Thể thao - vũ khí tối thượng trong cuộc chiến chống ung thư?

Ung thư - căn bệnh được coi như bản án tử hình ký sẵn đối với những ai mắc phải. Nhiều phương pháp chữa trị, nhiều loại thuốc khác nhau đã ra đời nhằm ngăn chặn ung thư nhưng cho đến nay chưa có một phương pháp hay loại thuốc nào có khả năng chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, có một phương pháp hết sức phổ thông và dễ thực hiện nhưng lại mang đến hiệu quả cao mà người ta thường hay quên mất. Đó chính là Thể dục thể thao.

Lance Armstrong đã chiến thắng ung thư hơn 20 năm nay. Sau scandal doping, anh chuyển về một căn nhà nhỏ hơn cùng gia đình, chỉ mang theo bộ sưu tập rượu vang quý giá và những tác phẩm nghệ thuật đã dày công sưu tầm.

1. Năm 2013, một trong những nghiên cứu về ung thư đã được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Karolinska, Solna Thụy Điển. Họ chọn ra mười người đàn ông có độ tuổi trung bình là 25, có thể hình và sức khỏe lý tưởng. Sau đó nhóm mười người này được cho tập luyện với máy đạp xe tại chỗ trong vòng 65 phút. Mẫu máu trước và ngay sau khi tập luyện đã được lấy ra để chế tạo huyết thanh.

Sau đó, hai mẫu huyết thanh này được sử dụng trên các vật phẩm ung thư tiền liệt tuyến để xem mức độ ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư đến đâu. Thật ngạc nhiên khi mẫu huyết thanh lấy được ngay sau khi tập luyện đã kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư nhiều hơn 31% so với mẫu trước khi tập luyện.

Người ta tin rằng việc tập thể thao sẽ giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng lượng oxy được cơ thể hấp thu. Trong khi đó các tế bào ung thư lại không thể tồn tại được trong môi trường giàu oxy. Đối với những người đang trong quá trình điều trị hóa chất, việc tập thể thao giúp tăng áp lực máu bơm đến các bộ trong cơ thể, giúp hóa chất có thể đi xa hơn đến từng ngóc ngách trong cơ thể để tiêu diệt những tế bào ung thư. Nhưng có phải mọi việc chỉ như vậy hay còn điều gì đó bí ẩn hơn bên trong cơ thể chúng ta?

2. Một nhóm các nhà khoa học Đan Mạch tại Bệnh viện đại học Copenhagen đã làm thí nghiệm trên chuột bạch, công bố kết quả trên tạp chí Cell Metabolism. Thí nghiệm đã chỉ ra rằng, một loại hormone có tên gọi là adrenalin, hay còn có tên gọi khác là epinephrine, chính là nhân tố quyết định làm nên điều đặc biệt này.

Các nhà khoa học đã chia những con chuột bạch được thí nghiệm ra làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất được đặt trong những lồng bánh xe để có thể chạy bộ liên tục; Nhóm thứ hai được nuôi trong những lồng bình thường, với tần suất vận động ít hơn rất nhiều. Sau đó họ đã tiêm các hợp chất như diethylnitrosamine và melanoma vào 2 nhóm chuột thí nghiệm gây nên năm loại ung thư chính khác nhau như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư da...

Sau 4 tuần theo dõi, các nhà khoa học đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các khối u ác tính ở những chú chuột vận động liên tục trong bánh xe nhỏ hơn 61% so với nhóm chuột sống trong lồng bình thường. Đối với các khối u ở phổi, điều tương tự cũng xảy ra, khi kích cỡ khối u của nhóm chuột được vận động liên tục giảm hơn 58% so với nhóm chuột ít vận động. Với nhóm chuột được tiêm diethylnitrosamine, chỉ có 31% các chú chuột vận động với bánh xe phát triển các khối u, trong khi con số này là 75% với nhóm chuột ít vận động.

3. Sau một quá trình tìm tòi và nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng một loại hormone, thường được biết đến với cái tên adrenalin hay còn có tên khác là epinephrine chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa kỳ diệu này. Loại hormone này giúp tăng cường khả năng sản sinh và tập trung các tế bào tiêu diệt tự nhiên trong cơ thể.

Đây là một loại tế bào miễn dịch đặc hiệu có chức năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Nồng độ của loại hormone này sẽ tăng cao trong máu trong quá trình tập luyện thể chất. Ngoài ra, các hoạt động thể chất còn khiến cơ thể sản sinh ra một hợp chất có tên gọi là interleukin-6. Interleukin-6 có vai trò giống như những “người dẫn đường” giúp các tế bào tiêu diệt tự nhiên dễ dàng nhận ra các khối u hơn để tập trung tấn công và tiêu diệt chúng.

Để chắc chắn hơn, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tiêm cả epinephrine và interleukin-6 lên nhóm chuột ít vận động. Kết quả là hệ thống miễn dịch của những chú chuột ít vận động đã tấn công các khối u hiệu quả như những chú chuột thường xuyên vận động với bánh xe.

Từ những thí nghiệm và nghiên cứu trên, nhóm các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: Việc tập thể dục làm giảm tỉ lệ mắc ung thư cũng như tăng trưởng khối u trên những mẫu chuột thí nghiệm; Việc tập thể dục làm tăng sự xâm nhập của các tế bào tiêu diệt tự nhiên, từ đó kiểm soát sự phát triển của các khối u; Epinephrine có vai trò quan trọng trong việc huy động các tế bào tiêu diệt tự nhiên ức chế và tiêu diệt các khối u; Các hoạt động thể chất giúp cơ thể sản sinh ra interleukin-6, là hợp chất giúp các tế bào tiêu diệt tự nhiên tập trung tấn công các khối u hiệu quả hơn.

4. Trên thực tế, báo chí cũng đã đưa tin về những câu chuyện mà người bệnh chống chọi lại căn bệnh ung thư hiệu quả nhờ thể thao, trong đó ông Wu Qihang, đến từ Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là một điển hình. Ông Wu được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư bàng quang vào năm 1996. Sau đó, vào năm 2000 ông lại bị chẩn đoán mắc ung thư phổi. Trong vòng 20 năm, ông đã trải qua tổng số 17 ca phẫu thuật, nhiều lần hóa trị và phải chịu nhiều đau đớn. Rất nhiều lần, các bác sĩ thông báo rằng ông sẽ chết sớm. Nhưng ông coi căn bệnh ung thư giống như một đối thủ và mình là một võ sỹ quyền anh sẽ đánh bại nó.

Hàng ngày, ông Wu vẫn đi đến phòng Gym và tập luyện 2 giờ mỗi ngày và đạp xe ở công viên vào các ngày cuối tuần. Vài năm trước, ông Wu đã tình cờ gặp lại vị bác sĩ cũ của mình trên đường phố. Vị bác sĩ đã bị sốc khi thấy ông Wu vẫn mạnh mẽ và khỏe mạnh. Ông ta thậm chí còn kêu lên: “Ông vẫn còn sống cơ à?!”

Và cuối cùng, để thay cho lời kết, chúng ta có thể nhắc lại câu nói của Lance Armstrong, VĐV đua xe đạp nổi tiếng, người đã chống chọi và chiến thắng căn bệnh ung thư tinh hoàn hơn 20 năm nay, là biểu tượng cho cuộc chiến chống lại ung thư: “Người ta có thể nói với bạn rằng bạn có 90%, 50% hay thậm chí 1% cơ hội sống sót. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải có niềm tin và phải chiến đấu đến cùng. Không gì là không thể!”

Hoàng Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/the-thao-vu-khi-toi-thuong-trong-cuoc-chien-chong-ung-thu-683877.bld