Thể thao Việt Nam đủ khả năng 'săn' 3 HCV ASIAD 2018?

Đoàn thể thao Việt Nam dự Asian Games 2018 (ASIAD 2018) cùng chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV.

Bùi Thị Thu Thảo, một trong những hi vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018

Ra quân hùng hậu

Tại ASIAD 2018, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự với 532 thành viên, đông nhất trong các kỳ Á vận hội. Với lực lượng hùng hậu, lần “đem chuông đi đánh xứ người” này, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV. Thực tế, đây không phải chỉ tiêu quá cao, nhất là khi đặt cạnh hai kỳ ASIAD gần nhất.

Tại kỳ ASIAD lần thứ 17 năm 2014, Đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 2-3 HCV. Trước nữa, tại ASIAD 16 năm 2010, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 6 HCV. Tuy nhiên, xét về mặt thành tích, đây là chỉ tiêu không dễ thực hiện. Cả hai kỳ ASIAD gần nhất, thể thao Việt Nam chỉ có duy nhất 1 tấm HCV. Năm 2010 là HCV của Lê Bích Phương (karate) và năm 2014 là HCV của Dương Thúy Vi (wushu).

Chờ bất ngờ từ Nguyễn Thị Thật

Nhà báo Đặng Việt Cường cho biết, anh đặt nhiều kỳ vọng vào VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thật: “Dù ít được nhắc tới nhưng mới đây Thật đã giành HCV châu Á và thắng những VĐV mạnh nhất của châu lục. Trong trường hợp duy trì được phong độ, Thật hoàn toàn đủ sức giành HCV”.

Tính rộng ra, kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập với thế giới, chỉ có 2 kỳ ASIAD chúng ta có được nhiều hơn 1 HCV. Đó là ASIAD 2002 và ASIAD 2006. Năm 2002, Trần Đình Hòa (bi a), Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karate) và Lý Đức (thể hình) giúp thể thao Việt Nam có 4 HCV. 4 năm sau, hai nội dung đồng đội và đôi nữ cầu mây cùng Vũ Thị Nguyệt Ánh (karate) giành về cho Đoàn thể thao Việt Nam 3 HCV.

Xét tổng số huy chương, những kỳ ASIAD gần đây, Đoàn thể thao Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Năm 2006, chúng ta chỉ có 23 huy chương các loại nhưng đến năm 2010 con số này đã tăng lên thành 33 và năm 2014 là 36. Những con số này, cộng với số HCV vừa đề cập ở phần trên cho thấy, thể thao Việt Nam thực sự chuyển mình. Tuy nhiên, khả năng tạo ra đột phá vẫn còn hạn chế.

Chia sẻ với Báo Giao thông về chỉ tiêu 3 HCV, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD Trần Đức Phấn nói. “Chỉ tiêu được xây dựng dựa trên việc khoanh vùng các VĐV đủ sức giành HCV, cộng với việc phân tích các đối thủ tranh chấp. Thực sự, đây là áp lực rất lớn đối với cá nhân tôi và các VĐV bởi sân chơi ASIAD không khác biệt nhiều so với tầm Olympic bởi châu Á tập trung rất nhiều VĐV hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là ở nhóm các môn Olympic, tôi tin nếu VĐV của ta thể hiện tốt, mục tiêu 3 HCV có thể hoàn thành”.

Vừa khó vừa dễ

Trong khi đó, nhà báo Đặng Việt Cường, người có hơn 15 năm theo dõi thể thao Việt Nam nhận định: “Chỉ tiêu 3 HCV vừa dễ vừa khó. Dễ là nếu nhìn vào lực lượng tham dự ASIAD, chúng ta có nhiều gương mặt nổi bật có khả năng giành HCV. Tuy nhiên, khó ở chỗ các VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam đều không vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Theo cá nhân tôi, chỉ duy nhất Pencak Silat nếu không có vàng là bất ngờ. Việt Nam cùng Indonesia là hai quốc gia mạnh nhất thế giới môn Pencak Silat. Dù đã bị cắt giảm nhiều nội dung nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội giành 1-2 HCV ở môn này. Những môn còn lại như: Điền kinh, wushu, karate, cử tạ, bắn súng... đều là 50-50”.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam chỉ ra các môn Việt Nam có thể giành HCV ASIAD 2018 gồm: Điền kinh, pencak silat, cử tạ, bắn súng. Mặc dù vậy, ông Minh nhấn mạnh, tất cả chỉ dừng ở “có khả năng” chứ không chắc chắn. “Tại sao tôi lại nói vậy, vì chúng ta không sở những VĐV đã ra quân là có vàng. Hình dung thế này: Nội dung cự ly VĐV phải bỏ xa đối thủ, nội dung tính điểm tạo ra chênh lệch lớn hay nội dung đối kháng thì phải nhiều lần chiến thắng. Chỉ khi đáp ứng được yêu cầu như vậy thể thao Việt Nam mới nói chắc là sẽ có HCV môn này, môn nọ”.

Từ những lập luận của mình, ông Nguyễn Hồng Minh kết luận: “Các VĐV, các nhà làm thể thao nên ý thức được rằng, thể thao Việt Nam đang có những VĐV có khả năng tranh chấp HCV chứ chưa nắm ưu thế tuyệt đối. Vì vậy, nếu đạt chỉ tiêu 3 HCV là điều đáng mừng nhưng nếu không giành được số đó thì cũng không có lỗi và cũng không đáng thất vọng”.

Hữu Hiệp

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/the-thao-viet-nam-du-kha-nang-san-3-hcv-asiad-2018-d267108.html