Thể thao Việt Nam nhìn từ ASIAD 18: Ánh Viên 'chìm' và 'nổi' lên những câu hỏi

Không phải nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh mà chính kình ngư Ánh Viên mới là thất bại và thất vọng nhất của đoàn TTVN tại ASIAD 18. Các nhà quản lý, chuyên môn vẫn chưa thể lý giải vì sao Ánh Viên thua đau tới vậy và chắc chắn câu hỏi này phải trả lời.

Nhiều câu hỏi cần những người có trách nhiệm giải đáp sau thất bại đau đớn của Ánh Viên ở ASIAD 18. Ảnh: Đ.Đ

Bởi đã đến lúc quy trình cùng cách thức đầu tư cho mẫu hình được coi là chuẩn mực của cả một nền thể thao phải đánh giá lại nghiêm túc, kỹ lưỡng để nắm bắt, kiểm soát và kịp thời điều chỉnh nếu không đi đúng hướng.

Vì đâu Ánh Viên bất ngờ “chìm nghỉm”?

Sau kỳ tích đoạt tới 8 HCV SEA Games 29 cách đây 1 năm, Ánh Viên lập tức lên đường sang Mỹ tiếp tục tập huấn dài hạn với mục tiêu rất rõ ràng: Phấn đấu tranh HCV ASIAD 18. Thậm chí, Viên không còn phải về nước thi đấu như mọi năm, các giải quốc tế tham dự cũng chọn lọc kỹ lưỡng, nhằm tập trung cao độ cho việc nâng cao khối lượng, chỉ số thành tích và chuyên môn hóa cho nội dung sở trường 400m hỗn hợp.

Mọi chuyện có vẻ ổn và siêu kình ngư này sẵn sàng cho một bước đột phá mới tại ASIAD. Ai cũng tin Viên sẽ đổi màu huy chương, có thể tranh Vàng hay chí ít cũng giữ được 2 tấm HCĐ như cách đây 4 năm. Cả HLV Đặng Anh Tuấn lẫn Ánh Viên cũng đều rất tự tin. Thậm chí, ông Tuấn còn tiết lộ Viên từng bị khủng hoảng tâm lý, phải nhờ đến chuyên gia Mỹ, như cách để nhấn mạnh học trò đang ổn về mọi mặt.

Chỉ có điều, nếu xâu chuỗi lại có thể thấy rõ chuyện khủng hoảng về tâm lý mà ông Tuấn tiết lộ có thể chính là nguyên nhân dẫn đến màn trình diễn thảm họa, đến mức khó tin của Viên trên đất Indonesia. Ở đường bơi 400m hỗn hợp, người ta thấy rõ một Ánh Viên căng cứng, áp lực, phần nào đó sợ hãi để rồi đến nội dung 200m hỗn hợp là một sự run rẩy và suy sụp thực sự.

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra từ trường hợp thất bại và thất vọng nhất Ánh Viên. Đó là hậu quả của việc tài năng đặc biệt của bơi Việt Nam được khai thác quá nhiều để đáp ứng yêu cầu thành tích, gắn với đấu trường tầm thấp SEA Games? Hay đó là kết quả của quy trình tập huấn, dù theo chuẩn Mỹ nhưng chưa chắc đã thích hợp, có hiệu quả và giúp cho sự tiến bộ? Hoặc cuộc khủng hoảng tâm lý mà Viên từng mắc phải đã không được giải quyết triệt để như đúng tính chất nghiêm trọng của nó? Và có phải HLV Đặng Anh Tuấn đã quá tự tin và chủ quan, khi Ánh Viên được giao hoàn toàn cho ông thầy này?

Ngay lãnh đạo ngành thể thao, như thừa nhận của Tổng Cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN trên đất Indonesia - đến giờ cũng vẫn chưa thể lý giải, nắm bắt rõ ràng về lý do Ánh Viên thảm bại mà chỉ phỏng đoán về nguyên nhân tâm lý.

ASIAD 2018 là đích nhắm đầu tiên trên hành trình vươn đến đỉnh cao tầm châu lục, sau khi thống trị Đông Nam Á, và Ánh Viên đã thất bại đau đớn.

Kinh phí đầu tư cho Ánh Viên hơn 15 tỉ đồng

Ánh Viên là VĐV được đầu tư theo chuẩn quốc tế trên đất Mỹ, với cách thức đào tạo, tập luyện thi đấu hoàn toàn khác biệt, cùng mức kinh phí đầu tư vượt trội so với các tài năng khác của TTVN.

Qua 6 năm ăn tập dài hạn ở Mỹ, tổng kinh phí mà ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản đầu tư cho siêu kình ngư Ánh Viên đã vượt mốc 15 tỉ đồng. Đây là một con số “khủng” chưa từng có với TTVN, vượt quá xa mức đầu tư cho những tài năng trọng điểm khác.

Xét ở một mặt, khoản đầu tư này xứng đáng đến từng đồng, khi tạo ra một “cỗ máy” có thể thâu tóm mọi tấm HCV ở sân chơi khu vực, nổi bật là 19 tấm HCV ở 3 kỳ SEA Games gần đây. Cùng đó, Ánh Viên còn tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa với tư cách một hình tượng của cả nền thể thao.

Tuy nhiên, xét ở mặt khác, hiệu quả đầu tư cho Viên vẫn chưa đạt kỳ vọng, thể hiện ở Olympic 2016 và giờ là ASIAD 18. Cần phải nhắc lại, chính HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định, năm 2018 với sân chơi lớn ASIAD sẽ là điểm rơi chín muồi nhất trong sự nghiệp của Viên.

Điểm tích cực duy nhất từ thất bại mà lãnh đạo ngành thể thao chưa biết, chưa thể lý giải này, có lẽ nằm ở khía cạnh những người có trách nhiệm sẽ nhìn nhận lại nghiêm túc, thấu đáo cách thức đầu tư cho trường hợp điển hình Ánh Viên.

Cũng còn một điều nữa đáng phải suy nghĩ, khi “đàn em” 18 tuổi trên đường bơi xanh Nguyễn Huy Hoàng đã lập kỳ tích 1 HCB, 1 HCĐ khi chỉ tập huấn trong nước, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia ngoại.

DŨNG TÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-nhin-tu-asiad-18-anh-vien-chim-va-noi-len-nhung-cau-hoi-629614.ldo