'Thể thao khiêu dâm', phạt là cần thiết nhưng hiểu như thế nào cho đúng?

Hiểu như thế nào cho đúng về thể thao khiêu dâm để vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng khiến người bị xử lý 'tâm phục, khẩu phục'?

Nhiều chuyên gia về y tế đều khẳng định, hậu quả từ việc “khiêu dâm” đối với tâm sinh lý, sức khỏe của con người. Về mặt pháp lý, thuật ngữ “khiêu dâm” đã được chế định ở nhiều văn bản. Thế nhưng, hiểu như thế nào cho đúng, để vừa đảm bảo tính răn đe nhưng cũng khiến người bị xử lý “tâm phục, khẩu phục” là điều không dễ dàng.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

“Dậy sóng” xử phạt thể thao khiêu dâm

Điều 7 Nghị định số 46/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định về việc xử phạt khi vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao. Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; b) Đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tài liệu hướng dẫn sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Quy định tại khoản 1 nêu trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tại họp báo thường kỳ quý II/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng 1/8, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng Quy định xử phạt hành vi đồi trụy, khiêu dâm trong thể thao là có căn cứ.

Theo ông Phạm Xuân Phúc: Nội dung được quy định tại Điều 7 của Nghị định 46/2019/NĐ-CP không phải là nội dung mới, mà kế thừa các Nghị định có từ trước, dựa trên các quy định: Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo năm 2013; Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 158 năm 2017 và các Luật Thể dục thể thao; Luật sửa đổi một số điều của Luật Thể dục thể thao năm 2018 và Nghị định 112 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục thể thao.

Vị Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thực tế qua thanh tra, kiểm tra và nắm tình hình, hiện nay một số môn thể thao ở nước ta có những biến tướng như yoga khỏa thân, trái thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; Pháp Luân Công vẫn lén lút tổ chức hoạt động hay trong dưỡng sinh có bài tập Suối nguồn tươi trẻ, dancing sport một số nơi vẫn ăn mặc phản cảm và có động tác biến tấu, không đúng quy định...

“Quy định như vậy trong nghị định là để có căn cứ trong quá trình thanh tra kiểm tra và có cơ sở xử lý. Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao có những quy định mang tính răn đe là chính, có những cái rất khó quy định chi tiết.” - ông Phúc nói.

Hiểu sao cho đúng?

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 46/2019 như trên là cần thiết. Thế nhưng hiểu thế nào là bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu được gọi là khiêu dâm? Và dường như cách giải thích của vị Phó Chánh thanh tra Bộ khi coi “yoga khỏa thân”, “bài tập Suối nguồn tươi trẻ”, “dancing sport” là “biến tướng”, “phản cảm” chưa nhận được sự đồng tình. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) định nghĩa: “Khiêu dâm (đg).

Gây kích thích sự ham muốn về xác thịt”. Khoản 5 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ giải thích về thuật ngữ khiêu dâm như sau: “Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục”.

Trong khi đó, Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch định nghĩa cụ thể, rõ ràng hơn: “Khiêu dâm là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, gồm: Mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.

Tuy nhiên, Thông tư 09 nêu trên đã hết hiệu lực. Do xâm phạm đến truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục, các hành vi khiêu dâm được coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định riêng của từng lĩnh vực. Luật liên bang của Mỹ cũng cấm nội dung khiêu dâm, không đứng đắn và thô tục không được phát sóng trên vô tuyến hoặc truyền hình.

Dù quy định có vẻ khá rõ ràng, nhưng xác định khái niệm thế nào khiêu dâm, không đứng đắn và thô tục vẫn có thể khó khăn, tùy thuộc vào suy nghĩ chủ quan của mỗi người. Tại Tòa án Tối cao năm 1964 về vụ án chấn động khiêu dâm và đồi trụy, Thẩm phán Stewart Potter đã viết câu nói nổi tiếng : “Tôi sẽ biết nó khi tôi thấy nó.”

Vụ án đó vẫn ảnh hưởng đến các quy tắc của FCC ngày nay và khiếu nại của công chúng về việc phát sóng nội dung phản cảm thúc đẩy việc thực thi các quy tắc đó. Theo đó, tại Mỹ, nội dung khiêu dâm không được bảo hộ bởi Tu chính án thứ nhất.

Đối với nội dung bị quy định khiêu dâm, nó phải đáp ứng một bài kiểm tra ba nhân tố do Tòa án tối cao thiết lập: Nó phải thu hút ham muốn không lành mạnh của một người bình thường; miêu tả hoặc diễn tả hành vi tình dục theo cách “công kích dữ dội”; và, xét theo một tổng thể, thiếu giá trị văn học, nghệ thuật, chính trị hay khoa học nghiêm túc.

Như vậy, có thể thấy, một hành vi, hình ảnh, trang phục, môn thể thao… tự bản thân nó không thể xác định đó là “khiêu dâm” hay không. Cần phải xem xét một cách tổng thể nhiều yếu tố. Chẳng hạn, không ai nói vận động viên thể hình – chỉ mặc một quần nhỏ che bộ phận sinh dục – là khiêu dâm. Cũng không ai cho rằng các thí sinh thi hoa hậu mặc bikini khoe đường nét, vẻ đẹp của cơ thể là khiêu dâm. Cũng như vậy, một môn thể thao với mục đích rèn luyện sức khỏe không thể bị coi là khiêu dâm.

Chị Nguyễn Hồng L, một người kiên trì theo đuổi phương thức tập luyện “Suối nguồn tươi trẻ” suốt 8 năm chia sẻ: “Bài suối nguồn tươi trẻ gồm 5 thức tập, tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì luyện tập đều đặn, sẽ giúp cho con người cân bằng tuyến nội tiết, điều hòa kinh mạch, giúp cơ thể dẻo dai, trẻ lâu hơn. 8 năm nay, sáng nào tôi cũng dành 40 phút tập suối nguồn tươi trẻ tại nhà, tôi cảm nhận rõ lợi ích sức khỏe mà bài tập này đem lại, đúng như tên gọi của nó”.

Từ đó cho thấy, không thể xét vào dáng vẻ bề ngoài, hay hình thức trang phục làm căn cứ để xử phạt. Việc quy định xử phạt thể thao khiêu dâm nói riêng cũng như các hành vi khiêu dâm khác nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, để đánh giá lại cần có một cái nhìn toàn diện, từ mục đích của người thực hiện đến hậu quả, tác động của hành vi đó và hạn chế tối đa cái nhìn chủ quan.

Hoàng Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/the-thao-khieu-dam-phat-la-can-thiet-nhung-hieu-nhu-the-nao-cho-dung-d103997.html