng 27 triệu lao động trẻ ở nước này bị mất việc. Còn tại Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp của lứa 15-24 tuổi đạt 5,1%, mức cao nhất trong cơ cấu lao động.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thế hệ trẻ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

"Người trẻ phải trải qua nhiều cú sốc liên tiếp như gián đoạn học tập, cơ hội việc làm hạn chế và thu nhập ít ỏi", ILO cho hay. "Những trải nghiệm ấy có thể ám ảnh suốt đời, trở thành đặc điểm chung của cả một thế hệ".

Hiện nay, mỗi sinh viên năm cuối ở Nhật Bản có khoảng 1,5 cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, tập đoàn. Tuy nhiên với những ngành nghề khác, tình huống có thể khó khăn hơn.

"Hàng không, du lịch và khách sạn - những ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch - dự kiến sẽ tạm dừng hoặc hủy bỏ kế hoạch tuyển dụng trong một thời gian", Zen Masumoto - giám đốc Viện nghiên cứu tại công ty phát triển nhân lực Recruit Career - nói.

Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản phỏng vấn trực tuyến các ứng viên trẻ tuổi. Ảnh: Kento Awashima.

Khi mọi giao tiếp trực tiếp bị hạn chế, cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm trong mùa dịch của người trẻ phụ thuộc phần lớn vào điều kiện và khả năng ứng dụng công nghệ.

Kết quả điều tra của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế và công ty viễn thông Singapore SEA tại 6 nước Đông Nam Á cho thấy những sinh viên sống ở vùng ngoại ô "nhiều khả năng phải đối mặt với những thách thức từ việc học tập, làm việc từ xa trong mùa dịch".

Tuy nhiên, sống dựa vào công nghệ lại kéo theo một hệ lụy khác - mất dần khả năng kết nối và xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thực.

Khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua cho thấy số liệu đáng quan ngại: khoảng 14% sinh viên xứ hoa anh đào "cảm thấy chán nản và buồn bã hầu như mỗi ngày".

Nhận thấy xu hướng tâm lý bất ổn của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, nhiều trường đại học đã thiết lập các trang web, phòng tư vấn, thậm chí là lớp học nhằm hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch.

Một thế hệ "khác biệt" với truyền thống

Không chịu ngồi yên trước "sức ép" của đại dịch, nhiều người trẻ đã tận dụng thời gian cách ly xã hội và công nghệ hiện đại để tìm kiếm hướng đi mới, tiếp cận với nhiều cơ hội hấp dẫn.

Shiira Imada, một sinh viên hệ đào tạo sau đại học, đã xin bảo lưu tại ĐH Miyazaki vào năm ngoái để theo học ngành Kỹ thuật không gian tại Mỹ.

Khi kế hoạch học tập bị rút ngắn vì Covid-19, anh trở về Nhật và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học vũ trụ bằng cách tham gia khóa học online của ĐH Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

"Khóa học rất tuyệt vời. Tôi được giảng dạy bởi một cựu phi hành gia của NASA. Điều này rất có ích cho dự định tương lai của tôi", chàng trai chia sẻ.

Chỉ với chiếc máy tính kết nối Internet, người trẻ có khả năng tiếp cận nhiều cơ hội học tập và việc làm hấp dẫn ngay cả trong mùa dịch. Ảnh: Tirachard Kumtanon.

Thang Leng Leng, nhà nhân loại học tại ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng tìm kiếm việc làm "tay trái" trên Internet của giới trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

"Họ coi đây là một phương án dự phòng trong trường hợp công việc chính bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh", cô giải thích.

Hiroto Tsuda, nhà nghiên cứu đối tượng khách hàng trẻ tại công ty quảng cáo Hakuhodo, cho rằng Internet có khả năng đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho mỗi cá nhân bằng nhiều cách thức khác nhau.

“Nhiều người đang cân nhắc trở thành YouTuber hoặc tự xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng”, anh nói.

Những tác động của đại dịch Covid-19 lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội đã tạo nên một thế hệ trẻ hoàn toàn khác biệt.

"Tôi nghĩ với nhiều nước châu Á, thanh thiếu niên vốn được dạy phải chăm học, đạt điểm cao và có công việc ổn định. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã thôi thúc tính sáng tạo, thậm chí là mạo hiểm ở người trẻ", Ng Chia Wee - sinh viên năm ba tại ĐH Quốc gia Singapore - bày tỏ.

Song, để "thế hệ Lockdown" có thể vượt qua những thách thức trong hiện tại và tương lai, các cơ sở giáo dục bậc cao cần thay đổi phương pháp giảng dạy để rèn luyện kỹ năng thích ứng cho sinh viên, Thang Leng Leng bày tỏ.

Còn theo Walter Theseira, nhà kinh tế học tại ĐH Khoa học Xã hội Singapore, các tác động của đại dịch lên thị trường việc làm có thể được giải quyết bằng chính sách tuyển dụng chọn lọc và cơ hội thực tập rộng mở. Nhờ đó, người trẻ sẽ có nhiều cơ hội cọ xát, thích ứng với hoàn cảnh.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-lockdown-o-chau-a-post1128072.html