Thế kẹt của Mali

Mali vừa tổ chức bầu cử Quốc hội, trong bối cảnh bạo lực tiếp tục 'phủ bóng đen' lên nỗ lực khôi phục ổn định của đất nước. Những vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại miền trung và miền bắc, những khu vực mà đến nay chính phủ Mali và lực lượng phiến quân vẫn chưa thể đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Điểm thời sự

Một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bamako của Mali. Ảnh AFP

Một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bamako của Mali. Ảnh AFP

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, tình hình an ninh ở miền trung và miền bắc còn bất ổn, song Mali vẫn nỗ lực tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội sau nhiều lần trì hoãn. Gần 1.500 ứng cử viên, trong đó khoảng một phần ba là phụ nữ, chạy đua vào 147 ghế của Quốc hội Mali. Tuy nhiên, gần 300 trong số khoảng 12.500 điểm bỏ phiếu đã không thể mở cửa, do lo ngại bạo lực. Khoảng 200.000 người sơ tán cũng không thể đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này.

Tại các điểm bỏ phiếu ở miền bắc và miền trung Mali, các vụ bắt cóc, cướp phá và đánh bom liên tiếp xảy ra, khiến nhiều người chết. Theo các nhân viên của tổ chức giám sát bầu cử, nhiều trưởng làng, quan chức và nhân viên giám sát bầu cử đã bị bắt cóc, trong khi nhiều điểm bỏ phiếu bị cướp phá. Các vụ nổ mìn cũng xảy ra, giết hại và làm nhiều dân thường và binh sĩ Mali bị thương. Trong các chiến dịch vận động tranh cử tại miền trung quốc gia Tây Phi này, nhiều ứng cử viên cùng các cộng sự cũng bị tiến công.

Cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn ra là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Mali kể từ năm 2013. Sự kiện bầu cơ quan lập pháp lần này lẽ ra đã được tổ chức vào cuối năm 2018, song hai lần bị hoãn do bạo lực gia tăng tại một số khu vực trong nước. Mali rơi vào hỗn loạn kể từ năm 2012, khi các tay súng tiến công và chiếm giữ toàn bộ vùng sa mạc phía bắc nước này. Các nhóm thánh chiến bị đẩy lùi sau khi quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) can thiệp, tuy nhiên, chúng vẫn thường xuyên tiến công các khách sạn, nhà hàng ở thủ đô Bamako và các ngôi làng ở miền trung Mali.

Xung đột chưa có dấu hiệu dừng lại tại Mali, một phần vì các cuộc hòa đàm giữa chính phủ nước này và phiến quân vẫn chưa đạt tiến triển, dù Chính phủ Mali nhiều lần bày tỏ thiện chí yêu cầu các nhóm phiến quân ngồi vào bàn đàm phán. Thế khó ở chỗ, các tay súng có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda tuyên bố chỉ ngồi vào bàn thương lượng, nếu các lực lượng của Pháp và LHQ rời khỏi Mali, còn Chính phủ Mali lại khẳng định mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế. Từ châu Âu, Pháp cũng cam kết duy trì hiện diện quân sự ở khu vực Sahel, trong đó có Mali.

Bất chấp sự có mặt của hàng nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Mali, các nhóm chiến binh có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tiến công ở Mali và các nước láng giềng là Burkina Faso và Niger, khiến hàng trăm người chết trong năm 2019, thổi bùng làn sóng bạo lực sắc tộc. Trước tình hình an ninh ở Mali xuống cấp nghiêm trọng, Hội đồng Bảo an LHQ phải tiếp tục kéo dài sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình tại quốc gia Tây Phi này tới tháng 6-2020 và thông qua một chiến lược bảo vệ dân thường.

Xem ra, tiến trình tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Mali còn không ít thử thách. Việc các tay súng tiến công liên tiếp tại nhiều khu vực, trong cả ngày bầu cử Quốc hội, đã được dự báo, do các nhóm thánh chiến luôn công khai tẩy chay tổng tuyển cử. Còn với Chính phủ Mali, rủi ro từ “thế kẹt” hiện nay sẽ rất lớn, nếu phải đồng ý để các lực lượng gìn giữ hòa bình rời khỏi đất nước, đáp ứng yêu sách của phiến quân để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.

TRẦN THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43917302-the-ket-cua-ma-li.html