Thế lực đen Blackwater

Nhờ quan hệ mật thiết với chính quyền và quân đội Mỹ mà Blackwater trở thành một trong những tập đoàn quân sự tư nhân lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh các tập đoàn quân sự tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào các cuộc chiến trên thế giới, Blackwater là cái tên thường xuyên được nhắc tới với nhiều lo ngại. Tập đoàn này là ví dụ rõ ràng nhất cho xu hướng tư nhân hóa chiến tranh với tầm ảnh hưởng lớn tại Afghanistan và Iraq đi kèm nhiều tai tiếng.

Lạm sát và buôn vũ khí

Blackwater không chỉ nổi bật về khả năng kinh doanh mà còn “vượt trội” về tai tiếng. Đỉnh điểm là vụ xả súng làm 17 dân thường thiệt mạng tại Baghdad vào giữa tháng 9.2007 và một số nhân viên của hãng đã bị truy tố. Ngoài ra, theo thống kê của hạ viện Mỹ, trong giai đoạn 2005-2007, Blackwater liên quan đến 195 vụ nổ súng ở Iraq, trong đó có 163 vụ do lính của tập đoàn bắn trước. Con số này nhiều nhất trong tất cả các hãng quân sự tư nhân hiện diện tại Iraq, theo thống kê của hạ viện Mỹ. Bên cạnh đó, tờ The New York Times đưa tin Blackwater bị phạt 42 triệu USD vào tháng 8.2010 vì buôn bán vũ khí trái phép ở Afghanistan. Để giảm bớt tai tiếng và tiếp tục hợp tác với quân đội Mỹ, hãng này đã 2 lần đổi tên thành Xe (tháng 2.2009) và Academi (từ tháng 12.2011). Tuy nhiên, tên Blackwater vẫn được biết đến nhiều nhất.

Hiện nay, tập đoàn có 2.000 nhân viên chính thức tại 9 quốc gia và hàng chục ngàn nhân viên hợp đồng thời vụ ở những vùng giao tranh trên khắp thế giới. Nhân viên người Mỹ hoặc các nước phương Tây khác được trả tối thiểu 1.000 USD/ngày khi hoạt động ở Iraq hay Afghanistan. Nhân viên bản xứ hoặc “lính đánh thuê” từ các quốc gia khác cũng được trả ở mức 450-650 USD/ngày. So với chi phí đào tạo, chế độ lương bổng, y tế, hưu trí dành cho các binh sĩ, việc giao một số nhiệm vụ cho các hãng tư nhân vẫn giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm được ngân sách.

Nhân viên Blackwater cùng lính Mỹ chiến đấu tại Iraq - Ảnh: New York Times

Trụ sở chính của Academi tại Moyock, bang North Carolina, là một trại huấn luyện hiện đại rộng 24 km2 với bãi đáp máy bay, 52 thao trường, các ngôi làng giả để thực hành trinh sát, tấn công, theo nguyệt san Vanity Fair. Trong bãi đáp là nhiều trực thăng thuộc dòng Bell 412, Black Hawk cùng 1 máy bay Dash 8 để chuyển quân sang Afghanistan. Trại huấn luyện này còn được dùng cho các hợp đồng huấn luyện kỹ thuật quân sự với quân đội, cảnh sát Mỹ hoặc các nước khác. Tổng cộng mỗi năm có khoảng 30.000 người được rèn luyện tại đây.

Từ đặc nhiệm đến trùm đánh thuê

Mấu chốt thành công của Academi chính là người sáng lập Erik Prince cùng quan hệ chặt chẽ giữa ông này với một số nhân vật cộm cán của đảng Cộng hòa và quân đội Mỹ, theo tờ Les Echos. Ông Prince sinh năm 1969 trong một gia đình cực kỳ giàu có và thế lực ở Holland, bang Michigan. Cha ông, Edgar Prince, là cựu quân nhân của không quân Mỹ, sau khi xuất ngũ thành lập hãng Prince Corporation chuyên về sản xuất linh kiện xe hơi. Hãng này nhanh chóng gặt hái thành công, trở thành đơn vị kinh tế chủ lực của địa phương và giúp Prince “cha” xây dựng quan hệ với các chính trị gia cấp cao thuộc đảng Cộng hòa.

Tiếp nối truyền thống gia đình, Erik Prince nhập ngũ và trở thành thành viên của đội đặc nhiệm siêu tinh nhuệ SEAL. Chính trong môi trường này, ông đã nung nấu ý tưởng thành lập công ty quân sự và an ninh tư nhân. Sau khi cha ông qua đời năm 1995, Prince nhận được phần thừa kế 500 triệu USD và xuất ngũ để thành lập Blackwater.

Những thành viên chủ chốt thuở ban đầu của Blackwater không ai khác chính là một số đồng đội SEAL của Prince. Đây cũng chính là chiến lược hoạt động của hãng này: tuyển dụng từ quân đội và cảnh sát, vừa không tốn phí đào tạo vừa có người tham gia huấn luyện cho tân binh theo hợp đồng với chính phủ các nước. Những nhân viên chủ chốt đều là cựu đặc nhiệm SEAL (Mỹ), SAS (Anh)... từng trải qua quá trình rèn luyện, sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt để có những kỹ năng chiến đấu đặc biệt như giải thoát con tin, thăm dò thông tin tại những khu vực do đối phương kiểm soát, hoạt động ở nhiều điều kiện địa hình khác nhau, sử dụng được nhiều loại vũ khí, phương tiện…

Thời điểm Erik Prince thành lập Blackwater cũng thuộc giai đoạn chính phủ Mỹ siết lại chi tiêu quốc phòng và giảm số lượng binh sĩ từ 2,3 triệu còn 1,6 triệu, mở đường cho các công ty quân sự tư nhân chia sẻ hoạt động. Nhờ các quan hệ được xây dựng từ thời Prince “cha”, Blackwater nhanh chóng ký được nhiều hợp đồng quan trọng với Lầu Năm Góc, đặc biệt kể từ sau sự kiện 11.9.2001. Les Echos dẫn lời lãnh đạo cấp cao của hãng này Al Clarck nhận định: “Blackwater được như ngày nay là nhờ Osama bin Laden”. Trong ngân sách hơn 100 tỉ USD mà chính phủ Mỹ chi cho các công ty quân sự tư nhân trong cuộc chiến chống khủng bố, Blackwater là một trong những hãng giành được phần lớn nhất.

Sau những vụ tai tiếng, lợi thế của Blackwater bị suy giảm, phải đổi tên và ông Prince cũng từ chức chủ tịch nhưng vẫn là thành viên hội đồng quản trị. Tuy nhiên, hãng này vẫn được CIA tin tưởng. Tờ The New York Times từng có bài viết giật tít: CIA nhờ đến sự hỗ trợ của Blackwater trong cuộc chiến chống khủng bố. Hiện nay, tại một số căn cứ bí mật ở khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan, hãng này còn được phép dùng máy bay không người lái để tiêu diệt các phần tử Taliban và al-Qaeda, theo Les Echos.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/the-luc-den-blackwater-490456.html