Thể thao ở người cao tuổi: Đừng quá chủ quan

Tập thể thao để giữ gìn sức khỏe thì rất tốt với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đối với những người từ 60 tuổi trở đi, nếu không biết lắng nghe cơ thể mình thì việc tập thể thao với cường độ như những ngày còn trẻ sẽ có thể chuốc họa vào thân.

ThS.BS. Nguyễn Thụy Song Hà trình bày tại buổi tư vấn

ThS.BS. Nguyễn Thụy Song Hà trình bày tại buổi tư vấn

Tại buổi tư vấn sức khỏe và tầm soát ngày 08/09/2018 với chủ đề “Tập thể dục đúng cách để sống vui sống khỏe” do Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, trưởng phòng khám cho biết: “Có nhiều người ý thức được rằng vận động là có lợi cho sức khỏe. Nhưng nhiều khi vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, đặc biệt là người có bệnh. Đối với người có bệnh tim mạch, thoái hóa khớp mà tự ý tập thể dục, không hẳn là tốt cho sức khỏe mà đang bị bào mòn sức khỏe nhưng không biết.”.

Chi tiết hơn, theo ThS.BS. Nguyễn Thụy Song Hà, phó Chủ nhiệm Bộ môn Y học Thể Thao trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc tập luyện thể thao phụ thuộc vào các yếu tố: cơ địa, dụng cụ, sân bãi, kỹ thuật, môn tập… Nếu chọn sai trong bất kỳ yếu tố nào thì cũng đều có thể gây hại cho người tập.

Chẳng hạn, nếu người tập bị bệnh tim mạch, theo lẽ thường thì chọn môn đi bộ là phù hợp. Nhưng nếu người đó mắc thêm các chứng bệnh về xương khp thì việc đi bộ chỉ gây hại thêm chứ không phải là tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, BS Song Hà lưu ý tình trạng thể lực không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của tinh thần, cũng sẽ gây nên quá tải. Trong phạm vi kinh nghiệm lâm sàng của mình, BS Song Hà cho biết tình trạng này chiếm đến 90% đối với những người bước qua tuổi 60 mà thời trẻ tập thể dục đều đặn.

ThS.BS. Nguyễn Thụy Song Hà, phó Chủ nhiệm Bộ môn Y học Thể Thao trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Theo BS Song Hà, đối với những người mà thời trẻ tập thể dục, chơi thể thao đều đặn với cường độ cao, đến khi qua tuổi 60, tinh thần vẫn còn hưng phấn và cường độ thể dục thể thao vẫn còn duy trì như cũ thì rất dễ bị chấn thương.

Một ví dụ, nếu thời trẻ, bạn chơi thể thao rồi bị đau vai, bạn có thể lướt qua và tự phục hồi. Nhưng khi đã có tuổi rồi thì tình hình hoàn toàn khác.Khả năng lướt qua chấn thương sẽ kém đi, đôi khi các vận động nhanh, mạnh ở khớp vai sẽ không giúp phục hồi mà còn gây nên tình trạng tệ hơn. Lý do là khi cao tuổi, hệ xương khớp của con người cũng dần bị lão hóa, khớp vai không còn độ dẽo dai nữa nên dễ dẫn đến viêm cứng khớp khi tập luyện thể thao không đúng cách.

Tự tin là tốt. Nhưng nếu quá tự tin và chủ quan thì sẽ có độ vênh giữa thể trạng và tinh thần. Và độ vênh đó có thể gây chấn thương trong lúc tham gia thể thao.

Võ Anh Tuấn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/lam-dep/the-thao-o-nguoi-cao-tuoi-dung-qua-chu-quan-412884.html