Thể thao Việt Nam 2019: Thừa thắng xông lên!

365 ngày qua, bóng đá xứng đáng xếp ở ngôi vị số một, là điểm nhấn trong bức tranh tổng thể về thể thao nước nhà. Từ kỳ tích Thường Châu, tới Asiad và kết thúc với ngôi vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi, đoàn quân của HLV Park Hang Seo đã khiến 90 triệu người dân Việt Nam phải khóc vì hạnh phúc.

HLV Park Hang Seo chính là người có công lớn nhất với những thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018.

Thành công năm 2018 trở nên trọn vẹn với những tấm HCV lịch sử ở sân chơi Asiad của đoàn thể thao Việt Nam. Tất cả đã tạo nên một sức bật mạnh mẽ, mang theo niềm tin của cả dân tộc, để bước tới năm 2019 với nhiều thử thách lớn hơn.

Một chương dành cho thầy Park

Không nhiều người kỳ vọng vào HLV Park Hang Seo ông bắt đầu đặt chân tới mảnh đất hình chữ S. Sự hoài nghi đến… thờ ơ với một HLV từng có bản lý lịch bắt mắt khi từng là cánh tay phải của “phù thủy” Guus Hiddink dẫn dắt tuyển Hàn Quốc giành hạng Tư World Cup 2002. Nhưng giờ đây, cái tên ấy đã luôn trong tim người dân Việt, mang theo niềm hy vọng, khát khao cháy bóng của cả dân tộc…

Hành trình thầy Park đến với bóng đá Việt Nam giống như một câu chuyện cổ tích. Khi VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang Seo thì ông còn đang dẫn dắt CLB Changwon. Một đội nghiệp dư chơi giải hạng ba Hàn Quốc, có thành tích tệ hại sau chuỗi 15 trận không thắng. Vì thế, khi ông Park làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, có tờ báo đã châm biếm: “HLV hết thời bỗng dưng trở lại và dẫn dắt đội tuyển Việt Nam”; có báo còn đưa lại hình ảnh ông ngồi ngủ gật trong khu kỹ thuật, còn ngày ông thầy 59 tuổi đặt chân tới Hà Nội, chỉ có vài tờ báo ra sân bay để tác nghiệp, đưa tin…

Thế nhưng, tất cả sự hoài nghi của giới chuyên môn, báo giới và người hâm mộ, HLV Park Hang Seo đã làm nên hết bất ngờ này tới chiến công khác. Dưới sự dẫn dắt của thầy Park, ngay đầu năm 2018, người hâm mộ Việt Nam đã trải qua niềm hạnh phúc bất tận, những khoảnh khắc “nổi da gà” với kỳ tích của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á, trên đất Thường Châu (Trung Quốc).

Đến tháng 8/2018, HLV Park Hang Seo lại cùng Olympic Việt Nam làm nên điều tuyệt vời khác ở sân chơi Asiad 18, với hạng 4 chung cuộc, trong đó có cả chiến thắng trước Nhật Bản.

Đến AFF Cup, hiểu được nỗi lòng của triệu người hâm mộ Việt Nam, HLV Park Hang Seo cũng mong mỏi được chạm tay vào chiếc cúp khu vực, cho niềm vui 2018 của ông cùng bóng đá Việt Nam thật trọn vẹn, huy hoàng. Đây cũng là giải đấu mà ông “ký giao kèo” với VFF, và danh hiệu sẽ nói thay tất cả.

Tối 15/12, trên SVĐ Mỹ Đình, với chiến thắng 1-0 trong trận chung kết lượt về (tổng tỷ số là 3-2), đội tuyển Việt Nam đã nâng cao cúp vô địch sau 10 năm chờ đợi. Giây phút ấy, các cầu thủ đã không quên công kênh ông thầy mà họ vẫn luôn coi là bố, là người truyền lửa.

Thành công trong năm 2018 tạo cú hích cho năm 2019 với chiến tích lịch sử vào tới tứ kết ở Asian Cup. Đó là giải đấu mà cả châu lục đã phải nhìn đội tuyển Việt Nam với con mắt khác.

Một năm với cây đũa thần, thầy Park đã tạo nên những “phép thuật” làm say mê lòng người, khiến báo chí quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc lên cơn sốt. “Phép thuật” của thầy Park không chỉ nằm ở chiến thuật, mà còn ở tình yêu thương vô bờ bến cho các học trò. Đó là yếu tố cốt lỗi để những cầu thủ Việt Nam có thể chiến đấu hết mình vì thầy Park và cả vì sứ mệnh dân tộc.

Một năm 2018 với những thành công vang dội có công lớn nhất thuộc về thầy Park. Vì thế, một chương vinh danh với ông thầy đáng kính có lẽ là chưa đủ. Nhưng chẳng sao, phía trước với chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn còn những đỉnh cao phải chinh phục trong năm 2019 là vòng loại U23 châu Á, SEA Games, là vòng loại World Cup…

Phía sau thành công

Bóng đá Việt Nam từng gây tiếng vang với lứa U20 dự World Cup năm 2017 hay dự các giải đấu tầm châu lục trước đó. Nhưng, phải khẳng định rằng, 2018 mới là năm thế hệ cầu thủ kể trên kết hợp với những đàn anh thuộc lứa 1995-1996 như Xuân Trường, Đức Huy, Công Phượng, Duy Mạnh, Văn Toàn… làm nên những chiến công chói lọi cho bóng đá nước nhà.

Nổi bật nhất là tại AFF Cup 2018, Việt Nam là đội tuyển có độ tuổi trung bình trẻ thứ 3 trong số 10 đội tham dự. Còn ở Asian Cup 2019, Việt Nam có độ tuổi trẻ nhất giải. Và tập thể trẻ trung ấy đã thể hiện bản lĩnh, kinh nghiệm để lên ngôi thuyết phục với thành tích bất bại.

Chiến tích của thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam trong hơn 1 năm qua là xâu chuỗi của một loạt thành công ở các giải trẻ từ khu vực đến châu lục trong 4 năm trở lại đây. Với niềm tin tuyệt đối vào các cầu thủ trẻ, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được trái ngọt.

Nhưng sau thành công của bóng đá trẻ, chúng ta cũng không quên dành những lời cảm ơn tới những ông bầu, cụ thể là bầu Hiển, bầu Đức - những người có tâm huyết với bóng đá hàng chục năm qua. Chính họ mới là người đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá, chứ không phải “xây nhà từ nóc” của một bộ phận lớn những nhà quản lý, địa phương thích làm bóng theo kiểu ăn xổi.

Thành công với bóng đá trẻ của bầu Đức khởi nguồn từ lứa HAGL Arsenal JMG mà ông bầu phố núi chăm bẵm từ lúc còn “khỏe” trên mọi khía cạnh, đặc biệt là việc kinh doanh.

Hiển nhiên là bầu Đức làm bóng đá Việt Nam phải nghĩ lại về cách xử sự với bóng đá trẻ. Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... có thể không giúp bầu Đức và bóng đá Việt Nam hoàn tất giấc mộng giành HCV SEA Games. Nhưng cú hích từ lứa cầu thủ này khiến bóng đá Việt Nam “bung” thật mạnh các lò bóng đá trẻ, hoặc chấp nhận mạo hiểm với các cầu thủ còn non nớt.

Thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 cũng không thể không nhắc tới bầu Hiển. Trong đội hình của tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup vừa qua, quân số đến từ CLB Hà Nội chiếm đa số. Nhiều cái tên như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu… là những “đứa con” do ông bầu này “nuôi” từ khi mới 9-10 tuổi. Chưa rõ bóng đá mang lại lợi ích gì cho ông bầu này khi mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm tỷ cho các đội bóng, nhưng mỗi khi nhắc tới bóng đá, hình ảnh ông bầu nguyên vẹn tình yêu của một người hâm mộ hơn là doanh nhân là điều mà người ta nói về bầu Hiển.

Cuối cùng, phía sau thành công của bóng đá Việt Nam trong năm 2018 có một phần của đầu tàu VFF trong đó. Tuy nhiên, công lao của VFF là khá mờ nhạt, nếu không muốn nói là chẳng có gì bởi năm qua là giai đoạn mà thượng tầng bóng đá nước nhà xảy ra quá nhiều chuyện không hay bởi những vụ đấu đá, tranh giành quyền lực.
Trong bối cảnh những nhà quản lý còn mải giữ ghế, việc các đội tuyển Việt Nam liên tiếp lập kỳ tích khiến VFF phải hổ thẹn. Hy vọng rằng đó sẽ là bài học, là động lực để VFF biết mình phải làm gì, làm một cách nghiêm túc trong nhiệm kỳ mới.

Đừng quên “cú nhảy thần kỳ” Asiad!

Cú nhảy xa 6m55 của Bùi Thị Thu Thảo chính là hình ảnh tiêu biểu của thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad trong năm 2018. Cú nhảy đó không chỉ mang về tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam, mà còn là sự khẳng định vị thế, sự đi lên của các môn thể thao cơ bản Olympic trên đấu trường quốc tế.

Kết quả cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2018 phản ánh khá chính xác năm thành công của TTVN. Dù bóng đá gây tiếng vang lớn với những chiến tích ở sân chơi khu vực cũng như châu lục, nhưng không thể phủ nhận thể thao thành tích cao cũng chẳng thua kém về thành tích, thậm chí có phần hơn với điểm nhấn ở Asiad.

VĐV xuất sắc nhất năm 2018 là Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa (điền kinh), chứ không phải là Quả bóng Vàng Việt Nam Nguyễn Quang Hải. Thực tế mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng tất cả phải thừa nhận, Thu Thảo hoàn toàn xứng đáng giành chiến thắng.

Sau gần 40 năm, điền kinh Việt Nam mới có VĐV giành HCV Asiad, mà lại ở môn có độ khó cao như nhảy xa. Thu Thảo không phải là VĐV có thể hình lý tưởng, và trong suốt nhiều năm trước cô không đạt nhiều thành tích đáng chú ý.

Thành công của Bùi Thị Thu Thảo cho thấy điền kinh chính là môn thể thao rất tiềm năng của thể thao Việt Nam ở sân chơi châu lục, sau khi thống trị ở SEA Games 2017. Và chắc chắn môn này trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự đầu tư cao nhất.

Ngoài điền kinh, tấm HCV của rowing không phải là một bất ngờ lớn. Điều đáng khâm phục là trong nhiều năm qua, đua thuyền nói chung, rowing nói riêng là môn thể thao gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, đến thuyền cũng phải thuê, nhưng đã gặt hái được trái ngọt.

Hai tấm HCV ở môn pencak silat vốn không thuộc trong hệ thống Olympic, nhưng cũng phần nào cho thấy thể thao Việt Nam vẫn giữ được những mũi nhọn của mình trong khu vực. Ngoài ra, tấm HCB mà quý như vàng của kình ngư trẻ Huy Hoàng ở Asiad cũng xứng đáng được vinh danh. Nên nhớ rằng Huy Hoàng mới 17 tuổi nhưng đã có cuộc đua nghẹt thở tới những mét cuối cùng với đối thủ người Trung Quốc từng nhiều lần giành HCV Olympic.

Ngoài thất bại được dự đoán của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) và Ánh Viên (bơi lội) ở Asiad, nhìn chung, bức tranh thể thao Việt Nam 2018 là một màu tươi sáng, với sự khẳng định và đi lên của các môn thể thao cơ bản nhất của Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC…

Vấn đề là sau những thành công này, các nhà quản lý thể thao nước nhà định hướng thế nào để thể thao Việt Nam vẫn bước tới SEA Games trong năm 2019 với vị thế của một quốc gia Top đầu khu vực, nhưng cũng không phải vì thế mà đầu tư dàn trải, đặt nặng thành tích.

Nên nhớ là cũng trong năm nay, vòng loại Olympic 2020 sẽ bắt đầu diễn ra, và thể thao Việt Nam có bao nhiêu suất đi Thế vận hội bằng cửa chính thức (chứ không phải suất mời) mới là thước đo chuẩn cho sự phát triển và hiệu quả từ đầu tư.

Từ sự vươn lên mạnh mẽ ở sân chơi Asiad 2018, hy vọng là thể thao Việt Nam có bàn đạp “tấn công” đấu trường Olympic 2020, với nhiều niềm hy vọng huy chương chứ không phải chỉ trông chờ vào 1-2 gương mặt.

Còn trong năm nay, thể thao Việt Nam sẽ tham dự SEA Games như một bản lề, tập trung vào các môn thể thao cơ bản thay vì dàn trải để giành thành tích bằng mọi giá.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-2019-thua-thang-xong-len-tintuc429875