Thế hệ 'siêu phụ huynh'

Thế giới thêm một lần ngả mũ trước phụ huynh Việt. Theo dữ liệu của Quỹ giáo dục Varkey (Varkey Foundation, trụ sở tại London, Anh) mới công bố trên tạp chí The Economist, trung bình mỗi tuần, một phụ huynh Việt Nam dành thời gian đến 10 tiếng đồng hồ để cùng con làm bài tập. Trong số 29 quốc gia được khảo sát, phụ huynh Việt Nam có thể ngẩng cao đầu hãnh diện, khi đứng thứ hai thế giới về độ quan tâm đến con cái. Những quốc gia 'hạng bét' trong số này phải kể đến Nhật Bản, Phần Lan.

Phụ huynh vật vã từ đêm xếp hàng xin học cho con.

Dẫu vậy, con số khô khan ấy chỉ nói lên một phần rất nhỏ năng lực, sự quan tâm của phụ huynh Việt với con, nhất là ở khu vực thành thị. Hầu như ông bố, bà mẹ Việt ở thành thị nào cũng có khả năng giành giải quán quân về tốc độ chuẩn bị cho công việc buổi sáng, gồm vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc đồ, trang điểm (nếu là phụ nữ), chuẩn bị đồ đạc… Tốc độ mọi việc luôn được đẩy cao tối đa, vì phần lớn các bậc phụ huynh còn nhiệm vụ đưa trẻ đến trường. Giữa “muôn trùng vây” của nạn tắc đường, phải luồn, phải lách, phải rồ ga sao cho đúng chỗ, đúng lúc để đưa con kịp giờ học. Khi cái cặp của bọn trẻ lọt vào khuôn viên trường là lại ngấu nghiến thốc ga đến công sở.

Trong giờ làm, một nỗi lo khác len lén xuất hiện mỗi khi nghĩ về con cái: Tối nay ăn gì? Vừa làm việc, không mấy phụ huynh sao nhãng việc lên mạng “săn” thực phẩm an toàn. Khi thì tìm ở những trang trại “xanh”, khi thì tìm hải sản, thịt lợn “quê”, hay ở những mối mà người ta mách nhau “có thể tin được”. Có người mua, tất có kẻ bán. Không ít phụ huynh vừa làm công việc cơ quan mà vẫn là chủ cửa hàng online có hạng! Cũng chuyện miếng ăn, mà chủ yếu là cho con cái, có người đầu tư cả chục triệu đồng, biến nóc nhà thành vườn.

Những vị phụ huynh có con học mầm non lại thêm một nhiệm vụ khác: Vào xem camera lớp học con mình. Tuy nói là xem con có ngoan không, nhưng thực ra mục đích chính là giám sát liệu con mình có “ăn bàn vả”, hay “chiếc dép bay” của cô giáo hay không. Phụ huynh ở bậc học cao nhìn thấy thế thì chậc lưỡi ghen tỵ. Giá như lớp học nào cũng có camera…

Khi giờ làm việc cạn dần, nghĩ đến lộ trình lạng thế này, lách thế kia để đón con đi học về là vừa.

Tối đến, cơm nước xong xuôi, cũng là lúc “cuộc chiến” học cùng con bắt đầu. Dịp cao điểm như khoảng thời gian cuối tháng tư, đầu tháng năm, khi kỳ thi sắp đến, 10 giờ mỗi tuần là ít. Chị tôi có con gái học lớp hai, mà có hôm hai mẹ con “đánh vật” đến gần một giờ sáng vẫn chưa xong bài tập về nhà!

Đấy là chưa kể chuyện xin học, chạy trường hay hành trình đưa con đi học kèm, học thêm đủ loại, liền tù tì không có “ngày chủ nhật”.

Có vị cựu phụ huynh chê đương kim phụ huynh học sinh: “Giờ các anh chị dạy con sướng. Gì cũng đầy đủ. Thế mà kêu vất vả”. Vị đương kim phụ huynh bật lại ngay: “Chúng con chỉ được mong như thời ông bà”.

Tôi thì cho rằng, vị cựu phụ huynh sai hoàn toàn. Nếu biết chi tiết một ngày của phụ huynh Việt diễn ra thế nào, thế giới sẽ bội phần khâm phục!

Phải tự hào mà nói rằng, chúng ta đang có một thế hệ “siêu phụ huynh”: Vừa làm việc kiếm tiền, vừa sắm vai “gia sư”, vừa làm nội trợ, đồng thời là xe ôm, có khi kiêm nhiệm vai trò nông dân để có thêm thực phẩm an toàn. Riêng khoản này, phụ huynh Việt hơn đứt phụ huynh các quốc gia phát triển.

Có điều, không phải ai cũng mong muốn thành “siêu phụ huynh”. Song, ai dám từ bỏ danh hiệu này để trở thành “phụ huynh bình thường”? Con số hẳn là rất ít. Đường từ nhà đến trường tuy ngắn, nhưng không đưa không đành lòng. Xe cộ cứ kìn kìn. Đèn xanh, đèn đỏ bất chấp. Vỉa hè cũng kệ. Ô-tô, xe máy vẫn phóng ầm ầm. Chưa kể bao hiểm nguy khác rình rập.

Mấy ai dám không học cùng con? Không học cùng, thì con vẫn cứ học lực khá trở lên. Thành tích của trường vẫn cứ là những “trang vàng chói lọi”. Nhưng có bao nhiêu người dám đặt niềm tin vào bảng điểm, khi không biết bao nhiêu trường hợp mù chữ cũng vẫn bị “cưỡng chế” phải lên lớp? Khi học sinh trung bình trở thành hàng “siêu hiếm”?

Mấy ai dám bỏ những buổi học thêm, nhất là học do cô chủ nhiệm tổ chức, dù nhiều khi thấy phiền phức và không nhiều tác dụng? Mấy ai không lo lắng con mình, khi liên tục đọc tin về chuyện học sinh bị giáo viên thi triển bạo lực học đường?

Thời buổi này, hình như, người ta chỉ có thể từ bỏ vai trò “siêu phụ huynh” trong hai trường hợp: Mù thông tin. Hoặc là người vô trách nhiệm.

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/36304802-the-he-%E2%80%9Csieu-phu-huynh%E2%80%9D.html