Thể hiện tầm nhìn của Đảng về trọng dụng nhân tài

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định. Đánh giá cao vai trò của lực lượng này, những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhiều bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

Đây cũng là nội dung được nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên quan tâm tham gia góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII). Với tinh thần trách nhiệm cao và sức sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều đóng góp tâm huyết, sâu sắc đã được đưa ra để tham gia với Đảng trong sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thì nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định. Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN

Tạo thêm cơ hội để tuổi trẻ cống hiến cho đất nước

Nghiên cứu dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, đa số các ý kiến của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên đánh giá: Dự thảo Báo cáo Chính trị - báo cáo trung tâm trình Đại hội có nhiều điểm mới, trong đó đã nêu bật và đưa ra những định hướng, giải pháp trong trọng dụng nhân tài (giai đoạn 2021 - 2026), cụ thể là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, hội nhập sâu rộng, giải pháp để Việt Nam có một nền giáo dục chất lượng cao, đi đôi với chính sách sử dụng, thu hút nhân tài phù hợp để người tài có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước là một trong những vấn đề nóng được quan tâm. Hầu hết các ý kiến cho rằng đây là một bước đột phá, thể hiện tầm nhìn, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với việc sử dụng nhân tài. Tầm nhìn đó sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho những “nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” được cống hiến, đóng góp trí tuệ, tài năng cũng như thực hiện trách nhiệm của những người trẻ tuổi đối với đất nước.

Xây dựng nền tảng để có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào

Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng yếu tố tiền đề để có nguồn nhân lực chất lượng cao là cần chú trọng tới phát triển giáo dục và đào tạo - nền tảng để phát triển con người Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm, trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII, phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục và đào tạo được trình bày toàn diện, đồng bộ tại mục V về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Ở mục này, từ tên tiêu đề đến nội dung đều có những điểm mới rất quan trọng. Lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng đồng thời đưa vào sứ mạng “phát triển con người” cùng với “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đây là điểm mới so với Nghị quyết Đại hội XII. Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định sự bổ sung này là cần thiết, phù hợp, khoa học; thể hiện sự kế thừa, phát triển quan điểm của nhiệm kỳ trước và đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đây là sự nhất quán về phát triển, hoàn thiện triết lý giáo dục “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề” và quan điểm chỉ đạo về giáo dục - đào tạo đã khẳng định trong các văn kiện Đảng trước đây.

Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, từ những hạn chế, yếu kém về phát triển con người sẽ dẫn đến các hạn chế, yếu kém trên nhiều lĩnh vực khác, hầu hết đều liên quan trực tiếp đến chất lượng và kết quả giáo dục - đào tạo. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người là nhiệm vụ trọng tâm, song hành, cũng là sứ mạng của công tác giáo dục - đào tạo những năm tiếp theo nhằm thực hiện các tầm nhìn, mục tiêu phát triển như dự thảo báo cáo đã xác định. Khi đó, giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ mới thực sự là “động lực then chốt để phát triển đất nước”.

Trên tinh thần đó, phương hướng, nhiệm vụ bao trùm được dự thảo văn kiện xác định là: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm đánh giá, đây là điểm mới, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa quan điểm về vị trí, vai trò của giáo dục - đào tạo trong thực tiễn, giải quyết “điểm nghẽn” của nhiều năm qua.

Cùng quan tâm tới nội dung này, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh nêu thực tế: Những năm qua, tại thủ đô Hà Nội, về cơ bản các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ở từng thời điểm. Tuy vậy, nhiều cơ quan tại Hà Nội vẫn rất khó thu hút được nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đúng với yêu cầu về số lượng, ngành, nghề; nhiều nơi thu hút được nhưng khó giữ chân những người có trình độ, năng lực ở lại làm việc lâu dài.... Hiện trạng thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách này trong thời gian tới.

Từ thực tiễn chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng ở nhiều địa phương, theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, cần đặt ra và trả lời một số vấn đề cụ thể như: Thực hiện chính sách thu hút bằng tiền lương hay môi trường làm việc, bằng đãi ngộ hay trọng dụng, tạo cơ hội phát triển? Bởi qua khảo sát ở nhiều nơi, nhiều người thuộc đối tượng thu hút cho rằng chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao chỉ bằng tiền là chưa đủ. Tiền lương hấp dẫn là quan trọng, song điều mà họ cần hơn chính là trong môi trường làm việc được khẳng định mình, được thỏa sức sáng tạo. Đặc biệt, các nhân tài có chức danh giáo sư, tiến sĩ... cần phải có môi trường nghiên cứu khoa học thật sự, nhằm phát huy tối đa trí tuệ để đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế là một trong những giải pháp mang tính khả thi song những nhân sự chất lượng cao cũng rất cần một môi trường làm việc thật sự dân chủ, có cơ hội, điều kiện để khẳng định bản thân; một hệ thống quản lý minh bạch, công bằng, có chế độ khen thưởng hợp lý, có sự trân trọng, nhìn nhận đúng khả năng của họ, sử dụng họ vào đúng ngành nghề chuyên môn. Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh: Cân bằng tất cả những điều đó trong chính sách sẽ có thể thu hút, phát huy được chất xám của nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong và ngoài nước.

Tập hợp trí thức Việt Nam trên toàn thế giới

Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm từ 2011-2020 đã khái quát đầy đủ, toàn diện, cập nhật về thực trạng phát triển và bài học kinh nghiệm, trong đó có đánh giá: “Việc phát triển nguồn nhân lực đã được đẩy mạnh, có sự cải thiện lớn cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực”. Dự thảo văn kiện cũng đã phân tích sâu sắc những điểm hạn chế, thách thức cần vượt qua, trong đó có việc các hoạt động nghiên cứu khoa học mới tập trung vào các trung tâm, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chưa có cơ chế để phát huy tính sáng tạo và khả năng nghiên cứu khoa học trong nhân dân.

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng có hai mục tiêu tổng quát đề cập đến “Sáng tạo”, đó là: “Phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại” và “Chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Để thực hiện được hai mục tiêu quan trọng này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, việc giáo dục, bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật trình độ cao, huy động trí tuệ và sức sáng tạo trong lao động sản xuất của toàn dân, cũng như công tác tập hợp trí thức Việt Nam trên toàn thế giới, giữ vị trí then chốt, xuyên suốt trong trục phát triển của nước ta những năm tới.

Để tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, việc phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài là một giải pháp hết sức cần thiết và cần được đầu tư nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, thử nghiệm mô hình, từ đó tổng kết thành lý luận.

Thực tế, các cán bộ chuyên môn kỹ thuật, trí thức người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực hết sức to lớn. Tiến sĩ Trần Xuân Bách cho rằng phần lớn trong số họ có niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ, luôn quan tâm trăn trở đến sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đặc điểm của phát triển khoa học, đòi hỏi thời gian kéo dài; mỗi giai đoạn phát triển lại cần có những điều kiện khác nhau. Vì vậy, trong chiến lược 10 năm tới, bên cạnh việc “kết nối” và “thu hút”, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng những cơ chế và môi trường ở nhiều cấp độ, như: liên quốc gia, liên ngành, liên cơ quan, giữa các nhóm, cá nhân nhà khoa học để tạo sự gắn kết đi vào chiều sâu của quá trình hợp tác - phát triển. “Cần phấn đấu để chuyển dịch lợi thế của chúng ta về nguồn tài nguyên và nhân lực giá rẻ, thành góc nhìn về Việt Nam hấp dẫn như một “vườn ươm” của các thử nghiệm trong phát kiến và sáng tạo, trong đó phát huy được lợi thế của cơ cấu dân số trẻ, dễ thích ứng, ưa trải nghiệm và sẵn sàng cho đổi mới”, Tiến sĩ Trần Xuân Bách nêu quan điểm.

Khẳng định quá trình tư duy và hành động của các nhà phát kiến thường vượt ra ngoài các quy luật truyền thống, tạo ra các giá trị lan tỏa, đột phá và thay đổi ở phạm vi lớn, Tiến sĩ Trần Xuân Bách cho rằng muốn thu hút, tập hợp, phát huy năng lực của nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao thì không thể chỉ bằng các quy luật khuôn mẫu, mà cần có những môi trường thúc đẩy đáp ứng đúng với nhu cầu tại từng thời điểm.

“Điều đó đòi hỏi chúng ta trong quy hoạch phát triển cần hình thành các môi trường ươm tạo, cơ chế “đặc cách”, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển đột biến; bên cạnh đó, cần gieo mầm và bồi dưỡng năng lực sáng tạo trong mọi thành phần xã hội; để sáng tạo trở thành công cụ cho mỗi cá nhân sống và làm việc, từ đó, phát huy các nguyên lý về sáng tạo trong mọi mặt của đời sống", Tiến sĩ Trần Xuân Bách đề xuất.

Đánh giá cao mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, nghiên cứu sinh Trần Lê Hưng, Trường Đại học Công nghệ cầu đường Paris (Pháp), có chung ý kiến với Tiến sĩ Trần Xuân Bách khi cho rằng nên bổ sung trực tiếp vào các dự thảo văn kiện thêm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển con người nói chung và nguồn nhân lực cao nói riêng, đẩy mạnh kết hợp không chỉ giữa những nhà khoa học, trí thức người Việt trong và ngoài nước mà còn với các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

“Chúng ta cũng nên có những cơ chế để thu hút và gìn giữ nhân tài, tránh việc chảy máu chất xám, cùng nhau thay đổi cách nhìn về Việt Nam như một miền đất hứa dành cho khoa học, công nghệ. Giải pháp cho vấn đề này cũng như trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong thực hiện cũng nên được nêu rõ trong các dự thảo văn kiện”, nghiên cứu sinh Trần Lê Hưng góp ý. Như vậy, bằng các giải pháp dựa trên nhu cầu thực tiễn phát triển của từng phân lớp xã hội, công tác bồi dưỡng và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển đất nước, hướng đến một Việt Nam hiện đại và thinh vượng.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/the-hien-tam-nhin-cua-dang-ve-trong-dung-nhan-tai-20201110123758965.htm