Thế mạnh phát triển du lịch

Trong khi các địa phương lân cận đang có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, thì Đầm Hà vẫn như đang đứng ngoài cuộc, dù huyện có khá nhiều tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa cộng đồng.

Nằm ở trung tâm khu vực miền Đông của tỉnh, huyện Đầm Hà có biển, có rừng với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, có khả năng khai thác nhiều loại hình và sản phẩm du lịch. Huyện có những cảnh quan tươi đẹp như thác Bạch Vân, Khu di tích lịch sử - khảo cổ - danh thắng Núi Hứa, hồ chứa nước Đầm Hà Động, đảo Đá Dựng, núi Cuống. Nhiều hoạt động văn hóa đang được huyện bảo tồn và phát huy như: Lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y; hát Nhà tơ, hát đối, hát Sán Cố, hát Then, hát giao duyên. Huyện còn lưu giữ các di tích lịch sử như: Đồn Đen, Đồn Đỏ (thị trấn Đầm Hà); hang Hố Đen, khu căn cứ cách mạng Núi Hứa (xã Đại Bình). Văn hóa ẩm thực, sản phẩm OCOP của huyện khá đa dạng, đã được nhiều người biết tới.

Công trình cột cờ tại Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa (xã Đại Bình) được huyện đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng, hoàn thành ngày 15/9/2018, hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn.

Những yếu tố trên là thế mạnh riêng để huyện thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển du lịch, tạo động lực phát triển cho kinh tế - xã hội . Thế nhưng nhiều năm qua, du lịch Đầm Hà vẫn dừng ở dạng tiềm năng. Đối chiếu với các quy định của Luật Du lịch, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở lưu trú nào được công nhận xếp hạng; chưa có cơ sở dịch vụ nào được Sở Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; chưa có tuyến, điểm du lịch nào được UBND tỉnh công nhận. 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch đến huyện đạt trên 16.000 lượt, chủ yếu là khách nội địa (khách thăm thân, dự lễ hội, thăm viếng cảnh).

Xác định được tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian gần đây huyện đã có những bước đi mới, tăng cường quan tâm đến phát triển du lịch. Huyện đã xây dựng và triển khai Đề án "Phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch huyện năm 2019; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa, xã Đại Bình.

Di tích Đồn Đen (thị trấn Đầm Hà) mới được huyện tu bổ, nâng cấp.

Huyện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 điểm du lịch: Di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa (xã Đại Bình); di tích Miếu Sâu (xã Dực Yên); Khu du lịch bản sắc dân tộc, sinh thái thác Bạch Vân (xã Quảng An). Huyện phát huy mọi nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch, thương mại, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng tạo nét riêng biệt. Công tác quảng bá hình ảnh đã bước đầu được huyện quan tâm…

Trong Nghị quyết về phát triển du lịch huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Huyện ủy đã chỉ rõ được tiềm năng, hạn chế trong phát triển du lịch trên địa bàn; đưa ra mục tiêu, quan điểm, giải pháp để phát triển du lịch. Huyện lựa chọn thông điệp “Đầm Hà - miền quê tình đất, tình người” để xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay để phát triển du lịch vẫn là nguồn lực còn yếu; chưa có tuyến, điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận; khả năng thu hút, huy động các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế.

Du khách tham quan Khu di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng Núi Hứa (xã Đại Bình).

Với quy hoạch, định hướng chiến lược lâu dài về phát triển du lịch và sự cố gắng trong công tác quảng bá, giới thiệu về địa phương, hy vọng những năm tới, du lịch Đầm Hà sẽ bước sang trang mới, phát huy được lợi thế vốn có.

Hoàng Nhi

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201909/the-manh-phat-trien-du-lich-2455178/