Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của ông Abe

Trong khi Triều Tiên đang được chú ý hơn bao giờ hết, có một nhà lãnh đạo của một trong những quốc gia tham gia bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-un trong 2 tháng qua, đó là Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản.

Tất nhiên, không phải là không có cơ hội – khi hồi tháng trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong-Un cho biết đã “sẵn sàng” gặp Thủ tướng Abe. Nhưng hiện nay, Triều Tiên bất ngờ khăng khăng đòi loại Nhật Bản ra khỏi quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, và từ chối gặp cấp cao cho đến khi Tokyo chấm dứt các cuộc tập trận quân sự. Sự vắng mặt của Nhật Bản, một đồng minh thân cận nhất ở Châu Á của Mỹ, làm dấy lên lo ngại sẽ gây hại cho triển vọng phi hạt nhân hóa.

Nguyên nhân cho sự thay đổi nhanh chóng của Bình Nhưỡng là gì? Đó là những tranh cãi giữa hai nước liên quan vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản. Tokyo yêu cầu Bình Nhưỡng trao trả tất cả 17 công dân bị nước này bắt cóc từ năm 1977 đến năm 1983 vẫn còn sống, mặc dù Triều Tiên khẳng định, tất cả các nạn nhân, trừ 5 người trở về năm 2002, hoặc là đã chết hoặc không bao giờ bị bắt cóc.

Khi Nhật Bản lặp lại yêu cầu này, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore, xem đó là điều kiện tiên quyết để tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao với ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã thay đổi thái độ. Bởi lẽ, Bình Nhưỡng khẳng định vấn đề bắt cóc đã được giải quyết.

Vấn đề bắt cóc hiện chính là trở ngại duy nhất để Nhật Bản hướng đến quan hệ thân thiện hơn với Triều Tiên. Và ông Abe đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Abe từ lâu vẫn bị các đối thủ cáo buộc chính trị hóa vấn đề bắt cóc nhằm thúc đẩy vị thế. Khi vấn đề bắt cóc “xâm nhập” vào cuộc đối thoại quốc gia vào đầu những năm 2000, vị thủ tướng tương lai đã tận dụng kinh nghiệm của mình về vấn đề này để tạo cho mình ở vị thế là một người có quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Và ông đã ghi điểm vì điều đó.

Nhưng ông có thể cũng cần một hướng đi mới để giải quyết dứt điểm bài toán này. Và có lẽ cũng chỉ ông mới có thể phá vỡ bế tắc hiện nay giữa Nhật-Triều về vấn đề này. Các gia đình bị bắt cóc vẫn tin tưởng thủ tướng là “người của họ”, và nếu ông nói với họ - và phần còn lại của Nhật Bản - rằng đất nước cần phải điều chỉnh vấn đề này, có thể họ sẽ chấp nhận thực tế. Chiến thuật mới chắc chắn sẽ đối mặt nhiều rủi ro về mặt chính trị - nhưng nó được cho là cần thiết nếu Nhật Bản muốn không bị “bỏ rơi” trong vấn đề Triều Tiên.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_193132_the-tien-thoai-luong-nan-cua-ong-abe.aspx