Thế hệ Z của nền công nghiệp giải trí Việt Nam

Đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có được một nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, chưa đủ tầm vươn ra thế giới. Nhưng điều đó chưa hẳn đúng. Từ khi thuật ngữ 'thế hệ Z' xuất hiện và lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật, chúng ta phải thốt lên: họ là ai?

Dám khác biệt

Năm 2013, trong chương trình ca nhạc truyền hình mang tên Dấu ấn với nhân vật chính là nghệ sĩ saxophone hàng đầu Việt Nam - Trần Mạnh Tuấn, khán giả đã vô cùng ngỡ ngàng khi thấy xuất hiện trên sân khấu một bé gái 9 tuổi. Cô bé ấy có tên đầy đủ là Trần Đàm An Phúc. Không hề sợ hãi khi đứng trước đám đông, trái lại An Phúc đã tự tin biểu diễn đầy điêu luyện bài Bèo dạt mây trôi cùng với bố của mình. Khi đó cô bé chỉ mới tập kèn được 2 tháng.

Theo dự tính ban đầu, phần trình diễn đêm hôm đó chỉ như một kỷ niệm của 2 bố con, một món quà bất ngờ cho khán giả. Nhưng rồi mọi việc đã tiến xa hơn rất nhiều kể từ sau đêm diễn đầy kỷ niệm đó. Trần Đàm An Phúc đã bắt đầu bước vào hành trình của một nghệ sĩ biểu diễn, với mức độ tiến bộ và trưởng thành nhanh tới nỗi chính người bố - cũng là người thầy của bé phải ngạc nhiên.

Nghệ danh An Trần gắn liền với cô bé kể từ thời điểm đó. An Trần bắt đầu sự nghiệp một nghệ sĩ saxophone nữ ở tuổi thiếu niên, điều vô cùng hiếm hoi nếu không nói là duy nhất ở Việt Nam. An Trần từng tâm sự: 4 tuổi em đã được bố mẹ cho học piano. Bố hy vọng em sẽ theo đuổi con đường này. Nhưng em không thích, em nghĩ bố từng rất buồn vì điều đó. Lúc nhỏ, em từng nói với bố rằng em thích thổi kèn giống bố nhưng bố không cho, nói rằng “con gái chơi kèn xấu lắm!”.

Các nghệ sĩ từng trình diễn với An Trần nhận xét, cô có thể nhìn nốt nhạc như đọc sách, thẩm âm tốt, nghe giai điệu là có thể bắt chước ngay. Nhưng An Trần không muốn mình chỉ được nhìn nhận là một tài năng thiên bẩm mà phải là một nghệ sĩ có dấu ấn trong chính thời đại của mình. Saxophone là nhạc cụ An Trần yêu thích nhất nhưng cô vẫn có thể chơi piano, guitar, trompet và tham gia hòa đàn, hát hò cùng bạn bè trong trường.

Tài năng, can đảm, đầy quyết tâm và cần mẫn là những thuộc tính nổi bật của An Trần. Bố mẹ cô kể, những ngày đầu tập kèn, môi cô liên tục chảy máu vì chưa thông thạo kỹ thuật nhưng chưa bao giờ cô than vãn hay có ý định bỏ cuộc. Hiện nay, An Trần đang theo học nghiên cứu nhạc jazz và sáng tác - sản xuất nhạc tại trường Idyll Wild Arts Academy, một trong những trường trung học nghệ thuật tốt nhất của Mỹ, với mức học bổng 60% cho 3 năm học, mức học bổng cao nhất mà 1 học sinh nước ngoài từng được hưởng. Dấu ấn gần đây nhất của An Trần phải kể đến MV Fashion Nova với phần âm nhạc được phối giữa rap, nhạc bossa nova và saxophone nhận được lượng view khá “bay bổng” cùng lời khen ngợi của rất nhiều khán giả. Đây là một trong những dự án mà An Trần thực hiện cùng các nghệ sĩ trẻ trong thời gian tạm nghỉ vì dịch COVID-19.

Tư duy tích cực, chìa khóa để thành công

Emma Lê (sinh năm 2000) là con gái của Lê Hóa (diễn viên từng tham gia phim Bỗng dưng muốn khóc). Emma được nhiều khán giả ưu ái đặt cho biệt danh “bông hồng lai” bởi cô mang hai dòng máu Việt Nam - Tây Ban Nha. Hiện cô là sinh viên ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP. HCM. Ngoài việc học, cô còn tham gia làm mẫu ảnh, đóng MV. Cô từng xuất hiện trong MV Đã đến lúc của Soobin Hoàng Sơn, được dân mạng khen ngợi về nhan sắc.

Việc tham gia diễn xuất trong MV của Soobin Hoàng Sơn mang đến cho Emma nhiều trải nghiệm mới mẻ với nghệ thuật. Khi vào đại học, Emma mới xem nghề người mẫu như một công việc thật sự của mình. Cô từng làm người mẫu quảng cáo cho các thương hiệu thời trang, trang sức, đóng MV hay làm KOL cho các sự kiện thời trang quốc tế. Cô gái trẻ hy vọng có thể tiến sâu hơn vào lĩnh vực điện ảnh nếu cân đối được thời gian học tập.

Samuel An quyết tâm về nước theo đuổi âm nhạc là muốn được thử sức ở lĩnh vực mình yêu thích.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, nhưng Samuel An (26 tuổi) mang 100% dòng máu Việt. Thành thạo piano cổ điển và guitar, cùng với đam mê âm nhạc từ bé, Samuel An đã tạo ấn tượng sâu sắc tại Giọng hát Việt 2018. Được nhiều khán giả gọi là “chàng thơ”, Samuel cảm thấy rất vui nhưng bản thân anh luôn muốn khán giả biết đến mình bằng giọng hát thay vì ngoại hình sáng sân khấu.

Samuel An nhấn mạnh, anh muốn theo đuổi dòng nhạc Pop và R&B ở thời điểm hiện tại nên rất hay nghe các ca khúc của các ca sĩ Việt đang hát dòng nhạc này. Nhưng anh cho biết sẽ không cố định theo một, hai dòng nhạc nào đó trong suốt sự nghiệp mà có thể sẽ hát nhiều dòng nhạc để biết sức mình đến đâu. Tự do quyết định và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình là phong cách sống yêu thích của nam ca sĩ điển trai.

Chấp nhận thử thách

Mỹ Anh, con gái út sinh năm 2002 của cặp đôi nghệ sĩ Anh Quân - Mỹ Linh cũng sớm bộc lộ năng khiếu về ca hát. Lên 10 tuổi, Mỹ Anh đã đảm nhận phần song ca bài hát Cơn bão cùng mẹ trong album Một ngày - Tóc ngắn Acoustic (2011). Chia sẻ về quá trình thu âm ca khúc Cơn bão, nhạc sĩ Anh Quân từng tự hào: “Cháu có năng khiếu trời ban và tôi không phải can thiệp gì nhiều. Chỉ cần tôi đọc quãng ca khúc, cháu hiểu ngay và hát rất chuẩn”.

Sở hữu giọng ca sáng và sự nhạy cảm đặc biệt trong âm nhạc, Mỹ Anh được kỳ vọng sẽ sớm đi theo con đường ca hát của mẹ. Sẽ là chưa đúng nếu cho rằng Mỹ Anh không hề áp lực với xuất thân của mình. Nhưng đây chính là bài toán mà Mỹ Anh buộc phải tìm đáp số để bứt ra khỏi cái bóng khổng lồ của bố mẹ. Mỹ Anh từng chia sẻ, khi bắt đầu những bước chân trong nghề, cô nhận ra rằng chịu áp lực là một phần trong ngành âm nhạc. Đó cũng là một điều Mỹ Anh đang làm quen. Nhìn ở góc độ tích cực, áp lực chính là động lực để những nghệ sĩ thế hệ Z như Mỹ Anh có dịp bộc lộ khả năng và cá tính của bản thân. Gần đây, Mỹ Anh gây được nhiều sự chú ý với single Got You. Thông qua sản phẩm này, Mỹ Anh cho thấy con đường âm nhạc tách biệt và có phong cách rõ ràng.

Hiện tại, Mỹ Anh mong muốn trở thành một nhà sản xuất âm nhạc nữ. Mỹ Anh đã trúng tuyển vào trường nhạc danh tiếng Berklee tại Mỹ, nhưng vì COVID-19, cô quyết định ở lại Việt Nam. Ngoài tư duy tốt, Mỹ Anh cho thấy khả năng nhìn nhận thị trường, khi nhạc Việt chưa có nhiều sản xuất nữ. Không chỉ tự định hình màu sắc âm nhạc, Mỹ Anh còn có sự am hiểu về con đường mình đang theo đuổi.

Tự chọn lĩnh vực “gai góc”

Cũng đam mê nghệ thuật, nhưng cô gái cá tính Nguyễn Phan Linh Đan (25 tuổi) lại chọn cho mình một lĩnh vực vô cùng “gai góc” đối với phái nữ: đạo diễn hình ảnh (DOP). May mắn được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng: ông ngoại của cô chính là nhà phê bình văn học Ngô Thảo; Bà nội của cô là người đầu tiên dịch Nỗi buồn chiến tranh ra tiếng Anh, nữ dịch giả Phan Thanh Hảo; Cha mẹ cô chính là những ông chủ, bà chủ của Công ty BHD nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, nghệ thuật; Cha cô, Nguyễn Phan Quang Bình cũng là một đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực điện ảnh. Không chịu “an phận” làm con nhà giàu, 14 tuổi, Nguyễn Phan Linh Đan đã đi làm thêm ở quán ăn.

Năm thứ 2 đại học, bộ phim Lost do Nguyễn Phan Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh được chọn tham dự LHP Cannes 2016 ở thể loại “Góc phim ngắn” (Short Film Corner).

18 tuổi, Linh Đan sang Mỹ du học về điện ảnh tại New York University-Tisch School of The Arts, 1 trong 2 trường đại học điện ảnh hàng đầu nước Mỹ. Năm thứ 2 đại học, bộ phim Lost do Nguyễn Phan Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh được chọn tham dự Liên hoan phim Cannes 2016 ở thể loại Góc phim ngắn (Short Film Corner).

Về Việt Nam làm việc một thời gian, cô nhận ra ở trong nước rất hiếm phụ nữ theo nghề đạo diễn hình ảnh nên cô bị nghi ngại nhiều hơn và phải chứng tỏ mình nhiều hơn so với thời gian ở Mỹ. Linh Đan chia sẻ: “Trước giờ, Việt Nam trong phim ảnh mới được nhìn qua con mắt của đàn ông. Điều đó khiến nền điện ảnh trở nên thiếu thốn. Có nhiều góc nhìn mà đàn ông không thấy được từ chỗ đứng của họ. Tôi muốn bình đẳng hóa nghề làm phim nói chung và công việc DOP nói riêng, góp phần làm đa dạng hình ảnh và câu chuyện được kể bởi điện ảnh Việt Nam”.

Nam Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/the-he-z-cua-nen-cong-nghiep-giai-tri-viet-nam-n187667.html