Thế hệ sống như ẩn sĩ, không rời khỏi nhà ở Hàn Quốc

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều vấn đề liên quan sự nghiệp, bạo lực hoặc tâm lý là nguyên gây ra tình trạng người trẻ sống ẩn dật, không muốn ra khỏi nhà.

 Người trẻ Hàn Quốc ở nhà cả ngày, gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội với người khác. Ảnh: Pexels.

Người trẻ Hàn Quốc ở nhà cả ngày, gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội với người khác. Ảnh: Pexels.

Hàn Quốc đang thực hiện một thử nghiệm mới để tiếp cận với vấn đề xã hội, cụ thể là cung cấp cho những người trẻ độc thân một khoản trợ cấp sinh hoạt với hy vọng khuyến khích người trẻ tái hòa nhập với xã hội.

Theo đó, những người trẻ hiếm khi ra khỏi nhà - được gọi là thanh niên ẩn dật - sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng trị giá 650.000 won (tương đương 490 USD), theo Newsweek.

Tại Hàn Quốc, ước tính khoảng 338.000 người 19-39 tuổi (tương đương 3,1% dân số) đang trải qua sự cô lập xã hội. Trong số những người 19-29 tuổi được phân loại là "sống ẩn dật", 40% cho biết họ bắt đầu cuộc sống như vậy từ thời niên thiếu.

Một thanh niên 17 tuổi tại nước này cho biết em rút lui khỏi xã hội do bạo lực gia đình và trầm cảm. Hầu như em ngủ cả ngày và gặp khó khăn khi rời khỏi nhà hoặc giao tiếp bằng mắt với người khác.

"Những thanh niên sống ẩn dật thường phát triển thể chất chậm hơn do lối sống không điều độ và dinh dưỡng không cân bằng. Ngoài ra, những người này có thể gặp khó khăn về mặt tinh thần, ví dụ như bị trầm cảm, do mất vai trò trong xã hội và chậm thích nghi", cơ quan hỗ trợ các cá nhân từ hộ gia đình khó khăn tại Hàn Quốc thông tin thêm.

Những người sống ẩn dật ở Hàn Quốc có thể gặp khó khăn về mặt tinh thần như trầm cảm. Ảnh: Yonhap.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết thanh niên ẩn dật thường sống trong một không gian hạn chế, bị ngắt kết nối với bên ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Những cá nhân này gặp khó khăn trong cuộc sống do nhiều yếu tố khác nhau như bắt nạt học đường, bạo lực gia đình, căng thẳng trong học tập hoặc thiếu sự chăm sóc.

Tháng 1/2023, chính quyền Seoul thông tin khoảng 129.000 người 19-39 tuổi, tương đương 4,5% dân số tại thành phố này, đang sống trong một hình thức cô lập nào đó, chủ yếu do thất nghiệp và gặp khó khăn về mặt xã hội, tâm lý.

Trong một khảo sát của Seoul với hơn 5.500 thanh niên sống ẩn dật, 1/3 cho biết họ đã sống cuộc sống đơn độc trong hơn 5 năm và khoảng 11,5% cho biết lối sống ẩn dật của họ đã kéo dài hơn một thập kỷ. Hơn một nửa bày tỏ họ mong muốn chấm dứt cuộc sống này.

Các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc đã tìm hiểu về cuộc sống cô độc của người cao tuổi trong nhiều năm, nhưng hiện tượng này bắt đầu lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ khác trong đại dịch Covid-19 - khi quy định cách ly và giãn cách xã hội được áp dụng. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết thêm trong năm 2022, khoảng 20% dân số sống trong sự cô đơn.

"Công nghiệp hóa nhanh chóng trong vòng 30-40 năm, thay đổi tiêu chuẩn về quy mô gia đình và triển vọng về thị trường lao động có thể là một trong những lý do dẫn đến sự cô lập xã hội", ông Andrew Yeo, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho biết.

Các nhà khoa học xã hội tại Đại học Quốc gia Jeonbuk cũng lập luận rằng các yếu tố góp phần tạo ra cuộc sống cô độc, cô lập của nhiều người Hàn Quốc bao gồm các vấn đề kinh tế xã hội như tuổi tác, nghề nghiệp và tình trạng hôn nhân; các vấn đề tâm lý xã hội như thiếu thốn, trầm cảm, triển vọng tương lai bất ổn, lòng tự trọng thấp. Ngoài ra, kỹ năng xã hội kém, quá khứ sống trong bạo lực cũng là những nguyên nhân gây ra vấn đề này.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-he-song-nhu-an-si-khong-roi-khoi-nha-o-han-quoc-post1433098.html