'Thế hệ phê bình F' đông mà không mạnh

Trong nhiều ý kiến nhìn nhận đời sống phê bình văn học những năm gần đây, có người cho rằng, đã hình thành một thế hệ nhà phê bình mới, tuổi đời trên dưới 40.

Lấy chữ F của mạng xã hội Facebook để định danh cho thế hệ phê bình trẻ ra đời trong thời đại bùng nổ truyền thông và mạng xã hội, thế giới ngày càng "phẳng", đất nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nếu chỉ nhìn vào số lượng, đúng là chưa bao giờ lại có nhiều cây bút phê bình văn học trải đều khắp đất nước như hiện nay. Những cái tên khá nổi có thể kể ra, như: Phùng Gia Thế, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Mạnh Tiến, Hoàng Đăng Khoa, Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Tuấn Anh, Trần Thiện Khanh, Mai Anh Tuấn, Đoàn Minh Tâm, Huỳnh Thu Hậu, Đặng Thái Hà, Lê Thị Dương… Đáng mừng là lực lượng phê bình văn học thường xuyên được bổ sung, nối tiếp tre chưa già măng đã mọc chứ không trống vắng, đìu hiu như ở các lĩnh vực nghệ thuật khác. Văn học có lợi thế lớn khi các cơ sở đào tạo chuyên sâu ở các trường đại học, viện nghiên cứu vẫn có nhiều người “dùi mài kinh sử”, môi trường sinh hoạt rộng mở với nhiều dự án nghiên cứu, nhiều cơ quan báo chí-xuất bản và nay được mở ra với không gian trên internet.

Nhiều cây bút kể trên đã xuất bản được nhiều sách, công trình nghiên cứu khi tuổi đời còn rất trẻ chưa đến 30 tuổi. Những tác phẩm này không chỉ bám sát đời sống văn học mà còn đưa ra nhiều nhận định, dự báo xu thế đúng đắn, kịp thời. Một số công trình nghiên cứu các lý thuyết văn học nước ngoài, sau đó ứng dụng nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, góp phần lý giải các hiện tượng tác giả, tác phẩm một cách sâu sắc, mới mẻ, thuyết phục, hấp dẫn.

Đáng tiếc là "thế hệ phê bình F" đông nhưng chất lượng chưa xứng tầm, na ná giống như hiện trạng sáng tác hiện nay. Phê bình không dành cho những “tay mơ”, phải là người có hiểu biết về văn học mới thử bút. Cho nên, bài phê bình chất lượng thấp rất ít nhưng tác phẩm xuất sắc, được bạn đọc chú ý cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đánh giá một bài phê bình có giá trị cần trở về bản chất của phê bình văn học là một bộ môn cấu thành khoa học văn học. Một tác phẩm phê bình giá trị phải hướng đến nhiệm vụ phân tích, nhận định tác phẩm dựa theo các tiêu chí, bộ công cụ khoa học để kiến giải tác phẩm theo nhiều chiều; đồng thời, trình bày lại quá trình tìm hiểu, phân tích, tương tác với tác phẩm một cách nghệ thuật nhất.

"Thế hệ phê bình F" hiện nay đang “sản xuất” vô số bài viết lờ nhờ, vô thưởng vô phạt, cốt chỉ để khen chê, chứ không giúp bạn đọc tìm hiểu thêm chiều kích thú vị, mới mẻ của các tác phẩm. Một số công trình giới thiệu nhiều lý thuyết mới nhưng không đến đầu đến đũa và khả năng vận dụng lý thuyết nước ngoài để tìm ra ý nghĩa mới cho tác phẩm Việt Nam rất hạn chế. Đa phần là cưỡng ép tác phẩm vào cho đúng khung lý thuyết không khác nào “gọt chân cho vừa giày”.

Từ những hạn chế đó mà có người cho rằng, không nên dùng chữ “thế hệ” để chỉ đội ngũ phê bình trẻ hiện nay. Khái niệm “thế hệ” có ý nghĩa lớn, xuất hiện một thế hệ mới nghĩa là lịch sử phê bình văn học sẽ được mở ra thời kỳ mới. Thôi thì chuyện câu chữ sẽ còn bàn cãi mà thực ra không quan trọng bằng chất lượng tác phẩm vì cũng như nhà văn, nhà phê bình tồn tại bằng tác phẩm của mình. Nếu so với các đội ngũ ít ỏi các nhà phê bình văn học thời kỳ trước, rõ ràng chất lượng của "thế hệ phê bình F" hiện nay chưa thể sánh bằng. Phê bình cần có thời gian tích lũy kiến thức, trải nghiệm đời sống, suy nghĩ sâu sắc, kiên trì hướng nghiên cứu mới mong có tác phẩm để đời. Do vậy, các cơ quan chức năng đương nhiên cần tiếp tục chăm lo, quan tâm đến đội ngũ phê bình văn học trẻ hiện nay để họ tiếp tục trưởng thành, tiếp tục có những tác phẩm mới, giá trị hơn, thực sự đưa phê bình văn học bước sang trang mới.

MỘC LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/the-he-phe-binh-f-dong-ma-khong-manh-605129