THỂ THAO TPHCM - Duy trì đẳng cấp

1. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau ngày 30-4-1975, Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) đã thành lập đoàn cán bộ gồm 42 người và sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã lên đường vào Nam, trong đó có 16 cán bộ nhận nhiệm vụ tiếp quản lãnh vực TDTT thành phố. Tháng 10-1975, Sở TDTT TPHCM được thành lập, do ông Trương Tấn Bửu làm giám đốc, ông Lê Bửu làm phó giám đốc.

Đúng ngày 2-9-1975, sân vận động Cộng Hòa được đổi tên thành sân Thống Nhất. Hôm đó cũng đã diễn ra trận bóng đá đầu tiên tổ chức tại phía Nam giữa 2 đội Hải Quan và Ngân hàng. Đại đa số cầu thủ của bóng đá miền Nam đều ở lại quê hương, không ra nước ngoài. Họ đá bóng vì đam mê nên “ở đâu có sân bóng thì mình ở lại”.

Tinh thần đó cùng với truyền thống ham thích thể thao, đã giúp phong trào thể thao TPHCM thực sự trở thành điển hình cả nước. Các cơ sở vật chất có sẵn như sân Thống Nhất, hồ bơi Yết Kiêu, trường đua Phú Thọ… nhanh chóng sáng đèn trở lại. Thể thao thành phố không mất nhiều thời gian để lấy lại phong độ của mình để khi thể thao đất nước hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, các VĐV TPHCM vụt sáng với những ngôi sao một thời làm rạng danh Tổ quốc trên kỳ đài quốc tế như Nguyễn Đình Minh, Trần Như Hoài, Trương Hoàng Mỹ Linh (Điền kinh), Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Nguyễn Thị Huyền Diệu (Taekwondo), Lê Hồng Hảo (Bóng chuyền), Nguyễn Kiều Oanh (Bơi lội), Trần Tuấn Anh, Nhan Vi Quân, Nguyễn Mai Thy, Trần Lê Phương Linh (Bóng bàn), Cao Ngọc Phương Trinh, Nguyễn Quốc Trung (Judo), Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn (Bóng đá), Lý Đức (Thể hình), Trương Quốc Thắng (Xe đạp)…

Ngọn lửa truyền thống đó còn tiếp tục được duy trì, thắp sáng và gìn giữ qua nhiều thời kỳ nhờ TPHCM luôn sản sinh ra các thế hệ VĐV tài năng cho mình, như Trương Minh Sang (Thể dục dụng cụ), Nguyễn Tiến Minh, Lê Ngọc Nguyên Nhung (Cầu lông), Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Trần Huy Bảo (Bóng bàn), Trương Thanh Hằng, Lê Tú Chinh (Điền kinh), Lê Quang Liêm (Cờ vua)…

2. Còn nhớ, từ sân Thống Nhất, bóng đá Việt Nam chuyển mình sau Cúp Độc Lập năm 1995, giải đấu đánh dấu bước đi tiên phong trong việc khai thác thương mại trong thể thao Việt Nam, đồng thời đem lại bức chiến quả lịch sử là tấm HCB SEA Games 1995. Cùng năm, là sự ra đời của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức, sự kiện tôn vinh cá nhân đầu tiên trong môn thể thao vua, trở thành thương hiệu đặc biệt và không thể thiếu của cả nền bóng đá ngày nay.

Một năm sau, đến lượt bóng chuyền thành phố ghi dấu với hệ thống đấu Tour Grand Prix gắn liền với các thương hiệu tài trợ nước ngoài…Cũng không thể không nhắc đến giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng hay Cúp xe đạp truyền hình TPHCM từ các năm 1985-1986, tạo tiếng vang lớn về quy mô và tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức.

Xét về phong trào, có thể khẳng định thể thao TPHCM vẫn vững vàng ở vị trí số 1 với hệ thống thi đấu tất cả các môn thể thao rất đa dạng từ cấp quận đến cấp thành, tạo được sân chơi rộng khắp cho người dân. Nhưng ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, những năm qua, thành tích đã có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Quá trình xã hội hóa lĩnh vực thể thao tại TPHCM gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao. Một số chương trình phát triển tài năng trọng điểm không còn phù hợp do thay đổi nhận thức của phụ huynh và nhất là cơ sở vật chất hiện chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân.

Dù vậy, với truyền thống của mình, có thể nói thể thao TPHCM vẫn có hướng đi riêng, giữ được vai trò của mình trong sự phát triển của thể thao nước nhà qua thành tích các kỳ SEA Games, mà mới nhất là ở SEA Games 31, thể thao TPHCM đã có kỳ đại hội thành công nhất, vượt 300% chỉ tiêu huy chương đề ra, là đoàn đóng góp nhiều huy chương nhất chỉ sau Hà Nội. Đó là thành quả của tinh thần tiên phong, vượt khó và luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ với thể thao cả nước.

YẾN PHƯƠNG - Trình bày: MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/the-thao-tphcm-duy-tri-dang-cap-post687273.html