'Thế hệ tôi, trên tôi một chút và cả thế hệ sau tôi nữa, đều gọi NSƯT Trần Hạnh là bố'

'Bố lúc nào cũng vậy, giản dị, gần gũi với nụ cười tủm tỉm thường trực trên môi, vừa hiền lành vừa pha chút tinh quái, hóm hỉnh...', diễn viên Tùng Dương nhớ lại.

Là người thường xuyên qua thăm NSND Trần Hạnh ngay cả khi ông đã dừng đóng phim, diễn viên Tùng Dương vẫn bàng hoàng khi nhận tin dữ.

Anh kể: "Hầu hết diễn viên ở thế hệ tôi, trên tôi một chút và cả thế hệ sau tôi nữa, đều gọi NSƯT Trần Hạnh là bố. Bố lúc nào cũng vậy, giản dị, gần gũi với nụ cười tủm tỉm thường trực trên môi, vừa hiền lành vừa pha chút tinh quái, hóm hỉnh... Một hình ảnh gần như bất biến trong suốt mấy thập kỷ, kể từ ngày tôi biết bố và được làm việc cùng bố".

NSND Trần Hạnh vai ông Khiển trong bộ phim đen trắng của đạo diễn Tự Huy - Người cầu may

NSND Trần Hạnh vai ông Khiển trong bộ phim đen trắng của đạo diễn Tự Huy - Người cầu may

Nam diễn viên nhớ kỷ niệm sâu sắc nhất với "Bố Hạnh" là 20 năm trước, thời gian đầu năm 1998. Ngày đó anh làm tổ chức sản xuất cho bộ phim "Cô gái phòng 307" (sau đổi thành "Tình đời") của đạo diễn Đỗ Thanh Hải quay ở Bắc Giang. Các diễn viên trong phim gồm có "Bố" Hạnh, cố nghệ sĩ Hoàng Dũng, anh và vợ khi đó - NSƯT Hoa Thúy.

"Có một đêm đoàn quay khá khuya và Hoa Thúy hồi đó đang có thai tháng thứ 4, phải làm việc muộn nên cô ấy khá mệt, nôn ọe liên tục, mặt xanh lét. Thấy vậy anh Hoàng Dũng bảo: "Thôi dừng đoạn này, quay đoạn khác cho con Thúy nghỉ đi, sức khỏe nó không ổn đâu"... Tôi đưa vợ lên phòng nằm nghỉ, rồi vội vàng quay xuống dưới sảnh để tiếp tục cảnh quay thì cả đoàn ngơ ngác không thấy bố Hạnh đâu.

NSND Trần Hạnh vai lão Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp (1990)

Cả đoàn nháo nhác chia nhau đi tìm. Đang lúc cơn bực bốc hỏa đùng đùng thì tôi nghe có tiềng gọi khe khẽ đằng sau: "Này, Dương! Dương cò lả ơi!"... Tôi lẳng lặng đi đến chỗ bố, miệng đã thường trực sẵn những câu trách móc phê bình về sự vô kỷ luật, nhưng vừa định mở mồm thì thấy bố giơ trước mặt tôi một bịch nylon, bên trong là dăm hộp sữa và mấy chiếc bánh ngọt: Mang ngay lên cho vợ mày nó nạp đi, đàn bà có thai đừng để nó đuối sức, đoàn quay còn khướt mới xong, chờ cháo của đoàn thì vợ mày nó ngất mẹ từ đời tám hoánh nào rồi!... Trong phút chốc, tôi chẳng nói được câu gì, dù chỉ là hai từ cám ơn!", Tùng Dương xúc động kể lại.

Anh cũng kể, chính trong đợt quay phim này, có một kỷ niệm khá hài hước khi bối cảnh vỉa hè quay cảnh tiệm bơm vá xe của ông Độ (nhân vật mà Bố Hạnh đóng). Trong lúc cả đoàn còn đang lúi húi với đống máy móc dây dợ thì bố đã chân đất, quần sắn ống lợn ngồi bệt ở vỉa ba toa với chiếc bơm và một thùng gỗ chứa toàn cờ lê mỏ lết đinh đầy dầu mỡ. Bất ngờ một anh thanh niên mặc đồng phục công nhân lếch thếch dắt chiếc xe đạp xịt lốp tiến đến. Không nhận ra NSND Trần Hạnh hay gần đó là máy quay phim, anh thanh niên hồn nhiên vật chiếc xe xuống đất, hất đầu đòi ông vá dùm vì đang vội.

Bẵng đi đúng 10 năm, 2008 anh mới lại có dịp làm phim cùng bố Hạnh, đó là bộ phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Trần Quốc Trọng. Anh kể, hồi đó bố đã 79 tuổi nhưng vẫn luôn tự cưỡi con Cúp 82 đi khắp mọi nơi trên quãng đường dưới 100 cây số đổ lại và bố chẳng bao giờ thích đi xe ôm.

Khi đến bối cảnh quay anh ngạc nhiên khi nhìn vào khoảng sân phía sau nhà đã thấy bố Hạnh đang ngồi bệt dựa lưng vào tường, lẩm bẩm đối thoại với quyển kịch bản trên tay... "Bố già rồi, trí nhớ không còn được như những năm trước. Không nhẩm kỹ lát quay quên thoại, đạo diễn nó mắng, rồi làm hỏng cả cảm xúc diễn của chúng mày nữa... Lúc nãy đọc kịch bản, nhớ lại những tháng năm đó, những con người ngày đó, tự dưng thấy thương các nhân vật quá. Trung Trung Đỉnh nó xây dựng nhân vật giỏi thật. Những số phận cứ như đang sống quanh mình, bi kịch, không lối thoát, cay đắng và nghiệt ngã", diễn viên Tùng Dương nhớ lại từng lời của "Bố Hạnh" khi đó.

"Bão qua làng" (2014) NSND Trần Hạnh vào vai cha của trưởng thôn Lộc (NSƯT Quốc Khánh đảm nhận)

"10 năm nữa đã trôi qua, thời gian quả là một người bạn đồng hành nghiệt ngã và hình ảnh của bố vẫn giản dị như ngày nào với bộ quần áo sờn cũ, nụ cười tủm tỉm vừa hiền lành, vừa tinh quái trên môi. Khác chăng, bố đã bỏ thuốc lá vì lý do sức khỏe và các nếp nhăn nhiều hơn đôi chút trên gương mặt khắc khổ ám màu thời gian, ám màu theo những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên mỗi khi nghĩ về bố - một người nghệ sĩ của nhân dân, và là một người bố trong lòng mỗi diễn viên thế hệ hậu bối như chúng tôi", Tùng Dương bày tỏ.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/the-he-toi-tren-toi-mot-chut-va-ca-the-he-sau-toi-nua-deu-goi-nsut-tran-hanh-la-bo-20210304160212325.htm