Thế khó của hải quân Philippines

Được thành lập ngày 20/5/1898, hải quân Philippines có nhiệm vụ nặng nề là tuần tra canh phòng, bảo vệ một quần đảo có hơn 36.200km tuyến ven biển, hơn 7.000 hòn đảo và bãi san hô.

Hải quân Philippines được đặt dưới quyền chỉ huy, điều hành của Tư lệnh Hải quân (FOIC) - thường mang quân hàm phó đô đốc, và gồm hai bộ phận chủ yếu là Hạm đội Philippines và Hải quân đánh bộ Philippines.

Chiến hạm BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines. Ảnh: Wikipedia

Chiến hạm BRP Jose Rizal của Hải quân Philippines. Ảnh: Wikipedia

Hạm đội Philippines nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Hạm đội Philippines, còn Hải quân đánh bộ thuộc quyền Tư lệnh Hải quân đánh bộ (PMC). Hạm đội có khoảng 16.400 thủy thủ và lính không quân, Hải quân đánh bộ có 7.600 người; ngoài ra, còn 15.000 quân dự bị cho cả hai lực lượng.

Hạm đội Philippines được chia thành 6 bộ tư lệnh, bố trí ở các khu vực: Bắc đảo Luzon (NAVFORNOL), Nam Luzon (NAVFORSOL), Trung tâm (NAVFORCEN), Miền Tây (NAVFORWEST), Tây Mindanao (NAVFORWEM), và Đông Mindanao (NAVFOREM).

Hải quân đánh bộ được tổ chức thành: 3 Lữ đoàn Hải quân đánh bộ (tổng cộng 10 tiểu đoàn); Lữ đoàn phục vụ chiến đấu và hỗ trợ; Lữ đoàn dự bị; Cụm An ninh và Hộ tống Hải quân đánh bộ; một số đơn vị độc lập (tiểu đoàn trinh sát, tiểu đoàn tăng thiết giáp, tiểu đoàn pháo binh, trung tâm huấn luyện..). Lữ đoàn Hải quân đánh bộ số 4 chính là bộ chỉ huy dự bị.

Ngoài ra, thuộc biên chế hải quân Philippines còn có:

Sở chỉ huy Các hệ thống biển của hải quân (NSCC) đóng tại Fort San Felipe, Cavite City, điều hành xưởng đóng tàu hải quân, các hoạt động thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng, nghiên cứu và phát triển;

Lữ đoàn Xây dựng hải quân (NCBde), chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng các công trình hải quân, bảo đảm các dự án hạ tầng cơ sở;

Sở chỉ huy Đào tạo và Huấn luyện hải quân (NETC), chịu trách nhiệm về công tác huấn luyện cơ bản;

Sở chỉ huy Thông tin liên lạc - Dịch vụ thông tin điện tử (NEISC), điều hành thông tin liên lạc với các quân chủng và nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, trang bị mới;

Sở chỉ huy Hậu cần hải quân, chịu trách nhiệm điều hành công tác hậu cần, phục hồi các phương tiện, bến cảng và các dịch vụ cảng liên quan; Trung tâm Tài chính hải quân chịu trách nhiệm bảo đảm tài chính.

Lực lượng Tình báo và An ninh hải quân (NISF) chịu trách nhiệm công tác tình báo, phản tình báo, điều tra, và phối hợp với lực lượng Canh phòng bờ biển Nam trong đảm bảo tình báo tín hiệu/ tình báo điện tử; các bộ chỉ huy căn cứ hải quân, trong đó có hai bộ chỉ huy lớn nhất tại Cavite và Fort Bonifacio.

Lực lượng hạm tàu được phân công theo các địa điểm đóng quân, không theo hải đội hoặc các đội hình lớn hơn. Hỗ trợ cho hạm đội thường trực là Bộ chỉ huy Dự bị hải quân (NAVRESCOM), có nhiệm vụ quản lý huấn luyện, trang bị và chỉ huy, trong đó có các đơn vị huấn luyện đội ngũ sĩ quan dự bị hải quân; Sở chỉ huy của NAVRESCOM đặt tại Intramuros (Manila).

Không quân của hải quân có 5 máy bay Pilatus-BN BN-2 Defender, 3 chiếc Cessna-117 dùng cho huấn luyện phi công, 7 máy bay trực thăng hạng nhẹ MBB BO-105, 2 máy bay tuần tiễu biển Fokker F-27, một ít máy bay không người lái.

Một lực lượng hải quân yếu

Năm 1951, Philippines ký với Mỹ Hiệp ước Phòng thủ song phương, cho phép Washington trợ giúp Manila nếu xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ hoặc quân đội Philippines. Lực lượng vũ trang Philippines chủ yếu làm nhiệm vụ đối phó các mối đe dọa an ninh nội địa, do vậy lục quân và không quân nhận được nhiều ưu tiên hơn so với hải quân.

Hậu quả là sau khi Hiệp ước Phòng thủ song phương hết hạn, hải quân Philippines trở thành một trong những lực lượng hải quân yếu nhất.

Hiện, hải quân Philippines sở hữu 82 tàu chiến đấu, 14 tàu phụ trợ. Phần lớn trong số này là tàu mua cũ, được trang bị tương đối “nhẹ” so với các tàu cùng cỡ trong khu vực do thiếu tên lửa đối bờ, tên lửa phòng không và các hệ thống phát hiện, chống tàu ngầm.

Từ nhiều năm nay, hải quân Philippines bắt đầu thực hiện nhiều dự án lớn, như: mua sắm tàu đổ bộ đa năng LCU, máy bay trực thăng huấn luyện mới Robinson R22 BETA II, các loại tàu tàu tuần tiễu và xuồng chiến đấu mới; nâng cấp đội tàu tuần tiễu cũ mua của Hàn Quốc..

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do khó khăn về kinh phí, những chương trình, dự án này diễn ra hết sức chậm chạp. Hậu quả là quá trình hiện đại hóa hải quân Philippines hiện chỉ đạt được những mục tiêu hạn chế.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-kho-khan-cua-hai-quan-philippines-2068412.html