Thế khó của NATO và hiểm họa bạo lực ở Afghanistan

Giữa tuần trước, NATO đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng như một dấu mốc quan trọng chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Một số trọng tâm đáng chú ý tại cuộc họp các Bộ trưởng là cải tổ bộ máy, ngân sách và chính sách quân sự ở Afghanistan. Đây là cuộc họp đầu tiên của NATO kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cuối tháng 1 vừa qua.

Toàn cảnh phiên họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Thủ đô Brussels, Bỉ ngày 18-2. Ảnh: Mondo.me

Toàn cảnh phiên họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Thủ đô Brussels, Bỉ ngày 18-2. Ảnh: Mondo.me

Đáng chú ý, tại một buổi họp báo công bố kết quả làm việc, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg chia sẻ, hiện chưa là thời điểm thích hợp để NATO rút quân khỏi Afghanistan. Liên minh cũng chưa công bố quyết định cuối cùng về tương lai của NATO tại Afghanistan bởi Mỹ đang cân nhắc việc rút quân Mỹ vào hạn chót ngày 1-5 - kế hoạch được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tháng 2 năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã đạt được thỏa thuận với phiến quân Taliban, trong đó có điều khoản rút quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan.

Tổng thư ký Stoltenberg bày tỏ: “Chúng tôi đang đối mặt với nhiều tình huống khó xử và không có lựa chọn nào dễ dàng cả... Ở giai đoạn này, chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng về sự hiện diện tại Afghanistan. Thời hạn ngày 1-5 đã đến gần, các đồng minh NATO sẽ tiếp tục tham vấn và phối hợp chặt chẽ trong những tuần tới”.

Cùng với đó, ông Stoltenberg cũng kêu gọi các nhà thủ lĩnh của Taliban thực hiện đúng cam kết đạt được với Mỹ nhằm giảm bạo lực; loại bỏ các nhóm khủng bố trong nước; đàm phán có hiệu quả với Chính phủ Afghanistan được khởi động từ tháng 9 năm ngoái. Tổng Thư ký NATO cũng nhấn mạnh, tiến trình hòa bình là cơ hội tốt nhất để chấm dứt nhiều năm đau khổ, bạo lực để mang lại hòa bình lâu dài cho người dân Afghanistan nói riêng và an ninh khu vực cũng như quốc tế nói chung.

Theo giới chuyên gia quốc tế, một trong những yếu tố “then chốt” khiến NATO phải hiện diện tại Afghanistan là do lo ngại rằng, Afghanistan là “đầu nguồn” của các hoạt động khủng bố quốc tế, bởi đất nước này là “nơi trú ẩn” an toàn cho các tổ chức khủng bố. Vậy nên, việc Taliban cam kết loại bỏ và không dung túng cho các nhóm khủng bố đang hoạt động trong nước là điều mà NATO cần đánh giá kỹ lưỡng trước khi rút gần 10.000 nhân sự khỏi Afghanistan.

Riêng với Mỹ, ông Joe Biden nhậm chức đến nay là tròn 1 tháng - khoảng thời gian dường như là quá ngắn để có thể định hình rõ nét các chính sách của chính quyền mới, nhất là khi ngổn ngang những “di sản” của ông Trump. Trong đó, thời điểm ngày 1-5 là hạn chót rút quân khỏi Afghanistan theo thỏa thuận giữa chính quyền ông Trump và Taliban vào đầu năm ngoái cũng đang được cân nhắc lại.

Giới quan sát an ninh khu vực cho biết, khi NATO đang chậm trễ trong việc đạt được phán quyết chung đối với sứ mệnh của mình, Taliban đã tuyên bố sẽ tiếp tục “thánh chiến” nếu lực lượng quân sự nước ngoài không giữ “lời hứa” rút khỏi Afghanistan trong thỏa thuận tháng 2-2020. Mặt khác, Taliban cũng đã cử phái đoàn tới Iran (quốc gia đang đối đầu gay gắt với Mỹ và cũng là thế lực hùng mạnh tại Trung Đông) vào cuối tháng trước nhằm luận bàn về việc thực thi thỏa thuận Mỹ - Taliban.

Cũng theo giới quan sát, sau thỏa thuận với Mỹ vào tháng 2, đến tháng 9, Taliban đã cùng chính phủ Afghanistan bước vào cuộc đàm phán hòa bình lịch sử. Trái ngược với sự hoan nghênh, vui mừng của quốc tế khi cuộc chiến dai dẳng có được tín hiệu đáng mừng, Afghanistan đã phải chứng kiến sự leo thang nghiêm trọng các hoạt động khủng bố trong nước.

Taliban đã dùng chiến thuật này như một “đòn bẩy” gây sức ép với chính phủ Afghanistan và các thế lực quốc tế. Điều đó cũng cho thấy, kịch bản khi NATO không rút quân vào thời hạn 1-5 thì chắc chắn, Afghanistan sẽ phải chứng kiến sự leo thang khủng bố có thể còn nghiêm trọng hơn nữa.

Nhiều luồng ý kiến cũng cho rằng, Tổng thống Biden đang ở một thế khó xử trước những thách thức hiện nay. Song, ông Biden vốn là người có cách tiếp cận các vấn đề một cách hài hòa nên cũng có niềm tin rằng, việc rút quân khỏi Afghanistan có thể đạt được sự đồng thuận nhất định giữa các bên liên quan.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/the-kho-cua-nato-va-hiem-hoa-bao-luc-o-afghanistan-post437520.html