Thế nào là đất vườn, ao?

Theo phản ánh của ông Nguyễn Thái Nhân (Sóc Trăng), đất vườn, ao được nêu tại Điều 103 Luật Đất đai và Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tuy nhiên việc xác định như thế nào là đất vườn, ao thì chưa có khái niệm cụ thể.

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, phần diện tích còn lại được xác định là đất nông nghiệp, còn tại Khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai quy định diện tích còn lại được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng.

Ông Nhân hỏi, vậy thế nào là đất vườn, ao (căn cứ tiêu chí nào, hiện trạng sử dụng đất như thế nào…)? Với việc xác định diện tích còn lại như đã nêu trên, thì phần diện tích còn lại theo Điều 106 Luật Đất đai có phải là đất nông nghiệp hay không?

Ông nêu ví dụ: Thửa đất có diện tích là 5.000m2, loại đất: Đất ở 300m2 và đất trồng cây lâu năm. Như vậy thửa đất này xác định là đất vườn, ao hay là đất nông nghiệp kết hợp đất ở?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Trong pháp luật đất đai hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về đất vườn, ao.

Khoản 1, Điều 103 Luật Đất đai chỉ quy định: Đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở.

Khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai quy định: Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 của Luật này.

Khoản 1, Điều 10 Luật Đất đai quy định: “Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại sau đây:

a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

b) Đất trồng cây lâu năm;

c) Đất rừng sản xuất;

d) Đất rừng phòng hộ;

đ) Đất rừng đặc dụng;

e) Đất nuôi trồng thủy sản;

g) Đất làm muối;

h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”.

Tham khảo các tài liệu trước đây:

- Theo Thông tư liên Bộ Thủy sản - Tổng cục Quản lý ruộng đất (số 05/TT/LB ngày 18/12/1991 hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có quy định diện tích ao nằm gọn trong khu thổ cư của một gia đình thì giao cho gia đình đó sử dụng toàn bộ diện tích.

Diện tích này được tính vào tiêu chuẩn đất giao làm kinh tế gia đình, hoặc đất nhận khoán của hộ xã viên, tập đoàn viên, hoặc tính vào diện tích đất sản xuất cho hộ nông dân cá thể và các tư nhân khác.

- Theo Quyết định số 27QĐ/ĐC ngày 20/2/1995 của Tổng cục Địa chính ban hành mẫu biểu thống kê diện tích đất đai có hướng dẫn định nghĩa đối với đất vườn tạp là diện tích đất vườn gắn liền với đất ở thuộc khuôn viên của mỗi hộ gia đình trong các khu dân cư trồng xen kẽ lẫn lộn giữa các loại cây hàng năm với cây lâu năm hoặc giữa cây lâu năm có giá trị kinh tế thấp mà không thể tách riêng để tính diện tích cho từng loại

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì:

Đất vườn, ao có các tiêu chí: Phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở và thuộc nhóm đất nông nghiệp.

Phần diện tích còn lại theo Khoản 6, Điều 106 Luật Đất đai là đất nông nghiệp.

Trường hợp thửa đất có diện tích là 5.000m2, loại đất: Đất ở 300m2 và đất trồng cây lâu năm, nếu cả diện tích 300m2 đất ở và diện tích đất trồng cây lâu năm trong cùng thửa đất 5.000m2 của hộ gia đình, cá nhân, thì diện tích đất đất trồng cây lâu năm nêu trên là đất vườn.

monre.gov.vn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/the-nao-la-dat-vuon-ao-post17371.html