Thể loại báo chí viết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Giới báo chí đã vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ảnh minh họa

Việc chống tham nhũng, tiêu cực trong truyền thông có tác dụng lớn, góp phần thực hiện tốt yêu cầu của Đảng và thực tế cuộc sống.

Tuy nhiên ở đây có 3 khía cạnh cùng quan tâm mới phải.

Đó là “Phòng” thì báo chí đề cập còn rất ít hoặc không chỉ rõ đề phòng việc đó, sự kiện đó, điều này có được là từ tầm nhìn của người viết báo, có sự trợ giúp của những người am hiểu lĩnh vực đó. Quan điểm của nhà nước ta “Phòng” đi trước một bước, tác dụng vô cùng to lớn.

Ví như phòng hỏa hoạn mà tốt - thì khi “chống” sẽ hiệu quả, giảm thiểu hoặc ngăn chặn việc xảy ra.

Có vô vàn thứ nhà báo phải đề cập để việc “Phòng”, quyết liệt đến mức chặn đứng để không tổn hại đến đất nước, địa phương.

Chẳng hạn như việc phát hiện doanh nghiệp đang tàn phá bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cần phải có nhiều bài báo phân tích tác hại nhiều chiều, nhiều đời, thậm chí có nguy cơ an ninh quốc gia, để những người có trách nhiệm vượt qua lợi ích cá nhân, nhóm người mà chấm dứt chứ không chỉ là phạt này phạt nọ.

Hay hiện tượng xây trạm thu phí BOT tràn lan ở những con đường đầu tư bằng ngân sách, gây mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của Nhà nước, rõ ràng là sai thì việc “Phòng” ở đây là chấm dứt lỗi làm ăn vì lợi ích cục bộ, mất lợi ích toàn dân này… Rõ ràng đề tài “Phòng” còn chưa được báo chí quan tâm đúng mức.

“Chống” như đã nói ở trên, khá tốt.

Thế còn “Lãng phí”, góc độ này vô cùng quan trọng nhưng chưa được quan tâm bởi tính “hót” chưa cao. Lãng phí từ đào tạo, đầu tư, lãng phí từ chính sách đến con người, từ tầng cao tới tầng thấp, chỗ nào cũng có. Nếu tất cả những gì gây lãng phí trước mắt hay lâu dài đều được chỉ ra, chắc chắn ít nhiều sẽ ngăn chặn được tệ nạn này.

Xin nói một chút về thể loại báo chí. Cũng vì chữ “hót” nên báo chí hầu như chỉ tập trung được tin, đưa phóng sự điều tra, cụ thể từng vụ việc, từng trường hợp.

Nhớ rằng, một trong các chức năng quan trọng của báo chí là giáo dục, cảm hóa và hướng dẫn dư luận. Có những thể loại báo chí mà tính phê phán, cảnh báo rất cao, công chúng báo chí dễ tiếp thu hiệu quả về lâu dài…

Cách đây gần 30 năm, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng những việc cần làm ngay. Ngoài chỉ mặt, đặt tên từng sự việc (có sự việc mang tính thời sự phải xử lý tức thì, cũng có việc phải làm ngay là ngăn chặn) thì có hàng chục thể loại báo chí được các báo vận dụng. Các cây viết, bình luận, châm ngôn nổi danh như Xích Điểu, Trung Ngôn, Nhất Tiếu, Chu Thượng… để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng đẹp.

Khi ấy, tôi nhớ ở tờ Bắc Thái, cơ quan của Đảng bộ một tỉnh, ra ngay mục Nghĩ mà xem, đều đặn số nào cũng có. Có vẻ nhẹ nhàng nhưng sâu cay. Vì các bài báo của mục này, mấy vụ việc lãnh đạo mất chức, cơ quan phải sắp xếp lại, nhân dân thì nhớ đời… Hoặc mục Nhắc khéo đôi vần, có bài dạng đồng dao như thế này.

“Chuyện xảy ra ở khu Gang Thép

Có 3 nhà rất đẹp mọc lên

Mỗi nhà đắp mấy trăm nghìn

Hỏi rằng chả nó lấy tiền đâu ra”

Hỏi tiếp:

Các ông dùng chức xây nhà?

Hay lấy tiền bạc về nhà ông xây.

Chỉ 16 câu hỏi thôi, cuối cùng 3 ông chủ nhà là Trưởng phòng vật tư, kế hoạch, tài vụ cũng bị xử lý. Quan trọng hơn là trẻ thuộc lòng, thường xuyên chơi đùa và hát lên tạo thành một lời nhắc nhở cho nhiều người.

Rõ ràng sức mạnh của báo chí còn ở thể loại. Trực diện là tin tức điều tra, sâu xa là các thể loại khác kể cả kịch, truyện ngắn, thơ ca ….

Báo chí góp phần tạo nên hiệu quả của chính sách, chủ trương. Báo chí cũng là môi trường đề đào tạo nhưng ứng viên đa năng. Những thể loại báo chí có giá trị riêng của nó, còn hiệu quả đến đâu phụ thuộc vào tính phổ biến của thể loại báo chí

(thời đấy chỉ có 3 nghìn một cây vàng)

Hữu Minh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/trao-doi-the-loai-bao-chi-khi-viet-ve-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-n5212.html